Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi):

Tài chính quốc gia phải thực sự an toàn, bền vững

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2017 - 2018, nước ta sẽ dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế. Đồng nghĩa với việc bước vào thời kỳ tiếp cận, huy động các nguồn vốn vay đắt hơn, với điều kiện khắt khe hơn. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, sửa đổi Luật trong giai đoạn mới phải bảo đảm tài chính quốc gia thực sự an toàn, bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.

Thống nhất, chuyên nghiệp, hiện đại

Phóng viên: Luật Quản lý nợ công là một trong đạo luật quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân sách quốc gia, nhất là trong bối cảnh nợ công có xu hướng tăng cao, tiệm cận với mức trần QH cho phép. Vậy nên, việc sửa đổi Luật này có là nhu cầu cấp thiết không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Ông Nguyễn Đức Hải, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Ông Nguyễn Đức Hải: Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho các khuôn khổ về quản lý nợ công.

Luật không chỉ đưa ra các định nghĩa mang tính thống nhất về nợ công, nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và cả nợ nước ngoài của quốc gia; mà còn đưa ra các nguyên tắc về quản lý nợ công, trong đó nêu rõ Nhà nước sẽ quản lý thống nhất, toàn diện nợ công, từ việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đến việc trả nợ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, theo yêu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm vay và trả nợ; quản lý nợ theo hướng thống nhất hơn, chuyên nghiệp và hiện đại, quy rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đã nêu những điểm được sửa đổi, bổ sung lần này. Dưới góc nhìn của cơ quan thẩm tra, ông đánh giá thế nào về dự án Luật?

Chính phủ đang tập hợp ý kiến để thống nhất những nội dung lớn cần sửa đổi trong Luật Quản lý nợ công. Trong đó, có giới hạn phạm vi của nợ công. Thế nào là nợ công? Nợ tạm ứng, nợ của doanh nghiệp nhà nước có phải là nợ công?

Bảo lãnh của các cơ quan nhà nước có nằm trong nợ công? Phân cấp, phân quyền trong quản lý nợ công? Trách nhiệm của chính quyền các cấp trong quản lý nợ công? Trách nhiệm của người đi vay, sử dụng khoản vay? Những ý kiến tại Hội thảo lần này là cơ sở để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này, trước khi trình cơ quan thẩm tra và UBTVQH cho ý kiến.

Ngoài những vấn đề Chính phủ đã nêu, chúng tôi quan tâm đến mối quan hệ giữa nợ công và đầu tư công, việc quản lý các nguồn lực công. Cụ thể, việc huy động, sử dụng vốn vay để đầu tư công còn chưa hiệu quả. Hay việc giám sát khoản vay trong nước và vay quốc tế như thế nào?

Tăng cường giám sát nợ công, đặc biệt là vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ra sao. Việc bảo đảm ngưỡng trần nợ công và lộ trình giảm giới hạn tối đa nợ công; bảo đảm hiệu quả vốn vay… Đây cũng là vấn đề nhiều cử tri quan tâm, bức xúc.

Không phải mọi khoản nợ của DNNN đều là nợ công

Đang có ý kiến khác nhau về việc phân công nhiệm vụ quản lý nợ công - nên giao Bộ Tài chính thống nhất quản lý, hay giữ như quy định hiện hành, giao rõ trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của từng phương án. Theo Luật Quản lý nợ công năm 2009, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; chương trình quản lý nợ trung hạn; hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ vốn ODA. NHNN Việt Nam theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch Nước hoặc Chính phủ, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan khác có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế mà NHNN Việt Nam là đại diện và là đại diện chính thức của người vay tại các điều ước quốc tế này...

Như vậy mỗi cơ quan đều có nhiệm vụ riêng, chúng ta thống nhất đầu mối không chỉ là phân cấp nhiệm vụ cho 3 cơ quan, mà còn làm rõ trách nhiệm của 3 cơ quan này.

Về giới hạn phạm vi điều chỉnh, theo quan điểm của ông, nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải là nợ công?

Đã là DNNN, Nhà nước đóng vai trò chủ thể, chủ quản lý, Nhà nước phải có trách nhiệm. Khi DNNN làm ăn không hiệu quả, phải xác định rõ trách nhiệm nhà nước đến đâu trong quản lý tài chính, cơ chế giao vốn, xử lý vốn như thế nào? Nợ là trách nhiệm của doanh nghiệp hay trách nhiệm của quốc gia? Không phải mọi khoản nợ của DNNN đều là nợ công. Quan trọng phải làm rõ cơ chế quản lý, vốn đầu tư của DNNN, trách nhiệm của chủ thể đi vay và sử dụng khoản vay.

Chúng ta đặt ra yêu cầu vừa đi vay để phát triển, nhưng vẫn phải giảm nợ công. Liệu hai nội dung này có khả quan không?

Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ tương lai. Chúng ta đi vay để đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng cơ bản, vay để phát triển quốc gia - đều rất cần thiết. Dĩ nhiên vốn vay phải được sử dụng hiệu quả, an toàn, không thể để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai. Trên hết, quản lý nợ công phải bảo đảm nền tài chính quốc gia thực sự an toàn, bền vững.

Xin cảm ơn ông!