Những kết quả ban đầu

Mục tiêu tái cơ cấu DNNN đã được Đảng, Chính phủ xác định là tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ, góp phần để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ bao trùm là hoàn thiện thể chế, thực hiện tái cơ cấu, trọng tâm là TĐ, TCT, đẩy mạnh CPH, đổi mới quản trị DN. Sau một thời gian vào cuộc triển khai quyết liệt từ các cấp, các ngành, đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên nhiều khía cạnh.

Về hoàn thiện thể chế, cơ chế

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 26 nghị định, 11 quyết định, chỉ thị về CPH DNNN; phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước; thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, phá sản DN; đầu tư vốn nhà nước và quản lý tài chính đối với DN; đánh giá hiệu quả hoạt động, giám sát và công khai tài chính của DN; nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu; quản lý tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và cán bộ quản lý chủ chốt của DN; quản lý nợ của DN; phân loại DNNN; quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN…

Trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế đối với DNNN đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ, đồng bộ Chính phủ đã ban hành 10/14 nghị định về điều lệ của TĐ, TCT. Đang xử lý để ban hành 2 nghị định ngay đầu năm 2014; Chuẩn bị trình dự thảo Nghị định về Điều lệ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Các bộ, địa phương đã ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của phần lớn các tổng công ty trực thuộc…

Về tái cơ cấu và cổ phần hóa

Theo các Đề án, đến năm 2015, CPH 531 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN; giải thể, phá sản 16 DN, giao bán 10 DN. Đối tượng được xác định cụ thể là các DN 100% vốn nhà nước, các DN CPH với lộ trình cụ thể theo năm, trong đó có phân ra những DN Nhà nước nắm giữ trên 75%, từ 65% đến 75%, từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ hoặc không nắm giữ cổ phần, DN thoái vốn, giao, bán, giải thể, phá sản.

Tiếp theo, để thúc đẩy, tạo điều kiện triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu DNNN, ngoài việc phê duyệt Đề án của các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT. Cụ thể hóa quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu 17 TĐ, TCT thuộc thẩm quyền, CPH 19 TCT. Các bộ, ngành địa phương đã phê duyệt 46 Đề án của các TCT trực thuộc.

Năm 2012, cả nước sắp xếp, chuyển đổi được 21 DN. Trong đó, CPH 13 DN, chuyển thành công ty TNHH một thành viên DN, sáp nhập, hợp nhất 5 DN; Năm 2013, CPH được 101 DN. Trong đó, CPH 74 DN, chuyển thành công ty TNHH một thành viên 12 DN, sáp nhập, hợp nhất 12 DN, bán 3 DN.

năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Tổng số DN CPH từ trước đến nay là 4.065 DN, bao gồm 3.650 DN và 415 bộ phận DN, số DN 100% vốn nhà nước tính đến 31/12/2013 còn 949 DN (chưa kể nông, lâm trường quốc doanh). Qua đó, DNNN được tập trung hơn nữa vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Kết thúc thí điểm 3 TĐ (Sông Đà, Đầu tư Phát triển Nhà và đô thị, Công nghiệp tàu thủy), hình thành các tổng công ty nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện quản lý và triển vọng phát triển.

Trong 99 DN kể trên, có 19 TCT. Các DN này hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước khó khăn, thị trường chứng khoán chưa phục hồi, việc CPH được số DN nói trên với số cổ phần chào bán trị giá gần 19.000 tỷ đồng là nỗ lực, cố gắng rất lớn đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu thông qua mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN để chuyển sang công ty cổ phần được 28 DN. Các DN này hoạt động hết sức khó khăn, không còn vốn nhà nước, có DN đã lâm vào tình trạng phá sản. Hiện nay, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) đang thực hiện tái cơ cấu tài chính thêm 11 DNNN.

Vấn đề thoái vốn từ hoạt động ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính đã được các TCT quan tâm hơn, cụ thể là thoái được 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính, đạt 19%, bảo toàn được vốn, theo đúng các quy định hiện hành.

Phương thức quản trị DN ở các TĐ, TCT bước đầu có những đổi mới và chuyển biến tích cực; quy chế quản lý nội bộ được hoàn thiện, phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ tổ chức, hoạt động mới được ban hành...

Về tài chính và hiệu quả kinh doanh

Vốn nhà nước đầu tư vào DN tiếp tục được bảo toàn và phát triển từ 700 nghìn tỷ đồng năm 2010 lên 810 nghìn tỷ đồng năm 2011, 1.019 nghìn tỷ đồng năm 2012 (bình quân hàng năm tăng 15%). Tổng tài sản năm 2011 là 2.274 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 2.570 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 296 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả năm 2011 là 1.343 nghìn tỷ đồng, năm 2012 là 1.422 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 79 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của DNNN xét trên tổng thể năm 2012 là 1,39 lần (giảm 27% so với năm 2011), nằm trong giới hạn cho phép (3 lần).

Tổng doanh thu năm 2011 đạt 1.638 nghìn tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.709 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách năm 2011 đạt 207 nghìn tỷ đồng, năm 2012 đạt 222 nghìn tỷ đồng. Nhiều DNNN hoạt động có lãi. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2011 đạt 149,6 nghìn tỷ đồng, tỷ suất trên vốn chủ sở hữu đạt 18,47%; năm 2012 đạt 167 nghìn tỷ đồng, tỷ suất trên vốn chủ sở hữu đạt 16,38%.

Năm 2013, riêng 18 TĐ, TCT quy mô lớn, có vốn nhà nước là 840 nghìn tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại các DN), tài sản 1.989 nghìn tỷ đồng, tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 191 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 136 nghìn tỷ đồng. 17/18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có lãi. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,19%. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.

DNNN đã có đóng góp lớn để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trước hết là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp và nông thôn, năng lượng, viễn thông... Nhiều DNNN đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đưa công nghệ mới vào phát triển sản xuất kinh doanh; đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, giao thông, xây dựng, hóa chất, cao su, nâng cao năng suất cây trồng;... tham gia nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai.

Một số tồn tại và hạn chế

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu các DN và các cơ quan hữu quan cũng còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc:

- Một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra làm cho những vướng mắc, khó khăn liên quan chưa được giải quyết kịp thời, như về thành lập mới, tổ chức lại, CPH, thoái vốn, giải thể, bán, giao DN, kiểm soát viên, quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công bố thông tin... Một số quy định đã ban hành nhưng theo phản ánh của DN, chưa thúc đẩy quản lý và phát triển sản xuất, kinh doanh cần được hướng dẫn, tạo đồng thuận về mục tiêu chung để thực hiện cho tốt như quy định về mức lương của chủ tịch công ty; nộp lợi nhuận sau thuế, chuyển số dư của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN Trung ương…

- Việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu còn chậm, chủ yếu được thực hiện trong năm 2013. DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, nhiều DN quy mô vẫn còn nhỏ. Kết quả CPH, sắp xếp DN đạt thấp so với yêu cầu phê duyệt. Một số địa phương, bộ, TĐ chưa CPH được DN nào. Việc rút vốn, thoái vốn rất khó khăn, trong tổng số 4.164 tỷ đồng đã thoái, chỉ có 267 tỷ đồng bán ra bên ngoài, còn lại 3.894 tỷ đồng là trong nội bộ. Vấn đề giải thể, phá sản DN mất rất nhiều thời gian. vấn đề quản trị DN, năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ quản lý chủ chốt đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới nhanh chóng, toàn diện, triệt để và bền vững.

- Hiệu quả của DN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp, vốn nhà nước tăng mạnh nhưng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng không tương ứng. Một số DN tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao, không an toàn.

Nhiệm vụ và giải pháp 2014-2015

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm vụ chung đến năm 2015 là: Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN trọng tâm là CPH, kể cả các TĐ; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. DN phải sử dụng tiết kiệm đất đai, nhà xưởng, hạ thấp chi phí sản xuất kinh doanh, tăng thu nộp ngân sách nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, từ nay đến 2015 các cấp, ngành và trực tiếp là các DN cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo ra sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH DNNN. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tái cơ cấu, CPH DNNN. Đồng thời, các bộ, ngành cần đẩy mạnh việc hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến DNNN và tái cơ cấu, đổi mới DNNN…

Thứ hai, để CPH được 432 DN như nhiệm vụ đề ra còn lại cho 2 năm 2014-2015, cần thực hiện các giải pháp đột phá sau:

Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, địa phương theo thẩm quyền phê duyệt và có quyết định chuyển thành công ty cổ phần tất cả các DN thuộc diện CPH đã phê duyệt và chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Những DN có điều kiện IPO, thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành. Những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, TCT Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác. Tùy điều kiện cụ thể ở mỗi DN loại này, Nhà nước có thể giữ cổ phần tuyệt đối lớn. Giải pháp này không phải là hình thức, chạy theo số lượng.

Hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả CPH, những vướng mắc cần giải quyết để tháo gỡ kịp thời.

Tiếp tục thực hiện chính sách đổi với lao động dôi dư và cơ chế, chính sách xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, CPH DNNN. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên TĐ chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tái cơ cấu DNNN thuộc phạm vi phụ trách. Đồng thời xử lý nghiêm, cách chức, miễn nhiệm, điều chuyển lãnh đạo DN không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không có kết quả tái cơ cấu DNNN và nhiệm vụ chủ sở hữu giao trong quản lý, điều hành DN.

Thứ ba, Chính phủ ban hành Nghị quyết về thoái vốn nhà nước, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá; phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian; thoái vốn đầu tư tại các công ty đại chúng thua lỗ... Bên cạnh đó, SCIC xem xét, mua các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước. Giá mua theo thị trường, không cao hơn giá trị so sánh trừ khoản dự phòng giảm giá. Các TĐ, TCT, DNNN chủ động thông báo, phối hợp với SCIC để thực hiện, phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2015.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2013, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2015

BAN CHỈ ĐẠO ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP

(Tài chính) “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 nhóm giải pháp trọng tâm là: hoàn thiện cơ chế, chính sách; sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DNNN và tái cơ cấu DNNN. Kết quả đạt được không chỉ ở việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách trong công tác quản lý vốn nhà nước tại DN mà còn điều chỉnh cơ cấu DNNN phù hợp với yêu cầu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đây là tiền đề quan trọng để đến năm 2015, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra…

Xem thêm

Video nổi bật