Tái cơ cấu, cần xác định rõ “tọa độ lửa”

Theo Đầu tư Chứng khoán

Theo TS. Trần Đình Thiên, Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần xác định rõ "tọa độ lửa" để tập trung hành động.

Tái cơ cấu, cần xác định rõ “tọa độ lửa”
Thoái vốn ngoài ngành là yêu cầu đặt ra cho các DNNN trong quá trình tái cơ cấu hoạt động đầu tư và kinh doanh
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá tích cực Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi cho rằng, Đề án đã thể hiện nhận thức rõ ràng của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức nền kinh tế đang phải đối mặt. Tuy nhiên, để Đề án có hiệu lực nhanh và mạnh khi triển khai, không ít ý kiến cho rằng nó cần có lộ trình chi tiết với những mục tiêu cụ thể hơn.

Đề án nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội; tạo ra một hệ thống các nguồn lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng hợp lý, ổn định và lâu dài, đặc biệt là các chính sách ưu đãi thuế và những công cụ khuyến khích đầu tư khác; thúc đẩy sự phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội cho các lĩnh vực và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; tăng cường năng suất lao động và tính cạnh tranh.

Đồng thời, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao để từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực; từng bước củng cố nội lực nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế…

Về định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu, Đề án cũng đặt trọng tâm duy trì môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, ổn định. Đi đôi với đó là thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng mà trọng tâm là các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Đánh giá về Đề án, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu của nó là rất tham vọng, bao quát nhiều mặt, hướng tới việc thay đổi toàn bộ mô hình tăng trưởng. Báo cáo về Kinh tế Vĩ mô -Triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3/2013 của Khối Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng HSBC vừa công bố cũng nhận định, việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020 chú trọng tới việc tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công, tổ chức tín dụng và DN có vốn nhà nước được đánh giá là tích cực theo nghĩa chứng tỏ Chính phủ đã nhận thức rõ những thách thức cơ bản mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

“Tuy nhiên, như trường hợp những cải tổ khác đã được hứa hẹn trong năm 2012 thì đề án tổng thể đó còn thiếu các điểm chi tiết về mặt thực thi. Liên quan đến việc tái cấu trúc DNNN, các kế hoạch đề ra đều hướng tới những cải cách mang tính mục tiêu hơn là tính thực thi”, Báo cáo của HSBC nhấn mạnh và phân tích thêm, Chính phủ hướng tới việc: thứ nhất, xác định và tái cơ cấu các DNNN chuyên tập trung đến ngành công nghiệp quân sự, các ngành công nghiệp độc quyền, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chính yếu và công nghệ tiên tiến; thứ hai, tăng cường cổ phần hóa và đa dạng hóa sở hữu các DNNN mà Nhà nước không cần sở hữu chi phối; thứ ba, yêu cầu các DNNN tái cơ cấu hoạt động đầu tư và kinh doanh để tập trung vào những mảng kinh doanh cơ bản, rời bỏ những mảng kinh doanh không trọng tâm và những công ty liên doanh mà ở đó Nhà nước không cần phải là cổ đông chi phối.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Đề án cần xác định rõ ‘tọa độ lửa’ để tập trung hành động. Tọa độ đó là hệ thống phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, hiện nội lực của nền kinh tế đã bị suy yếu nhiều, năng lực quản trị, điều hành cũng còn nhiều bất cập. Vì thế, cần phải biết chọn mục tiêu ưu tiên, trọng điểm để triển khai. Đặc biệt, phải có sự kết nối cả ba mảng tái cơ cấu cụ thể đang được đặt làm trọng tâm. Hiện nay, ba mảng này đang khá rời rạc, khó phối hợp. Đặc biệt, cùng với việc thực hiện Đề án, cần có lộ trình hậu tái cơ cấu để trở lại với quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Đề án mới chỉ là cái khung còn đi đến những hành động cụ thể là một bước rất dài. Đặc biệt, cùng với việc thực hiện Đề án cần có tầm nhìn dài hạn hơn cho kinh tế Việt Nam ”, một chuyên gia kinh tế nhận xét.

TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, việc thực hiện Đề án là không hề dễ dàng, bởi trọng tâm của tái cơ cấu là phân bổ lại nguồn lực tốt hơn và làm cho thị trường vận hành hiệu quả hơn, thay vì thực trạng nền kinh tế hiện nay. Trong khi đó, thay đổi động lực và cách phân bổ nguồn lực cần có thời gian thực hiện và với quá trình này, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không đạt như kế hoạch, tức là cần có sự đánh đổi trong ngắn hạn để có những thành công dài hạn. Nếu không có sự kiên nhẫn thì rất khó để chấp nhận điều này.

“Tuy nhiên, về tổng thể, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang thật sự đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng nền tảng cho nhiều cải cách hơn nữa. Chính vì vậy, khi xem xét tiến bộ của Việt Nam , bằng chứng về các thành tích đã đạt được và những cam kết được đề ra quan trọng hơn là những lời hứa”, Báo cáo của HSBC nhận định.