Sửa đổi một số chính sách Thuế: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

PV.

Những năm qua, do tác động bất lợi của kinh tế thế giới, nền kinh tế nước ta và cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ thấy rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sửa đổi Luật để phù hợp với thực tiễn

Để tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 16/10/2015; của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tại phiên họp ngày 29/9/2015; Chính phủ trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế (sau đây gọi là Dự án Luật) với nội dung cơ bản như sau:

Về thuế GTGT: Cần phải bổ sung các giải pháp chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ sản phẩm nông sản; khuyến khích hợp lý xuất khẩu; ngăn chặn tình trạng gian lận trong hoàn thuế GTGT; đồng thời tiếp tục giảm thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp thuế và hoàn thuế GTGT chưa hợp lý, qua đó khuyến khích, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Về thuế TTĐB: Trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô cũng như nhiều mặt hàng chịu thuế TTĐB khác theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, một số hiệp định song phương, cần thiết phải sửa đổi thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô ở mức tương đương với các nước Đông Nam Á (Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin...) đối với dòng xe thân thiện với môi trường, dung tích xi lanh nhỏ để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; sửa đổi quy định về giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước bán hàng qua các khâu trung gian trong nội bộ doanh nghiệp để bảo đảm chính sách minh bạch, rõ ràng.

Về quản lý thuế: Để góp phần thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN cần xử lý những khoản nợ thuế của DNNN mà doanh nghiệp đang có lỗ lũy kế lớn hơn số nợ thuế, để doanh nghiệp đủ điều kiện vốn chủ sở hữu để thực hiện cổ phần hóa. Đồng thời, đối với những doanh nghiệp cổ phần hiện nay mà có số nợ thuế phát sinh từ trước thời điểm cổ phần hóa, do khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa số nợ thuế chưa được tính trong giá trị doanh nghiệp, nên các cổ đông, nhà đầu tư hiện nay không có trách nhiệm thực hiện các khoản nợ này.

Ngày 06/10/2015, Chính phủ đã có Tờ trình số 469/TTr-CP trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật quản lý thuế.

Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã; ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh

Nhằm vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục tình trạng gian lận thuế, các hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã kiến nghị quy định không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy sản ở khâu kinh doanh thương mại.

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật thuế GTGT quy định sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu không chịu thuế GTGT. Theo khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT, nếu những sản phẩm này được bán ở khâu thương mại phải chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.

Để khuyến khích phát triển phát triển sản xuất, kinh doanh đối với mặt hàng nông sản, thủy sản cần điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với hoạt động này, theo hướng chuyển từ mức thuế suất 5% sang thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Đồng thời hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng quy định trên mua nông sản của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn có thuế 5% để hợp thức đầu vào, lòng vòng qua nhiều khâu thương mại trung gian trước khi bán cho cơ sở xuất khẩu để cơ sở này được hoàn thuế.

Để xử lý vướng mắc thực tế trong phạm vi nội dung Quốc hội cho phép, tại Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 Chính phủ đã quy định cơ sở kinh doanh không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đầu ra đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã; theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mua vào sẽ không có thuế GTGT đầu vào để khấu trừ, hạn chế việc khấu trừ khống thuế GTGT.

Việc thực hiện quy định này trên thực tế trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã để khắc phục gian lận, bảo đảm minh bạch chính sách, phù hợp với bản chất của thuế GTGT và giảm thủ tục hành chính.