Tác động của áp chế tài chính đối với thị trường tài chính Việt Nam

ThS. Huỳnh Thị Lan - Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Áp chế tài chính là những biện pháp kiểm soát về lãi suất. Các áp chế tài chính có thể được mở rộng hoặc siết chặt nhằm đạt được mục đích điều hành vĩ mô của Chính phủ ở tất cả các quốc gia. Việc sử dụng các biện pháp này đã tác động rất lớn đến thị trường tài chính Việt Nam trong thời gian qua. Đây cũng là nội dung được phân tích cụ thể trong bài viết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong các biện pháp áp chế tài chính, công cụ kiểm soát về lãi suất được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của chương trình Fulbright đã xem xét tác động của các công cụ áp chế tài chính từ năm 80 đến nay ở Việt Nam kết luận rằng những kiểm soát chặt chẽ về lãi suất thường dẫn đến tình trạng lãi suất thực âm, ảnh hưởng đến sự phát triển của tài chính và mức độ sâu của nó.

Trong những năm gần đây, chính phủ thực hiện hàng loạt các quy định về áp trần lãi suất huy động đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam nhằm hạn chế việc tăng trưởng tín dụng và giải quyết sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại.

Việc quy định về trần lãi suất huy động như trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cho vay của nền kinh tế. Quy định này cộng với lạm phát cao dẫn đến lãi suất thực âm trong một thời gian dài. Cũng trong khoảng thời gian năm 2011 và năm 2012, khi mà hoạt động của thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm cộng với thị trường vàng và thị trường ngoại hối bị nhà nước quản lý chặt chẽ thì người dân chỉ còn một lựa chọn là gửi tiết kiệm ngân hàng mặc dù lãi suất thực âm. Do đó, dân chúng phải chịu mức “thuế lạm phát” và “thuế áp chế” một thời gian dài khiến mức huy động vốn trong nền kinh tế bị giảm sút. Việc giữ trần lãi suất huy động cũng khiến khả năng huy động các nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế, ảnh hưởng đến duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Mặc dù thời gian qua, các chỉ số như tổng phương tiện thanh toán, huy động và cho vay đều tăng, tỷ lệ giữa tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất OMO (gọi chung là lãi suất điều hành) lại không cao, nhiều khi còn thấp hơn lãi suất trần huy động. Thêm vào đó, trong gần như suốt thời kỳ áp chế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ yếu hút tiền vào hơn là bơm tiền qua kênh thị trường mở.

Từ năm 2013 đến nay, các biện pháp nhằm giảm lạm phát khiến cho lãi suất thực bắt đầu dương. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các văn bản nhằm hạ dần lãi suất đối với tiền gửi huy động nhằm hạ lãi suất cho vay, kích thích cho việc tăng trưởng tín dụng trở lại ở các ngân hàng thương mại.

Tóm lại, tuy áp đặt trần lãi suất huy động được sử dụng phổ biến và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn nhưng công cụ này cũng góp phần vào việc cải thiện tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng tín dụng quá nóng ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Dự trữ bắt buộc cũng là công cụ để chính phủ các nước áp dụng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Thông thường, chính phủ sử dụng biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn khi xảy ra khủng hoảng tài chính vì nếu khủng hoảng tài chính xảy ra thường kéo theo việc rút tiền ồ ạt và để giảm chi phí các khoản nợ cho Chính phủ. Tại Việt Nam, dự trữ bắt buộc được sử dụng như là công cụ để đảm bảo tính thanh khoản ở các ngân hàng thương mại và kiềm chế lạm phát.

Dự trữ bắt buộc được Ngân hàng Nhà nước sử dụng rất linh hoạt trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2010 để ngăn ngừa sự tăng trưởng tín dụng quá nóng và kiềm chế lạm phát. Trong đó, giai đoạn 2007 – 2008, tỷ lệ dự trữ bắt buộc được điều chỉnh khá mạnh tay (từ 5% lên 10% và 11% đầu năm 2008). Hiện nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đang thực hiện các mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng VND áp dụng theo Quyết định 379/QĐ-NHNN ngày 24/2/2009 (áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 3/2009), tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng USD áp dụng theo Quyết định 1925/QĐ-NHNN ngày 26/8/2011 (áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 9/2011).

Như vậy, nhiều năm qua các tỷ lệ được quy định chưa có thay đổi, ngoại trừ một số trường hợp được giảm nếu có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn từ 40% trở lên. Từ năm 2012 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tham gia quá trình tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, theo đó, cơ chế trên mở ra khả năng nhiều thành viên có thể được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong thời gian tới. Với thị trường tài chính, khả năng một nguồn vốn từ dự trữ bắt buộc sẽ được “thả” ra.

Tuy nhiên, tác động của nó (trực tiếp nhất là với lãi suất) còn tùy thuộc vào mức độ quyết định giảm của Ngân hàng nhà nước. Nếu có quyết định giảm theo chính sách mới này, độ rộng ảnh hưởng là đáng kể, đặc biệt là khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển các nghiệp vụ kinh doanh của mình.

Trên thực tế, đã có khá nhiều những nghiên cứu thực nghiệm ở nhiều quốc gia xem xét tác động của những áp chế này lên sự phát triển của thị trường tài chính như Gurley và Shaw (1960), Goldsmith (1969), McKinnon (1973) và Shaw (1973). Một điều dễ nhận thấy rằng, mặc dù các biện pháp này mang lại lợi ích cho chính phủ nhưng chúng cũng để lại những hệ lụy cho sự phát triển của thị trường tài chính và làm cho sự phân bổ các nguồn lực trở nên kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, thực trạng ở Việt Nam cũng cho thấy việc áp dụng một cách cứng nhắc các biện pháp áp chế tài chính sẽ kiềm hãm sự phát triển tự do của thị trường tài chính này. Do đó, việc sử dụng linh hoạt, thay đổi hay nới lỏng của những công cụ này trong điều kiện mới của thị trường là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tài chính phát huy hết vai trò và hiệu quả của nó. Vì vậy, có thể nói rằng, để nền kinh tế phát triển thì Chính phủ nên nới lỏng các quy định áp đặt về tài chính. Các biện pháp này chỉ nên được sử dụng như là cách thức để bảo vệ nền kinh tế thoát khỏi tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban Kinh tế Quốc hội (2014): Báo cáo kinh tế vĩ mô 2014;

2. GS.,TS. Trần Thọ Đạt và cộng sự: Chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015 và những tác động tới nền kinh tế;

3. http://www.sbv.gov.vn.