Tài chính vi mô trong chương trình phổ cập tài chính tại Việt Nam

TS. BÙI DIệU ANH - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Phổ cập tài chính đang trở thành xu hướng phát triển ngày càng sâu rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thời gian qua, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị thiết thực trên nhiều phương diện nhằm thực hiện Phổ cập tài chính theo một lộ trình đã hoạch định. Bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm phát triển hoạt động tài chính vi mô, được coi như là một trong nội dung quan trọng để thực hiện phổ cập tài chính tại Việt Nam đến năm 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phổ cập tài chính giúp tăng trưởng kinh tế

Theo ADB, “Phổ cập tài chính có thể hiểu là khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đa dạng của tất cả mọi người trong xã hội”. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) lại định nghĩa chi tiết hơn “Phổ cấp tài chính toàn diện là tình trạng trong đó tất cả mọi người có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính có chất lượng, được cung cấp với giá hợp lý, thông qua những cách thức thuận tiện, phù hợp với tiêu chuẩn/điều kiện của khách hàng”. Tuy có các cách nhìn khác nhau, song nội hàm “phổ cập tài chính” bao hàm bốn vấn đề chính, cụ thể:

Một là, đa dạng về sản phẩm dịch vụ, gồm dịch vụ tài chính như tín dụng, tiết kiệm, chuyển tiền, thanh toán, bảo hiểm… và dịch vụ phi tài chính như tư vấn, đào tạo…, thể hiện tính toàn diện của dịch vụ cung cấp.

Hai là, đa dạng về đối tượng khách hàng, tập trung chủ yếu vào cho người nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp, người không có khả năng tiếp cận được với các tổ chức tài chính chính thức.

Ba là, đa dạng về tổ chức cung ứng dịch vụ, bao gồm các tổ chức chính thức, bán chính thức, các tổ chức phi chính phủ.

Bốn là, đa dạng về cách thức cung ứng sản phẩm dịch vụ, tạo ra nhiều kênh hiện đại cung cấp dịch vụ cho khách hàng, thay vì cách thức truyền thống như trước đây.

Thông thường, có thể nhận biết tình trạng phổ cập tài chính của một quốc gia thông qua việc đo lường số lượng người trưởng thành mở tài khoản tại một ngân hàng/tổ chức tài chính chính thức. Hiện nay, tại hai khu vực châu Phi và châu Á, tỷ lệ phổ cập tài chính còn ít và không đồng đều ở tất cả các nước. Số liệu trên Bảng 1 cho thấy so với các nước trong khu vực và lân cận, Việt Nam có mức phổ cập tài chính khá thấp.

Bảng 1: Tỷ lệ phần trăm người trưởng thành có tài khoản tại một ngân hàng/tổ chức tài chính chính thức

Quốc gia

Năm 2012 (%)

Năm 2015 (%)

Thái Lan

72,7

78,1

Trung Quốc

63,8

78,9

Singapore

98,2

96,4

Nhật Bản

96,4

96,6

Việt Nam

21,4

31%

Nguồn: ADB – Tài liệu hội thảo tham vấn hỗ trợ phát triển tài chính vi mô

Hiện nay, chương trình Phổ cập tài chính đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2012, các tổ chức trực thuộc chính phủ của 78 quốc gia đã gia nhập Liên minh Phổ cập tài chính toàn cầu (AFI) - mạng lưới của những nhà làm chính sách tại các quốc gia nhằm nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện chính sách một cách hiệu quả, hướng tới mục tiêu phổ cập tài chính trên toàn thế giới.

Cũng trong năm 2010, nhóm G-20 với nhận thức Phổ cập tài chính là một trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế toàn cầu, đã hình thành Hội Phổ cập tài chính toàn cầu (GPFI) mở rộng vấn đề quan tâm tới các quốc gia ngoài G-20. Đồng thời, nhóm này cũng đưa ra các nguyên tắc nhằm đổi mới các chính sách liên quan đến phổ cập tài chính toàn cầu, trong đó tập trung xoay quanh các chủ đề về sự lãnh đạo của Chính phủ, khung pháp lý, tính cân xứng giữa rủi ro và lợi ích, vấn đề về đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng thị trường... Đây là những nội dung quan trọng và cốt lõi để phát triển phổ cập tài chính tại từng quốc gia.

Về phương diện kinh tế, phổ cập tài chính giúp cải thiện cuộc sống của người dân, nhất là những người thuộc tầng lớp nghèo khó trong xã hội, thông qua việc cung cấp cho họ kiến thức, kỹ năng và vốn để cải thiện mức sống một cách lâu dài. Cách thức hỗ trợ của phổ cập tài chính khác biệt với từ thiện, với phương châm “giúp người nghèo cần câu cá chứ không phải con cá”, vì vậy hiệu quả mà phổ cập tài chính mang lại có ý nghĩa căn cơ và lâu dài hơn. Về phương diện xã hội, phổ cập tài chính tạo điều kiện ổn định về mặt tài chính cho các thành phần có tính nhạy cảm với biến động của nền kinh tế (như người nghèo, người thu nhập thấp), từ đó góp phần tạo ra sự tăng trưởng một cách toàn diện cho nền kinh tế.

Để đạt được mục đích này, tại mỗi quốc gia cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hành động của Chính phủ và của ngành Tài chính. Theo đó, Chính phủ thể hiện vai trò quan trọng trong việc thiết kế hành lang pháp lý, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nhằm xây dựng một nền tài chính hướng theo các nguyên tắc thị trường mà vẫn bảo đảm có trách nhiệm với người sử dụng dịch vụ.

Điều đó cũng có nghĩa là xây dựng một chương trình phổ cập tài chính trên nền tảng bảo vệ người tiêu dùng. Để thực hiện điều này, nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP) trực thuộc WB khuyến nghị Chính phủ các nước cần phải hướng tới ba mục tiêu cụ thể, đó là sự minh bạch trong cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ, cách thức đối xử công bằng với người sử dụng dịch vụ và có biện pháp can thiệp một cách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một số đề xuất đối với Việt Nam

Là một quốc gia có tỷ lệ người nghèo khá cao, Việt Nam là một trong các điểm đến của chương trình Phổ cập tài chính toàn cầu. Dưới sự hỗ trợ của ADB, chương trình Phổ cập tài chính tại Việt Nam được triển khai tập trung vào phát triển ngành tài chính vi mô, bên cạnh phát triển ngành tài chính chuyên sâu.

Mục tiêu của chương trình phát triển ngành Tài chính vi mô quốc gia được cụ thể hóa trên các nội dung: Củng cố và tăng cường hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; Hỗ trợ cải cách ngân hàng Chính sách xã hội và Chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô. Ngày 06/12/2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 2195/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020”. Trong thời gian tới, nhằm phát triển hoạt động tài chính vi mô, hướng đến thực hiện Phổ cập tài chính tại Việt Nam đến năm 2020, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, xây dựng môi trường pháp lý để phát triển ngành Tài chính vi mô phổ cập, bền vững và theo định hướng thị trường.

Hành lang pháp lý cho tài chính vi mô bao gồm cả khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức tài chính vi mô chính thức và cho các chương trình/dự án tài chính vi mô bán chính thức. Đối với các tổ chức tài chính vi mô, những quy định pháp lý cao nhất có trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (Khoản 5, Điều 20, Điều 21, Điều 88, Khoản 3 Điều 130).

Mặc dù trước đó đã có hai nghị định của Chính phủ đề cập đến vấn đề này là Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/03/2005 về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam và Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều trong Nghị định 28, nhưng trong hai văn bản này vẫn có nhiều điểm chưa phù hợp với giai đoạn phát triển mới của ngành Tài chính Việt Nam (nhất là từ sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008) và cũng như chưa được cập nhật theo các chuẩn mực quốc tế về phát triển Tài chính vi mô (BCPM).

Theo Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính vi mô là một trong bốn loại hình tổ chức tín dụng tại Việt Nam (cùng với Ngân hàng, Tổ chức tín dụng phi ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân). Tuy nhiên, với những đặc thù về đối tượng khách hàng mục tiêu, tôn chỉ và phạm vi hoạt động, hình thức tổ chức... cần phải có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể hóa những quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng.

Mới đây nhất, ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Thông tư số 33/2015-TT-NHNN quy định cụ thể về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức Tài chính vi mô thời gian tới. Tuy nhiên, rất cần có các thông tư hướng dẫn về quản trị điều hành hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, có định hướng cho việc điều chỉnh, củng cố, tiến tới chính thức hóa hoạt động của các chương trình/dự án tài chính vi mô do các tổ chức tài chính vi mô bán chính thức triển khai hoạt động.

Thứ hai, tăng cường năng lực giám sát quản lý nhà nước đối với hoạt động tài chính vi mô.

Để giám sát một cách có hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô theo các chuẩn mực quốc tế, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng 25 nguyên tắc cơ bản giám sát hoạt động tài chính vi mô do Ủy ban Basel khuyến nghị. Cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN cần nghiên cứu ban hành những hướng dẫn cụ thể hóa các nguyên tắc của Ủy ban Basel.

Trong đó, cần phải nhấn mạnh các quy định về quyền hạn, phương thức, kỹ năng giám sát thông qua đó tăng cường vai trò, quyền lực của cơ quan giám sát; quy định về quản lý các loại rủi ro đặc thù của tổ chức tài chính vi mô; quy định về hoạt động được phép, tiêu chuẩn cấp phép cho tổ chức tài chính vi mô; quy định về quản lý tài sản, dự trữ, vốn tối thiểu trong tổ chức tài chính vi mô... Đồng thời, với việc ban hành bộ tiêu chuẩn giám sát hoạt động tài chính vi mô phù hợp với Việt Nam, cần tăng cường năng lực của đội ngũ thanh tra, giám sát viên thông qua các khóa học tập, tổ chức hội thảo có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tài chính vi mô.

Thứ ba, tăng cường năng lực của các tổ chức Tài chính vi mô cung cấp dịch vụ.

Để thực hiện thành công chương trình phát triển tài chính vi mô theo hướng tăng cường phổ cập tài chính thì nội dung mang ý nghĩa trọng tâm là phát triển năng lực của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính vi mô. Theo đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung ứng cùng với việc phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Hiện nay, sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô tại Việt Nam còn khá nghèo nàn, hầu như chỉ có tiền gửi và cho vay, các sản phẩm như thanh toán, bảo hiểm, các hình thức tín dụng vi mô khác ngoài cho vay chưa được áp dụng. Ngoài ra, sản phẩm dịch vụ phi tài chính cũng hầu như chưa được triển khai cung cấp cho các khách hàng tài chính vi mô. Đây là một trong những hạn chế lớn, bởi hiện nay khách hàng tài chính vi mô rất cần được cung cấp không chỉ dịch vụ tài chính mà còn cả dịch vụ phi tài chính.

Bên cạnh đó, để hướng tới đảm bảo sự bền vững, an toàn và hiệu quả trong từng tổ chức tài chính vi mô cũng như cho toàn hệ thống, cần tập trung nhấn mạnh phát triển năng lực quản lý rủi ro của các tổ chức tài chính vi mô.

Theo đó, cần trang bị kiến thức cho nhân viên của các tổ chức tài chính vi mô thông qua các khóa đào tạo thường xuyên, phát hành bộ giáo trình tài liệu chuyên dùng cho nhân viên tài chính vi mô, như kinh nghiệm đã có với việc đào tạo cán bộ của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân thời gian trước đây. Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện lộ trình phổ cập tài chính và phát triển hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam trong thời gian tới, cần đưa nội dung đào tạo về tài chính vi mô vào các trường đại học giảng dạy về tài chính ngân hàng.

Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho hoạt động tài chính vi mô quốc gia. Theo đó, có hai mảng chính, đó là (i) Phát triển cơ sở hạ tầng phía trước, gồm các điểm tiếp cận khách hàng như: máy rút tiền tự động (ATM), chi nhánh bưu điện, đại lý bán lẻ, thiết bị chuyển tiền tại điểm bán (POS)... (ii) Phát triển cơ sở hạ tầng phía sau gồm: hệ thống thanh toán bù trừ tự động, mạng lưới chuyển tiền, mạng thanh toán kết nối giữa cơ sở bán hàng và chi nhánh giao dịch...

Bên cạnh đó, cũng cần hình thành và phát triển các tổ chức có các chức năng hỗ trợ khác, chẳng hạn trung tâm thông tin khách hàng, bảo hiểm tiền gửi, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm trong tranh chấp (nếu có)....

Có thể nói, từ dịch vụ ban đầu thuần túy là tín dụng vi mô, chuyển sang phạm vi rộng hơn là Tài chính vi mô và hiện nay phát triển mở rộng thành Phổ cập tài chính, có thể nói chương trình hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp đang trở thành xu hướng toàn cầu. Với mục tiêu phục vụ cho người nghèo, những người không/khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ truyền thống từ các tổ chức tài chính chính thức, tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như tại Việt Nam.

Cùng với việc ban hành Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam (ngành Tài chính) và các ngành có liên quan cần tiếp tục có nhiều hoạt động cụ thể hơn nhằm đẩy mạnh hoạt động tài chính vi mô, hướng tới phổ cập tài chính trên bình diện quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2011), Quyết định 2195/QĐ-TTg ngày 06/12/2011 về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020;

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á (2015), Tài liệu tọa đàm tham vấn hỗ trợ phát triển ngành tài chính vi mô hướng tới phổ cập tài chính;

3. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010;

4. The World Bank (2013), The New Microfinance Handbook.