Suy thoái kinh tế tại CHLB Nga: Nhìn từ giác độ ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước

Trái với xu hướng phục hồi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, kinh tế quí IV/2012 tại CHLB Nga lại tăng thấp nhất kể từ suy thoái năm 2009. Chưa dừng lại ở đó, GDP quí I/2013 chỉ tăng 1,1%. Nguyên nhân cơ bản được cho là khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã làm suy giảm nguồn vốn đầu tư vào CHLB Nga và các biện pháp chống lãng phí của Chính phủ liên bang, sản lượng công nghiệp trong hai tháng đầu năm giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Suy thoái kinh tế tại CHLB Nga: Nhìn từ giác độ ngân hàng
Các ngân hàng tư nhân của Nga không thể cạnh tranh được với các ngân hàng quốc tế lớn và các ngân hàng thương mại nhà nước. Nguồn: telegraph.co.uk

Theo dữ liệu của Cơ quan Dịch vụ thống kê liên bang (FSS), các nước Liên minh châu Âu tiêu thụ khoảng 50% lượng hàng hóa xuất khẩu của CHLB Nga, chủ yếu là dầu khí và nguyên liệu thô. Do khủng hoảng và suy thoái kinh tế, nhu cầu yếu ớt đã làm giảm đầu tư của các doanh nghiệp và nhu cầu về hàng hóa, giá năng lượng và kim loại đầu vào biến động theo xu hướng giảm.

Trong khi đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại CHLB Nga đứng ở mức tối thiểu, môi trường kinh doanh kém hấp dẫn. Trong khó khăn, người Nga lại có thiên hướng thắt chặt hầu bao thay vì tăng chi tiêu nên giá cả hàng hóa và lạm phát tiếp tục ở mức thấp.

Theo đánh giá của FSS, GDP năm 2012 chỉ tăng 2,1%, thấp xa so với dự báo tăng 3,4% đưa ra trước đó, vốn đã được Thủ tướng Dmitry Medvedev báo cáo trước Duma quốc gia Nga (Hạ viện) vào chiều 17/4/2013 về kết quả một năm hoạt động của Chính phủ do ông lãnh đạo.

Suy thoái kinh tế đã dẫn đến tranh cãi giữa các nhà tạo lập chính sách xung quanh các vấn đề của nền kinh tế, như định hướng lại chiến lược phát triển kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đổi mới công nghệ, cắt giảm lãi suất để đẩy lạm phát lên cao hơn mức mục tiêu đề ra.

Theo nguyên Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, tăng trưởng dưới 3% là suy thoái, đẩy nước Nga vào thế tụt hậu so với thế giới. Nền kinh tế Nga đã mất dần động lượng khi chứng kiến đà suy giảm GDP từ 4,5% vào năm 2010 xuống 4,3% vào năm 2011 và 3% vào quí III/2012.

Trung tuần tháng tư, Bộ Phát triển kinh tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay xuống 2,4%, giảm 1/3 so với dự báo trước đó sau kết quả tăng trưởng đáng thất vọng trong quí I, bất chấp giá dầu thô trong năm 2013 có thể lên tới 105 USD/thùng từ mức trung bình 97 USD/thùng trong những năm trước. Nếu kinh tế Nga tiếp tục dậm chân tại chỗ và Chính phủ không đưa ra được các giải pháp kích thích tăng trưởng, kinh tế của quốc gia này có thể lâm vào suy thoái vào quí III năm nay.

Thứ trưởng Kinh tế Andrei Klepach còn đưa ra nhận định bi quan hơn khi cho rằng, kinh tế Nga có thể chỉ tăng dưới 2% trong năm 2013 nếu tình hình kinh tế và sản lượng vẫn tăng với tốc độ như hiện nay. Ông cho rằng, mục tiêu đạt tăng trưởng 5% trong giai đoạn trung hạn do Thủ tướng Medvedev đưa ra không thể trở thành hiện thực trong năm nay, và cũng rất khó đạt được trong những năm tới nếu không cải thiện đáng kể môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nhà khoa học và quản lý kinh tế Nga cảm thấy lo ngại về tương lai gần của CHLB Nga khi cho rằng, các biện pháp có thể được áp dụng, song để đạt được hiệu quả lại là vấn đề khác, khi các mục tiêu đề ra thiếu cơ sở khoa học và không tính đến thực tế khách quan.

Trong thời kỳ 1999-2008, công cuộc cải cách kinh tế tại CHLB Nga đã diễn ra nhanh chóng và đạt tốc độ tăng trưởng cao với GDP hàng năm tăng trung bình 7%. Tuy nhiên, nền kinh tế này đã mất động lượng và bị tác động mạnh của khủng hoảng.

Cho tới nay, nền kinh tế Nga vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu thô như dầu mỏ, khí đốt, vàng, gỗ và nhiều kim loại khác. Mô hình tăng trưởng chậm thay đổi, nhiều doanh nghiệp Nga được xây dựng theo mô hình tập đoàn nhà nước qui mô lớn, nhưng đều thiếu vốn và hoạt động không phù hợp.

Cùng với sự cồng kềnh quá mức của khu vực kinh tế nhà nước, hệ thống tài chính vẫn chậm thay đổi và nằm dưới sự chi phối của khoảng 20 ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, những ngân hàng này cũng không đủ năng lực để trang trải nguồn vốn cho các tập đoàn nhà nước. Trái lại, các định chế tài chính và ngân hàng tư nhân không được phép tích lũy nguồn vốn cần thiết để duy trì tăng trưởng bền vững và thay đổi thể chế, không thể cạnh tranh được với các ngân hàng quốc tế lớn và các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trong tổng số khoảng 1.300 ngân hàng, 15 ngân hàng thương mại nhà nước kiểm soát khoảng 60% nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, nên những ngân hàng còn lại đều thiếu vốn nghiêm trọng, không có khả năng đáp ứng yêu cầu tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước. Tỉ lệ vốn hóa của hệ thống ngân hàng Nga so GDP chỉ vào khoảng 25%, trong khi tỉ lệ này tại các nước phát triển đều xấp xỉ 100%. Vì thế, không thể nói đến “tiền dài hạn” tại CHLB Nga, đặc biệt là nguồn vốn cho các dự án trung và dài hạn.

Tại các nước phát triển, hệ thống tài chính trở thành các công cụ chủ yếu cho phát triển kinh tế, tăng trưởng và cạnh tranh. Tuy nhiên, các ngân hàng Nga vẫn khó khăn do thiếu khả năng đảm bảo sự tiếp cận nguồn vốn. Đây là vấn đề lâu dài, đòi hỏi phải có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững.

Tổng thống Putin đề ra mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong 10 năm tới, nhưng kế hoạch đầy tham vọng này chỉ có thể đạt được nếu quyết liệt củng cố hệ thống tài chính - ngân hàng.