6 "điểm nhấn" tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được ngành Ngân hàng tích cực triển khai với các hình thức hợp nhất, sáp nhập, tự tái cơ cấu và dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2015. Kết quả bước đầu đạt được từ năm 2011 đến nay là hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cơ bản đã đảm bảo về thanh khoản, nợ xấu đã được kiềm chế và có xu hướng giảm... góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là:

Thứ nhất, đã kiểm soát được tình hình của một số NHTM cổ phần yếu kém; thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, quyền lợi của người dân được đảm bảo, an toàn hoạt động của hệ thống được kiểm soát.

Thứ hai, từng bước giảm bớt số lượng các NHTM yếu kém thông qua cơ cấu lại. Trong số 9 NHTM cổ phần yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại. Một sốNHTM cổ phần yếu kém được xác định trong năm 2013 cũng đang được NHNN áp dụng các biện pháp giám sát chặt chẽ và chỉ đạo xây dựng phương án tái cơ cấu. Đến nay, số lượng NHTM cổ phần đã giảm thêm 5 ngân hàng yếu kém thông qua hoạt động sáp nhập, hợp nhất (Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á). Tất cả các phương án tái cơ cấu đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Sau khi sáp nhập, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của NHNN.

Thứ ba, chất lượng hoạt động của các NHTM cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện các ngân hàng không thuộc diện yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu cũng đã triển khai các giải pháp, xử lý nợ xấu; củng cố, chấn chỉnh năng lực tài chính, quản trị, hoạt động và năng lực cạnh tranh. Một số ngân hàng đang thực hiện sáp nhập, mua lại TCTD khác để tăng quy mô và khả năng cạnh tranh.

Thứ tư, đã bước đầu thực hiện sắp xếp lại các TCTD phi ngân hàng và Quỹ Tín dụng nhân dân. Đến nay, đa số các TCTD phi ngân hàng đã trình hoặc đang hoàn thiện phương án để trình NHNN phê duyệt. Năm 2013, có 02 công ty tài chính đã được hợp nhất, mua lại với 02 NHTM, giải thể, rút giấy phép 01 công ty cho thuê tài chính và 01 công ty tài chính đã được NHNN ủng hộ chủ trương bán lại cho tổ chức khác. Một số TCTD phi ngân hàng quá yếu kém, NHNN đang rà soát, đánh giá và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua giải thể, phá sản. Đối với Quỹ Tín dụng nhân dân, Qũy Tín dụng nhân dân Trung ương đã hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã nhằm thực hiện tốt mục tiêu liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và điều hòa vốn trong hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân.

Thứ năm, năng lực tài chính của hệ thống từng bước được lành mạnh thông qua tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu. Tính đến nay, các NHTM đã ban hành và gửi NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu đến 2015; đồng thời, đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong khả năng tài chính của mình, song song với việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các khách hàng. Thống kê đến hết tháng 8/2014, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua được 59.511 tỷ đồng nợ xấu từ 35 tổ TCTD; các NHTM tự xử lý thêm được 20.000 tỷ đồng so với 12/2013 VND, nâng tổng số nợ xấu được xử lý là khoảng 105.000 tỷ đồng.

Thứ sáu, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD. Ngoài các văn bản như: Nghị định số101/2012/ NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định số01/2013/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam; Quyết định số48/2013/ QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt… NHNN đang khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý về thanh tra, giám sát; xử lývi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng…

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và những vấn đề đặt ra - Ảnh 1

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả trên, đối chiếu với các mục tiêu đề ra của Đề án, quá trình tái cơ cấu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Quá trình cơ cấu chậm trễ và khó đạt mục tiêu đề ra; Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo trong các TCTD còn lúng túng và không đạt hiệu quả… do nhiều nguyên nhân. Cụ thể như: Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chưa có sự đồng bộ với tái cấu trúc đầu tư công và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; mục tiêu và các ưu tiên cho tái cơ cấu được xác lập chưa phù hợp; thiếu khuôn khổ pháp lý cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…

Để thực hiện thành công các mục tiêu của quá trình tái cơ cấu hệ thống các NHTM giai đoạn 2014-2015 và giai đoạn 2016- 2020, thực tiễn cho thấy Việt Nam cần có thể chế và khuôn khổ pháp lý có tính chất đặc biệt và đột phá, đảm bảo nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Giới chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung: (i) Giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa; (ii) Xây dựng các tiền đề cho việc hình thành các ngân hàng đầu tư nhằm chuẩn hóa hoạt động của các công ty chứng khoán; (iii) Định dạng các NHTM và tổ chức tài chính quy mô lớn phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính gắn với tăng cường năng lực và công cụ giám sát trên cơ sở rủi ro đối với các tập đoàn này…

Hơn nữa, để đảm bảo an toàn hoạt động toàn bộ hệ thống ngân hàng, NHNN cần có các giải pháp toàn diện đối với vấn đề quản trị rủi ro. Cụ thể, trong năm 2014, NHNN cần hoàn thiện Thông tư số 13/2010/ TT-NHNN với mục tiêu hướng các NHTM tiếp cận việc quản lý rủi ro theo Basel II. Bên cạnh việc sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN, NHNN Việt Nam cần có lộ trình cụ thể về thời gian trong việc áp dụng Basel II và Basel III trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước đã triển khai; tăng cường yêu cầu an toàn vốn với mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng để tránh tối đa rủi ro chéo…

Tài liệu tham khảo:

1. Cấn Văn Lực, 2014, "Vai trò của của NHTM trong phát triển thị trường vốn hiện đại";

2. Nguyễn Hồng Sơn, Trần Thị Thanh Tú (2014), “Hệ thống NHTM Việt Nam – kết quả sau 2 năm tái cấu trúc”;

3. Nguyễn Đức Thành (2012), Tái cơ cấu kinh tế: những thách thức phải đối mặt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;

4. Fullbright, 2013, Định hướng và giải pháp cơ cấu lại hệ thống ngân hàng Việt Nam 2011-2015.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và những vấn đề đặt ra

NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Về cơ bản, các mục tiêu chủ yếu trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã được thực hiện. Thành công mà hệ thống ngân hàng đạt được tính đến nay là đã đảm bảo về thanh khoản, cơ bản thoát khỏi sự đổ vỡ hàng loạt, tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy bước tiếp theo hệ thống ngân hàng sẽ phải làm gì? Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, bài viết nêu ra một số vấn đề mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần triển khai trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật