Tái cấu trúc đầu tư cho nông nghiệp

Hồng Nhung

TCTC Online – Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho gần 70% lao động. Đây là một khu vực kinh tế còn nhiều tiềm năng của đất nước, tuy nhiên lại chưa được quan tâm đúng mức nên chưa phát huy được sức mạnh và hiệu quả của khu vực này.

Với những tiềm năng phát triển to lớn nhưng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa tương xứng với giá trị và vai trò của khu vực kinh tế này. Do cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém và bất cập nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, thu nhập của nông dân không ổn định và thấp so với mức thu nhập chung, chênh lệch về mức sống ở nông thôn và thành thị ngày càng lớn… Điều này khiến cho lao động ở vùng nông thôn đang đổ về các khu đô thị lớn tìm cơ hội việc làm, gây ra những gánh nặng và hậu quả xấu lên các khu đô thị.

Vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 – 2011 là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được cải thiện đáng kể, tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư trên mới chỉ đáp ứng được 55-60% yêu cầu và hiệu quả đầu tư lại không cao.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với nhu cầu. Trong khi đó, việc đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả đồng vốn chưa cao và cơ cấu đầu tư chưa hợp lý đã dẫn đến việc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ngoài ra, vốn FDI trong nông nghiệp nông thôn còn thấp và có xu hướng giảm dần. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,63% trên tổng vốn đầu tư và có xu hướng giảm; vốn ODA đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 14,25% trên tổng vốn của toàn giai đoạn 2006 - 2011.

Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch cụ thể về chuyển đổi cơ cấu theo từng vùng trong quy hoạch tổng thể chung cả nước, việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình khống chế về hạn mức nên không thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp, nông dân không dám đầu tư lớn, ngân hàng không muốn cho vay vốn. Mặc dù công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đã được các cấp, ngành quan tâm hơn trước, nhưng nhìn chung chất lượng quy hoạch còn hạn chế, chưa sát thực tế, thiếu tính khoa học, chồng chéo, không phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí nguồn lực.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phân cấp quyết định đầu tư và cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn theo hướng tăng quyền quyết định cho các cấp là phù hợp, nhưng thiếu các biện pháp đồng bộ và tăng cường kiểm tra, kiểm soát đã dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng cân đối về nguồn vốn.

Chính việc đầu tư còn dàn trải, kéo dài thời gian nên chất lượng một số công trình hạ tầng cơ sở còn hạn chế, dẫn đến thực trạng phát triển nông nghiệp giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng chưa thực sự vững chắc, tính cạnh tranh chưa cao.

Ngoài ra, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010NĐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng qua số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của 40 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2011 đến nay, hiện mới chỉ có 9/40 tỉnh cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” cho 42 dự án của 42 doanh nghiệp trên tổng số khoảng 25.760 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính khiến Nghị định 61 chưa đi vào thực tế đời sống là do suy thoái kinh tế thế giới cùng với nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng tác động của Nghị định. Thêm vào đó, mức hỗ trợ từ ngân sách và các chính sách về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo, công nghệ, tư vấn… chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn gần như không thu hút được doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực kinh tế nông thôn. Trong đó, Chính phủ cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản và thực phẩm. Với các dự án đầu tư mới trong chăn nuôi tại các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, mức hỗ trợ được nghị là 2 tỷ đồng/1.000 con lợn thịt; 1 tỷ đồng/200 con trâu bò thịt cao sản; 5 tỷ đồng/500 con bò sữa cao sản; 1,5 tỷ đồng/20.000 gia cầm/trại/năm...

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước hết phải nâng cao chất lượng lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, phải có chính sách cân đối, phân bổ vốn theo định hướng khung kế hoạch hoặc kế hoạch 3-5 năm và giao quyền chủ động cho địa phương; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo đó, nông, lâm, ngư nghiệp là các lĩnh vực cần được ưu tiên khi phân bổ nguồn vốn đầu tư, đặc biệt đầu tư, nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trong chuyển dịch cơ cấu đầu tư cần quan tâm cơ giới hóa, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giảm thất thoát và gia tăng giá trị của sản phẩm. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa gắn với việc xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cây công nghiệp, hạ tầng thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản tập trung, nhất là những vùng trọng điểm. Bên cạnh nguồn đầu tư công, cần có giải pháp, cơ chế để tăng vốn ODA và thu hút vốn FDI vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những đề án quan trọng được Chính phủ quan tâm. Theo đó, để đảm bảo quá trình tái cấu trúc lĩnh vực trên theo đúng định hướng và đạt được hiệu quả cao nhất, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng đầu tư, tạo tiền đề đảm bảo cho sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững.