Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn như "đánh cờ nước một"

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Theo đánh giá của PGS., TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra quá chậm chạp. "Muốn đẩy nhanh tiến trình này, cần có bước đột phá", ông Thiên nói.

Phóng viên: Tiến trình cải cách DNNN rõ ràng đang diễn ra rất chậm. Theo ông, vì sao vậy?

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn như "đánh cờ nước một" - Ảnh 1
PGS., TS. Trần Đình Thiên,
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS., TS. Trần Đình Thiên: Về cơ bản, kết quả đạt được trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước mới dừng lại ở phê duyệt đề án, còn trên thực tế, việc triển khai rất chậm. Một số đơn vị đã bắt đầu triển khai đề án, nhưng chủ yếu tập trung xử lý những vấn đề ngắn hạn theo kiểu "đánh cờ nước một".

Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân cơ bản là nền kinh tế vướng vào những khó khăn ngắn hạn gay gắt, nên phải tập trung các biện pháp cấp bách nhằm chữa cháy.

Bên cạnh đó, quan điểm tái cơ cấu chưa thật sự rõ ràng; lựa chọn "tọa độ" đột phá chưa chuẩn; quyết tâm cải cách chưa cao do Chính phủ giao từng DN xây dựng đề án tái cơ cấu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, mà chưa có sự áp đặt cho từng DN phải làm những gì, xử lý những gì, trong thời gian bao lâu, nên không có cơ sở để hối thúc những đơn vị "lề mề".

Tôi chưa đọc hết tất cả đề án tái cơ cấu của tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt (106 đề án), nhưng qua những đề án đã đọc, về cơ bản, tôi thấy, hầu như các tập đoàn, tổng công ty chỉ đặt ra vấn đề xử lý nợ nần, sắp xếp lại vốn đầu tư…

Nếu chỉ thực hiện những vấn đề ngắn hạn đó, thì khó có thể nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN như mục tiêu đã đặt ra.

Ngoài quyết tâm chính trị, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tái cơ cấu cũng rất cần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, thưa ông?

Tái cơ cấu DNNN không đơn giản như ngồi xếp quân bài domino, tức là chỉ mất công, mất sức, mất thời gian, mà còn phải mất cả chi phí. Hiện không ít tập đoàn, tổng công ty không có khả năng trả được nợ nần, nếu không có "bàn tay" của Nhà nước.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong các đề án đã được phê duyệt, tôi chưa thấy đơn vị nào nhắc tới chi phí tái cơ cấu. Trong phân bổ ngân sách nhà nước năm 2014, không có khoản nào dành để chi cho tái cơ cấu. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến trình cải cách khu vực DNNN diễn ra chậm chạp.

Tôi cho rằng, cần phải có câu trả lời cho câu hỏi, chi phí tái cơ cấu hết bao nhiêu, lấy từ nguồn vốn nào, cơ chế thu xếp vốn thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm về vấn đề nguồn vốn.

Thưa ông, sử dụng ngân sách nhà nước chắc sẽ rất khó, bởi Quốc hội không bao giờ chấp nhận sử dụng tiền thuế của dân để trả nợ thay cho DNNN trong quá trình tái cơ cấu?

Tất nhiên, không thể lấy tiền thuế của dân (ngân sách nhà nước) để tái cơ cấu được, mà phải sử dụng từ những nguồn tài chính khác, như trích một phần từ tiền bán cổ phần nhà nước, hay một phần từ tiền cổ tức vốn nhà nước tại DN.

Nếu không có quyết tâm cao và không có tiền, thì tiến trình tái cơ cấu DNNN khó đạt được hiệu quả như mục tiêu đã đặt ra, thậm chí hậu quả của việc DNNN hoạt động kém hiệu quả rất khôn lường.

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến hết năm 2012, tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty đã lên tới 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011 và bằng 56% tổng nguồn vốn. Trong đó, có tới 48 đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, nhiều đơn vị có tỷ lệ này trên 10 lần.

Cũng theo báo cáo trên, tính đến thời điểm đầu năm 2013, không ít tập đoàn, tổng công ty đã bị âm vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, như Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (âm 205 tỷ đồng), Vinalines (âm 2.177 tỷ đồng), Tổng công ty Đường thủy (âm 536 tỷ đồng); Tổng công ty Cơ khí xây dựng (âm 316 tỷ đồng)…

Ông nói rằng, muốn đẩy nhanh tiến trình này phải có bước đột phá. Vậy đột phá ở đây, cần phải làm gì?

Với 25 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kế 17.033 tỷ đồng và 16 công ty mẹ có lỗ lũy kế 11.820 tỷ đồng, có thể nói, bức tranh hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất khó khăn, nên việc tái thiết hoạt động của khu vực này thông qua tái cơ cấu được đặt ra bức thiết hơn lúc nào hết.

Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính có hạn, không thể tái cơ cấu đại trà theo kiểu phong trào, mà nên chọn 3 - 4 đơn vị làm mẫu trước, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai rộng rãi.