Tác động nhiều mặt của tỷ giá

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Không ít người cho rằng tỷ giá chỉ tác động đến xuất, nhập khẩu, hoặc rộng hơn là vấn đề kinh tế (lạm phát, tình trạng đô la hoá, thanh toán quốc tế, dữ trữ ngoại hối, nợ và trả nợ,…), nhưng thực ra tỷ giá còn tác động lớn hơn nhiều.

Tỷ giá có vai trò quan trọng về nhiều mặt, được ví giống như một cái huyệt quan trọng trong cơ thể con người. Vì vậy, việc ổn định tỷ giá là  rất có ý nghĩa và cần hết sức cẩn trọng khi “bấm” vào cái huyệt này.

 Tác động nhiều mặt của tỷ giá - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đối với xuất, nhập khẩu, tỷ giá tăng sẽ có tác động khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu; ngược lại, tỷ giá giảm sẽ có tác động khuyến khích nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu. Nói như vậy, nhưng chẳng có nước nào chỉ nhăm nhăm phá giá đồng bạc của mình cả, bởi tỷ giá còn có nhiều tác động khác, bởi trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá do thị trường điều tiết, việc phá giá/tăng giá đồng nội tệ là biện pháp hành chính, không phải là giải pháp thị trường.

Hơn nữa, trong một nền kinh tế mà nhập khẩu còn lớn hơn xuất khẩu và trong tổng kim ngạch nhập khẩu, phần tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn (năm 2005 chiếm 89,8%, năm 2012 chiếm 93,2%), thì việc tăng tỷ giá (phá giá)  “lợi bất cập hại”.

Tỷ giá tăng sẽ làm cho giá hàng nhập khẩu tính bằng VND tăng lên; nếu giá hàng nhập khẩu tính bằng USD cũng tăng lên thì sẽ làm cho giá nhập khẩu tăng kép. Lạm phát khi đó sẽ tăng do yếu tố chi phí đẩy. Mặt khác, về mặt tâm lý, tỷ giá tăng sẽ làm cho dòng vốn tính bằng VND từ chỗ trú ẩn vào đồng USD sẽ tham gia vào lưu thông, làm tăng giá các hàng hoá, dịch vụ. Đồng thời, tình trạng găm giữ ngoại tệ tăng, giá ngoại tệ cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Đối với nợ và trả nợ, khi tỷ giá tăng thì số nợ và trả nợ tính bằng VND sẽ tăng.

Việc ổn định tỷ giá trong vài năm nay ngoài nguyên nhân do việc chuyển đổi tư duy điều hành hạn chế việc giao dịch bằng USD, thay thế dần quan hệ tín dụng bằng quan hệ mua đứt bán đoạn… còn do một số nguyên nhân khác. Trước hết, lạm phát trong vài năm nay đã được kiềm chế, góp phần vào việc hạn chế đầu tư và găm giữ USD. Lãi suất tiết kiệm VND cao gấp nhiều lần so với USD khiến tăng sức hấp dẫn đối với VND.

Lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam gia tăng. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 tháng năm nay đăng ký đạt 19,23 tỷ USD, tăng tới 65,6% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%; dự báo cả năm sẽ vừa tăng so với 3-4 năm trước vừa vượt xa so với kế hoạch năm nay. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức 10 tháng giải ngân ước đạt 3.586 triệu USD, dự báo sẽ vượt qua kỷ lục đã đạt được vào năm trước. Lượng kiều hối được tổ chức quốc tế, các chuyên gia dự báo có thể đạt trên 11 tỷ USD, vượt kỷ lục năm trước. Lượng ngoại tệ do khách quốc tế vào Việt Nam chi tiêu 10 tháng đã tăng 10,4% về lượng người, dự báo cả năm sẽ đạt 7,3 triệu lượt người và đạt 7,7 tỷ USD, vượt kỷ lục trong năm trước…

Không những tác động về kinh tế, quan trọng hơn việc tăng tỷ giá còn tác động đến yếu tố tâm lý kỳ vọng lạm phát, tác động tiêu cực đến lòng tin đối với đồng tiền quốc gia. Lòng tin này tuy không phải là yếu tố kinh tế trực tiếp, nhưng trong nhiều trường hợp, còn quan trọng hơn cả yếu tố kinh tế, bởi lòng tin là nền tảng của ổn định, mà ổn định là tiền đề của tăng trưởng bền vững.