Thực trạng và âu lo…

Những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tính đến thời điểm này, có khá nhiều DN nhỏ và vừa đã phải đóng cửa, hàng vạn DN phải hoạt động cầm chừng do không bán được hàng. Từ nợ bình thường trong điều kiện kinh doanh ổn định, hàng loạt DN đã lâm vào tình trạng nợ tới hạn không trả được - biến khoản nợ vay đầu tư cho sản xuất kinh doanh trở thành nợ xấu, thành “cục máu đông” cản trở sự luân chuyển tín dụng, tiền tệ.

Theo báo cáo tài chính quý II/2012 của 647 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tỉ lệ nợ phải trả (gồm nợ vay và các khoản phải trả) trên vốn chủ sở hữu bằng 1,53 lần, cao hơn nhiều so với các nước phát triển và mới nổi (con số này bình quân đối với DN) niêm yết tại Mỹ là 1,2 lần và tại Trung Quốc là 1,06 lần vào cuối năm 2011). Tỷ lệ này đối với 79 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn cao hơn lên tới 1,71 lần. Một số DNNN lớn còn có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu rất cao như: Petrolimex có tỉ lệ nợ phải trả là 41.852 tỉ đồng, gấp 6,29 lần vốn chủ; Vinalines nợ phải trả 36.600 tỉ đồng, gấp 4,27 lần vốn chủ… Các DN nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản (BĐS) sử dụng đòn bẩy tài chính lớn cũng trong nợ như Tập đoàn Sông Đà, hệ số nợ lên tới 8,85 lần, Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD), tỷ lệ nợ trên vốn chủ lên tới 6,36 lần…

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6/2012, tổng dư nợ tín dụng của hệ thông ngân hàng đạt 2.887.697 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng 12/2011. Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 1.175.182 tỷ đồng, tăng 6,03% so với tháng 12/2011.

Ngành có dư nợ tín dụng cao thứ hai là hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông với 754.207 tỷ đồng; dư nợ ngành thương mại đạt 605.968 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực BĐS, tính đến 31/8/2012, dư nợ tín dụng trên báo cáo là 203.000 tỷ đồng, tuy nhiên theo giới chuyên gia kinh tế, con số thực tế chắc chắn cao hơn khá nhiều.

Sự đóng băng của thị trường BĐS đã dẫn đến ngành xây dựng và vật liệu xây dựng phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Đơn cử như ngành Xi măng, Dự án Xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà, có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng do thi công chậm, tổng mức đầu tư của Dự án đã được điều chỉnh tăng thêm 2.776 tỷ đồng. Đi vào sản xuất từ đầu năm 2010, nhưng do số vốn đi vay quá lớn (5.196 tỷ đồng), kết quả kinh doanh tính đến hết tháng 3/2012, dự án lỗ 1.215 tỷ đồng. Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng (Vinaconex) có 2 nhà máy xi măng là Cẩm Phả và Yên Bình với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỷ đồng, trong đó Xi măng Cẩm Phả có vốn đầu tư 6.089 tỷ đồng. Cuối quý I/2012 đã đứng đầu danh sách DN thua lỗ trong ngành, với số lỗ 1.259 tỷ đồng, còn Xi măng Yên Bình chịu lỗ 932 tỷ đồng. Đặc biệt, việc nhiều dự án không đảm bảo được tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu như quy định là nguyên nhân lớn khiến DN xi măng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Có tới 11/17 dự án xi măng có tỷ lệ vốn vay vượt 80% vốn đầu tư, với tổng giá trị vốn vay lên tới 2.470 tỷ đồng, điển hình là Dự án Xi măng Hoàng Mai có tỷ lệ vốn vay 100%; Dự án Xi măng Thái Nguyên đi vay 93%; Dự án Xi măng Tam Điệp vay 98% vốn.

“Thuyền to thì sóng to” - DN lớn thường có quá trình phát triển, tích lũy trong xu thế đầu tư mở rộng. Khi kinh tế phát triển đi lên, đòn cân nợ được sử dụng triệt để vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi đòn cân nợ bị lạm dụng quá mức, gặp lúc bối cảnh kinh doanh bỗng chốc khó khăn, nhiều DN lớn đã không thể xoay trở kịp thời nên đành nhìn các dự án khả thi thua lỗ đống tài sản ngày càng teo tóp, thiếu thanh khoản. Ngược lại với DN lớn, các DN nhỏ bị rơi vào cảnh nợ nần còn có nguyên nhân  nguồn vốn thiếu, kinh nghiệm mỏng, tích lũy ít, lại là bộ phận chịu sự dẫn dắt của các DN lớn. Khi DN lớn bung ra phát triển theo chiều rộng thì DN nhỏ và vừa cũng bị cuốn theo dòng xoáy đó, với khao khát nhanh chóng thoát khỏi danh sách DN quy mô nhỏ. Chưa kể khá nhiều DN vừa và nhỏ lại là thầu phụ, là nhà cung cấp, là khách hàng của DN lớn. Thế là khi DN lớn khó khăn, DN nhỏ lập tức không bán được hàng, cũng không thu được tiền đã ứng trước cho những dự án hợp tác với DN lớn. Vậy là số nợ của nhiều DN nhỏ cũng không ngừng tăng lên. Bởi vậy khi các DN lớn lao đao thì DN nhỏ cũng gặp rủi ro không ít, thậm chí là lớn hơn.

Tái cơ cấu doanh nghiệp để xử lý nợ xấu

 Giải quyết tình trạng nợ xấu để nợ bớt xấu hoặc ra khỏi tình trạng nợ xấu nghĩa là phải tái cơ cấu DN. Đây chính là quá trình đẩy lùi tình trạng mất khả năng thanh toán, thiết lập lại cấu trúc vốn vững mạnh, cải thiện dòng tiền, xác lập những đối tác chiến lược, những mối quan hệ lâu dài, là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của DN.

Thứ nhất, cần tập trung tái cấu trúc tài chính. Về bản chất, tài chính DN là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị nảy sinh gắn liền với việc tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ của DN trong quá trình hoạt động. Tái cơ cấu tài chính DN giúp cho DN cơ cấu lại tỷ trọng vốn và nguồn vốn tối ưu, sắp xếp lại và tối ưu hóa các hoạt động tài chính nhằm tăng doanh thu, cắt giảm chi phí. Vì vậy, theo nghĩa rộng thì tái cơ cấu tài chính bao gồm cả việc tái cơ cấu nguồn tài chính (sắp xếp lại các khoản nợ, thay đổi tỷ trọng vốn chủ sở hữu và vốn vay), tái cơ cấu quá trình sử dụng các nguồn lực, cũng như các hệ thống, cơ chế, công cụ kiểm soát hoạt động tạo lập và sử dụng các nguồn lực tài chính. Việc tái cơ cấu tài chính cũng sẽ kéo theo tái cơ cấu trách nhiệm pháp lý liên quan để tạo ra môi trường tài chính có lợi nhất cho DN. Cũng cần nói thêm rằng, trên thực tế tái cơ cấu nguồn tài chính và tái cơ cấu hoạt động sử dụng nguồn tài chính rất khăng khít với nhau bởi nguồn tài chính được huy động nhằm đáp ứng nhu cầu tài trợ cho các hoạt động của DN. Hai việc này phải được thực hiện song hành để đảm bảo lựa chọn nguồn lực nào tài trợ cho hoạt động được phù hợp nhất.

Hiện đang có không ít DN đã “tái sinh” nhờ vào tái cơ cấu tài chính. Mới đây, Công ty Thủy sản Bình An khi đứng trên bờ vực phá sản đã áp dụng hàng loạt các biện pháp để tránh khỏi nguy cơ phá sản, như ưu tiên thanh toán tiền nợ gốc người nuôi cá; Đàm phán với các ngân hàng giãn nợ, hoãn nợ, bán bớt tài sản để trả nợ; Đề xuất chuyển nợ thành vốn cổ phần; Áp dụng cách tiếp cận thông qua mua bán nợ với sự tham gia tái cấu trúc của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC)… Cuối cùng, bên cạnh sự ứng cứu của DATC theo cách chuyển nợ thành cổ phần, phần Bình An nợ Habubank trước kia (nay SHB tiếp quản), cũng được chấp nhận chuyển nợ thành cổ phần, cử người vào nắm các vị trí quản lý, điều hành. SHB bằng tiềm lực tài chính của mình đã đứng ra trả các khoản nợ của Công ty, từng bước khôi phục lại sản xuất.

Thứ hai, tái cơ cấu hoạt động cũng đang diễn ra rộng khắp, biểu hiện bằng việc cắt giảm nhân công, hạn chế tuyển dụng mới, ngừng sản xuất những mặt hàng giá cao bán chậm, tìm kiếm mặt hàng phổ thông, thiết yếu để sản xuất mới, cắt giảm những bộ phận, chi nhánh kém hiệu quả, tìm kiếm những nhà cung cấp và khách hàng ổn định, có thời gian thanh toán thuận lợi, tăng cường bán hàng để cải thiện dòng tiền của DN, cơ cấu lương, thưởng thay đổi theo chiều hướng giảm cũng khiến các khoản chi này giảm tỷ trọng trong chi phí… Lưu ý là nghịch lý sẽ diễn ra là quá trình tái cấu trúc hoạt động bản thân nó cũng  bao gồm những hoạt động mới, phải sử dụng nhiều nguồn lực tài chính, nhất là khi tung ra sản phẩm mới thay cho sản phẩm cũ không phù hợp, thiết lập tổ chức mới thay cho những bộ phận cũ bất cập,… do đó sẽ đẩy hệ số nợ tăng cao, thanh khoản giảm sút. Song, tái cấu trúc hoạt động trong nhiều trường hợp vẫn rất cần thiết bởi nó đảm bảo năng lực cạnh tranh và sự tăng trưởng trong dài hạn.

Một số bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, tránh “bẫy” tăng trưởng nóng”. Đến thời điểm này, nhiều DN đã nhận ra sai lầm cơ bản là "tự mắc bẫy tăng trưởng nóng". Trong kịch bản tăng trưởng ở đa số các DN chịu tác động lớn của suy giảm đã không có phương án dự phòng, không có phương án ứng phó với những biến động từ bên ngoài, mà chỉ gồm những phương án thuận lợi. Bài học "lấy ngắn nuôi dài, xây dựng dự án gối đầu sinh lời bổ trợ nhau" đã bị vi phạm nghiêm trọng khi nhiều DN thi nhau phát triển hàng loạt dự án cùng lúc, khiến rủi ro tăng cao. Bởi vậy, nguyên tắc giảm thiểu tính rủi ro trong kinh doanh cần phải được giám sát chặt chẽ.

Thứ hai, phải tập trung tối đa cho ngành nghề chính. Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình kinh doanh là nguyên tắc giúp DN tồn tại trong cạnh tranh, tồn tại ngay trong điều kiện kinh tế khó khăn nhất. Bài học thực tế cho thấy đã có DN BĐS nghiên cứu kỹ thị trường, đưa ra sản phẩm căn hộ chung cư nhỏ, giá rẻ, chất lượng đảm bảo,đáp ứng như cầu thị trường nên thị trường đã phản ứng rất tích cực.

Thứ ba, DN phải liên tục rà soát quy trình sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn để đảm bảo tính hiệu quả tối ưu đã thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của nó. Bài học cần minh bạch trong công tác tài chính, kế toán trong đó cần có hệ thống các chỉ tiêu cảnh báo độ an toàn tài chính và có quyết sách kịp thời, đảm bảo an toàn là nguyên tắc gắn liền với việc đảm bảo một cơ cấu tài chính cân đối và phát huy chức năng kiểm tra, cảnh báo của công tác tài chính kế toán.

Thứ tư, DN cần chủ động ứng khó khi DN gặp khó khăn về tài chính. Hơn ai hết, DN hiểu rõ những bất lợi của mình, nắm bắt nguy cơ sớm nhất, khi xử lý sớm, chủ động, sẽ hạn chế những bất lợi một cách tốt nhất. Những cuộc đàm phán sớm khi DN chưa quá nguy nan thường có kết quả tích cực hơn những cuộc đàm phán mà DN đang đứng trên bờ vực thẳm.

Thứ năm, cần tìm cách gây dựng uy tín, chất lượng và thương hiệu của sản phẩm dịch vụ của DN mới là nguyên tắc quan trọng nhất và là thước đo việc thực hiện các nguyên tắc trên đồng thời ngược, lại nó cũng giúp cho việc thực hiện suôn sẻ những nguyên tắc kinh doanh đó. Khi có uy tín, có thương hiệu, việc phát triển dự án sẽ thuận lợi hơn, kinh doanh sẽ phát đạt hơn, nguồn doanh thu chắc chắn hơn, và khi khó khăn thì việc đàm phán với các chủ nợ hay đối tác mới cũng thuận lợi hơn.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 11-2012

Tái cơ cấu doanh nghiệp để xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay

ThS. Dương Thị Nhi

(Tài chính) Giải quyết “bài toán” nợ xấu đang là vấn đề đau đầu không chỉ với các cấp quản lý, của hệ thống ngân hàng mà còn là vấn đề sống còn của không ít doanh nghiệp. Bài viết dưới đây đưa ra một số bình luận về tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời gợi mở một số giải pháp tái cơ cấu, tháo gỡ nợ xấu cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Xem thêm

Video nổi bật