Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 2014: Nhiệm vụ quan trọng

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng năm 2013 được đánh giá là có bước tiến nhanh hơn hai nhiệm vụ tái cấu trúc còn lại là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

 Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 2014: Nhiệm vụ quan trọng
Đến cuối năm 2013, số lượng TCTD đã giảm đi 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Nguồn: internet

Tiếp tục xử lý ngân hàng yếu kém

Đưa ra nhận xét ngắn gọn đánh giá về quá trình tái cấu trúc ngân hàng trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn bước đi như vừa qua trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là khá phù hợp với thực tế của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế cùng một lúc phải xử lý nhiều vấn đề như: Khả năng thanh khoản, nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, nền kinh tế đang bất ổn…

Trong năm 2013, quá trình tái cơ cấu được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về cơ chế, chính sách, tài chính, quản trị, hoạt động đối với tất cả các nhóm tổ chức tín dụng cả trong nước và nước ngoài. Việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ, chủ yếu thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.

Tính đến cuối năm 2013, số lượng TCTD đã giảm đi 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. Ngoài ra, một sự chuyển đổi khá quan trọng vừa được thực hiện giữa quý III là chuyển đổi Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã. Tuy nhiên, TS. Thành cũng cho rằng, thời gian tới, việc xử lý các ngân hàng yếu kém có nguy cơ lan truyền đổ vỡ cũng phải được gấp rút triển khai.

Đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đứng từ góc độ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp đề nghị, mở rộng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Quỹ phát triển doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành nghề và lĩnh vực trọng điểm, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý. Để thực hiện điều này cần có các biện pháp tổng thể, không chỉ liên quan đến mức lãi suất và cả thủ tục vay vốn, bảo lãnh tín dụng, tạo nguồn vốn và đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng được vay.

TS. Phạm Thu Hằng còn cho rằng, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực tài chính cho VDB và các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, cụ thể xem xét nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ đã được thành lập và tạo điều kiện để thành lập các quỹ mới. Đối với VDB cần đánh giá lại khả năng bảo lãnh tín dụng của ngân hàng này để xác định nhu cầu vay vốn cho phù hợp

Triển khai mạnh theo lộ trình

Ngoài những trục chủ yếu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng như xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính... đang được cả hệ thống tiếp tục đẩy mạnh, việc đưa vào triển khai đúng thời điểm 1-6-2014 sau khi đã lùi thời hạn 1 năm đối với Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập Dự phòng rủi ro đã được một lãnh đạo của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN khẳng định.

Trong cuộc họp báo về điều hành chính sách năm 2014 của NHNN, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khẳng định sẽ không lùi thời điểm thực hiện Thông tư 02 nữa trong bối cảnh nhiều thông tin đã đề nghị NHNN tiếp tục hoãn Thông tư 02 do dự báo bối cảnh kinh tế năm 2014 thật sự chưa có nhiều khởi sắc. Để chuẩn bị cho thời điểm thực hiện Thông tư, NHNN đã có chỉ thị, yêu cầu các ngân hàng tính toán số nợ xấu tăng, các khoản đầu tư không sinh lời để trên cơ sở đó trích lập dự phòng, gắn với kế hoạch thường niên 2014. Điều này được cho là một trong những bước đi của hệ thống ngân hàng trong công cuộc tái cấu trúc sắp tới.

Tuy nhiên, đưa ra kiến nghị với NHNN trong nhiệm vụ này, Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề nghị Chính phủ và NHNN sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định an toàn hoạt động ngân hàng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD; các cơ chế, chính sách, khuyến khích miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ TCTD trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Đồng thời, NHNN nâng cao vai trò hỗ trợ thiết thực đối với TCTD trong quá trình tái cấu trúc. 

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và với hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng bởi hệ thống ngân hàng luôn giữ vai trò chi phối nhiều hơn so với nguồn vốn khác như thị trường trái phiếu hay cổ phiếu trong bối cảnh vốn cho nền kinh tế vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như IMF và WB, triển vọng ổn định và tăng trưởng kinh tế thời gian tới phụ thuộc vào kết quả tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống TCTD. Do vậy các cơ quan này khuyến nghị sang năm 2014, NHNN cần tiếp tục triển khai mạnh nội dung theo lộ trình trong đề án tái cấu trúc.

Cụ thể, đẩy mạnh mua bán xử lý nợ xấu thông qua hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đưa vào triển khai một số văn bản về quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống, đồng thời tăng cường năng lực tài chính của các TCTD hướng tới đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế.