Tái cấu trúc để “vượt bão”

Theo Đại đoàn kết

Dù tín hiệu phục hồi của nền kinh tế trong nước vẫn diễn tiến chậm chạp, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: đã và đang xuất hiện những tín hiệu lạc quan, khởi phát từ nỗ lực tái cấu trúc của các doanh nghiệp (DN)…

Tái cấu trúc để “vượt bão”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xu hướng "tự điều chỉnh”

TS. Trần Du Lịch cho rằng, những diễn biến của nền kinh tế trong thời gian gần đây cho thấy một vài hi vọng trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế. Trong đó, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh và thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội lạc quan để DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. "Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những người nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy, chứ không chỉ có họa” – ông Lịch nhận xét.

Ngoài xu hướng phân chia lại thị phần của thị trường, theo TS. Trần Du Lịch, có 3 lý do để lạc quan vào quá trình tái cấu trúc DN trong năm 2013. Thứ nhất là niềm tin của thị trường đang có xu hướng phục hồi, nhờ Chính phủ can thiệp bằng chính sách kịp thời vào đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước (làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực). Thứ hai là lạm phát nhiều khả năng sẽ giữ ở mức 6-7% và tỷ giá VNĐ/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 (tạo điều kiện cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh) và thứ ba là thị trường đang diễn ra quá trình "tái cơ cấu nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực, thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

GS. Đào Nguyên Cát cho rằng, điểm chung có thể thấy trong năm nay là nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đối đầu với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đồng ý với phân tích của TS. Trần Du Lịch, GS. Cát nhấn mạnh rằng cơ hội tái cấu trúc cho DN vẫn được mở ra. Cụ thể, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về tháo gỡ các "điểm nghẽn” (hạ lãi suất, có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN,…) thì yếu tố có thể quyết định vận mệnh cho mỗi DN là việc chủ động tái cấu trúc, khai phá thị trường và có những giải pháp phù hợp "vượt bão”. 

Cởi trói cho dòng vốn

Biểu hiện rõ nét nhất cho xu hướng này từ đầu năm đến nay là một loạt chính sách giảm lãi xuất tiền gửi và lãi xuất cho vay đối với các DN sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và DN bất động sản.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhờ các chính sách can thiệp kịp thời để khơi thông dòng vốn cho DN mà kinh tế trong nước đang có những tiến triển lạc quan, lạm phát dần được kiểm soát, trong khi chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2012 được cho là một năm rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, vấn đề lãi suất đối với DN. "Dù rằng năm qua lãi suất bình quân cho vay đã giảm mạnh từ mức 18 – 20% xuống còn 12 – 13% nhưng mức này vẫn còn quá cao so với nguồn vốn vay của các doanh DN FDI. Thực tế, các DN FDI vừa có lợi về vốn với chi phí thấp, vừa có thị trường xuất khẩu của họ nên đã có mức tăng trưởng bứt phá thời gian qua”, ông Hải đánh giá.

Để khắc phục khó khăn về dòng vốn, ông Hải đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với DN xuất khẩu, với lãi suất thấp, nhằm thực hiện phương án sản xuất tiếp cận hàng hóa xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh với các DN FDI. Bên cạnh đó, ngân hàng cần tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất cho DN xuất khẩu, về: giảm lãi suất vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng VNĐ xuống; tăng cường bảo lãnh tín dụng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc khơi thông dòng vốn cho DN đầu tư sản xuất lúc này là đặc biệt quan trọng (giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu). "Tôi cho rằng có những điểm sáng mà chúng ta kỳ vọng, đó là phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ, với giá trung bình, và một số dự án căn hộ cao cấp được đầu tư bài bản với tiện ích tốt, thân thiện môi trường vẫn được đón nhận”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài khơi thông dòng vốn cho DN bằng chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay thì tự thân DN cũng phải chủ động "tự cứu mình” để duy trì quá trình phục hồi ổn định. Ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đối với mỗi DN phải chủ động và kiểm soát chặt chẽ chi phí từng khâu trong quá trình sản xuất. Có nghĩa là DN phải tính hết tồn kho nguyên vật liệu, tồn kho thành phẩm, tồn kho sản phẩm dở dang,…tránh chi phí tồn kho, lãi vay ngân hàng để đạt được giá thành thấp nhất và đem lại giá bán cạnh tranh.