Mệnh lệnh cấp bách

Năm 2013 là cột mốc quan trọng tạo tiền đề cho các năm tiếp theo thực hiện thành công tái cơ cấu DNNN theo kế hoạch đề ra. Do vậy, việc khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã được triển khai khá quyết liệt. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các DNNN nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các DN khác. Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính cùng cơ quan hữu quan hoàn thiện nhiều nhóm giải pháp để giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết để đảm bảo mục tiêu, kế hoạch đi vào cuộc sống. Điển hình như:

Về cơ chế chính sách: Hoàn thiện khung pháp lý về TĐ; Cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước vào DN, cơ chế phân phối lợi nhuận trong DN theo cơ chế thị trường nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh; Đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Sửa đổi, bổ sung quy định về cổ phần hoá, bán, giao, giải thể, phá sản DN; Phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu.

Cùng với đó, hoàn thiện phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Thành lập cơ quan để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, quản lý sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và đánh giá hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào DN.

Về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN: Tổ chức phân loại DN 100% vốn nhà nước hiện có theo 3 nhóm, thực hiện cho được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa DN theo các phương án đã được phê duyệt.

Về tái cơ cấu DNNN: Bao gồm tái cơ cấu về quản trị, tài chính, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của các DNNN, cụ thể là tái cơ cấu TĐ, TCT một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm; thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.

Kết quả ban đầu

Hành lang pháp lý được coi là yếu tố quyết định đến tốc độ chuyển đổi, tái cơ cấu DNNN, do đó trong năm 2013, công tác này đã được gấp rút thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước;

Nghị định số 71/2013/ NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 130/2013/NĐ-CP 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ, công ích; Nghị định số 151/2013/ NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)..

Tính đến 31/10/2013, đã có 83/91 TĐ, TCT (không bao gồm 18 TCT thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 DN đã được phê duyệt Đề án gồm 57 DN thuộc Trung ương, 6 DN thuộc địa phương.

Nhìn chung, hệ thống các văn bản được ban hành cơ bản khắc phục những tồn tại, bất cập trong thời gian qua như (i) đã phân định rõhơn về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu (Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ; Bộ quản lý ngành; UBND cấp tỉnh) đối với DNNN; (ii) thường xuyên, kịp thời kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN; (iii) chế tài đồng bộ để buộc các DNNN phải thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản để đầu tư sản xuất kinh doanh; thực hiện các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước, của cơ quan thanh tra, kiểm toán; (iv) quy định rõ ràng lương, thưởng của viên chức quản lý DN; (v) đã xác định được lộ trình và đề ra các giải pháp thực hiện Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Tính đến 31/10/2013, đã có 83/91 TĐ, TCT (không bao gồm 18 TCT thuộc Bộ Quốc phòng) xây dựng Đề án tái cơ cấu, trong đó có 63 DN đã được phê duyệt Đề án gồm 57 DN thuộc Trung ương, 6 DN thuộc địa phương. Cụ thể là: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17 DN, gồm: 8 TĐ (Dệt may Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hoá Chất, Cao su Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Viễn thông Quân đội) và 9 TCT đặc biệt (Tổng công ty Giấy, Thuốc lá, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam, Cà phê, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng);

Bộ chủ quản phê duyệt 40 DN: UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt 6 Tổng công ty (ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 51 Công ty TNHH MTV trực thuộc). Ngoài ra, có 2 TĐ, TCT đã thực hiện cổ phần hóa có vốn Nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được Bộ chủ quản có ý kiến thông qua nội dung phương án tái cơ cấu của DN là Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Các TĐ, TCT đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ba mục tiêu, đó là: (i) Tái cơ cấu về tổ chức, sắp xếp lại DN; (ii) Tái cơ cấu về tài chính; (iii) Tái cơ cấu về quản trị, lao động. Theo đó, các TĐ, TCT chủ yếu thực hiện sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý điều hành của TĐ,TCT; đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên (xây dựng và phê duyệt cổ phần hóa; sáp nhập; chuyển từ đơn vị độc lập thành đơn vị phụ thuộc).

Trong tái cơ cấu về tài chính, các TĐ, TCT từng bước xử lý những tồn tại về tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt, như: xử lý nguồn chênh lệch do thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản; xây dựng phương án đầu tư sản xuất kinh doanh cho ngành nghề kinh doanh chính, sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế, các quỹ hiện có của TĐ, TCT để tăng vốn điều lệ; thoái vốn đã đầu tư tại các công ty cổ phần không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, đặc biệt các TĐ, TCT xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ở những lĩnh vực: chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản. Đồng thời, các TĐ, TCT xây dựng, sửa đổi, bổ sung các giải pháp quản trị nhân sự hiện không phù hợp, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DN.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, việc thực hiện chế độ báo cáo còn chưa kịp thời để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng yêu cầu. Mặt khác, công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên việc xây dựng, triển khai Đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý còn chậm trễ. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã đề ra.

Cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các DN (chưa phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích nên chưa rõ ràng, minh bạch; thiếu cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia nhưng cần thiết cho nền kinh tế...); Chức năng đại diện chủ sở hữu còn chồng chéo, còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN; Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của các DNNN chưa có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa việc sử dụng, quản lý yếu kém vốn và tài sản nhà nước.

Giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tổ chức quán triệt các Nghị quyết của Đảng và chủ chương, chính sách của Nhà nước như: Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX), Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương; Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 10/2011/ QH13 ngày 8/11/2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý DNNN, cụ thể như: (i) Xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước để xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN. Trên cơ sở đó phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước và DN trong quá trình hoạt động cũng như căn cứ pháp lý để hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan; (ii) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý của chủ sở hữu. Thực tế, đến nay còn nhiều địa phương, bộ vừa thực hiện quản lý nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu đối với DNNN trực thuộc; (iii) Sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về quản lý nợ DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (thay thế Nghị định số 69/2002/ NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ).

Ba là, hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN theo hướng: (i) Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; (ii) Ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (iii) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về giao, bán, thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước phù hợp với Luật DN để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT thực hiện sắp xếp lại các DN 100% vốn nhà nước theo phương án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh: (i) Thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận; (ii) Chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên không nhất thiết phải thực hiện đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán.

DN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian (các công ty chứng khoán) bán đấu giá, hoặc tự tổ chức đấu giá tại DN; (iii) Chào bán ra công chúng cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất kinh doanh năm liền kề thua lỗ và/hoặc có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán chứng khoán.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính – Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước;

2. Quyết định 929/2011/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tái cấu trúc DNNN;

3. Hội thảo: Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011- 2015 và những điều chỉnh chiến lược (Ban Kinh tế Trung ương);

4. Cục Tài chính DN - Tình hình triển khai đề án tái cơ cấu DNNN trọng tâm là các TĐ, TCT.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyết tâm trong chặng “nước rút”

ThS. TRẦN THỊ PHƯƠNG DỊU

(Tài chính) Được xác định là một trong ba trụ cột chính trong tái cơ cấu nền kinh tế, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trở thành mệnh lệnh phải thực hiện quyết liệt để hoàn thành vào năm 2015. Hai năm còn lại là chặng đường nước rút, kết quả thành công phụ thuộc vào sự quyết tâm của các cơ quan hữu quan và bản thân mỗi DN…

Xem thêm

Video nổi bật