Tái cơ cấu kinh tế: Chậm vì sao?

Phương Anh

Tại phiên chất vấn chiều ngày 14/6, Quốc hội đã chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề “nóng”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cơ cấu kinh tế: Chậm vì sao?
Quá trình tái cơ cấu đã có nhiều kết quả cụ thể. Nguồn: kinhtevadubao.com.vn

Kết quả tái cơ cấu các tập đoàn Vinashin, Vinalines đã đạt được mức nào? Cho đến nay, lộ trình tái cơ cấu đề ra có đảm bảo hay không? Là những câu hỏi được đại biểu quốc hội gửi tới Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đã có những kết quả bước đầu

Khẳng định tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, quá trình tái cơ cấu đã có nhiều kết quả cụ thể.

Về đầu tư công, nhờ Chỉ thị 1792 về chống đầu tư dàn trải, những công trình không hiệu quả phải nhường bước cho công trình có hiệu quả... “Chúng ta đang triển khai việc này rất có hiệu quả trong phạm vi cả nước”, Phó Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, đã công bố chương trình đầu tư trung hạn vào năm 2015 để chủ động bố trí kế hoạch để phát huy hiệu quả.

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đã có nhiều thành tựu. 9 ngân hàng thương mại yếu kém đã được tái cơ cấu một cách quyết liệt; các ngân hàng thương mại khác tự củng cố, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chủ yếu.

Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay tốt hơn, vững chắc hơn trước đây rất nhiều cho nên nền kinh tế cũng có niềm tin, một số biện pháp về tài chính ngân hàng đã được thực hiện.

Doanh nghiệp nhà nước mặc dù có những cái chậm, nhưng đến nay đã có 69 tập đoàn đã được duyệt phương án tổ chức kinh doanh, điều lệ kinh doanh, có 27 doanh nghiệp được tái cơ cấu lại, trong đó có 16 doanh nghiệp lớn đã được cổ phần hóa…

Chậm vì sao?

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến đề án tái cơ cấu kinh tế chậm, cụ thể:

Một là, tái cấu trúc là một vấn đề rất lớn, nó đụng chạm đến nhiều cấp, nhiều ngành, cả người dân và doanh nghiệp. Vì thế, việc đầu tiên là thể chế, cơ chế. “Một vấn đề lớn mà không có thể chế, cơ chế thì làm sao chúng ta có thể giải quyết được mọi việc?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Hai là, do thị trường, nhất là thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường xung quanh các nước chúng ta nói riêng. “Chúng tôi muốn cổ phần hóa lắm nhưng mà nói thật với Quốc hội là ít người mua lắm”, Phó Thủ tướng cho biết.

Ba là, nguồn nhân lực, cả nhân lực lãnh đạo của tập đoàn doanh nghiệp, cả nhân lực lao động bình thường cũng không có nhân lực chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của tái cơ cấu.

Bốn là, chỉ đạo điều hành cần quyết liệt hơn, cụ thể hơn, nhất là khi đề án tái cấu trúc chung đã được Thủ tướng phê duyệt.

Bốn giải pháp cần làm ngay

Trước hết về tái đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ ban hành nghị định về kế hoạch đầu tư trung hạn, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, không bị động như trước đây.

Thứ hai, tăng cường các biện pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công, những biện pháp giám sát chống lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản của trái phiếu chính phủ, của vốn nhà nước… tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư công, như trình Quốc hội sửa lại Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật đầu tư (sửa đổi)... hay phân cấp quản lý đầu tư, kiểm tra, giám sát, hoàn thiện Luật đấu thầu...

“Tất cả những chủ trương, giải pháp đó góp phần cho đầu tư công trong thời gian tới tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ ba, về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện lộ trình tái cơ cấu tín dụng theo đề án, các phương án đã được duyệt, trong đó tập trung xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết kiệm chi phí, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống tín dụng.

Thứ tư, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra giám sát doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tập đoàn, tổng công ty làm sao để làm rõ chủ sở hữu và chịu trách nhiệm trước pháp luật?

Hiệu quả tái cơ cấu của 2 Vina thế nào?

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giải trình với đại biểu về hiệu quả của việc tái cơ cấu các doanh nghiệp đặc biệt là Vinashin, Vinalines.

Về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin, hiện đã bị đổ bể trong nhiều phương diện, sản xuất kinh doanh, việc làm rồi thu nhập...  Nguyên nhân chủ quan là do quản trị tập đoàn lỏng lẻo, thất thoát.

Nguyên nhân khách quan là do khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực đã ảnh hưởng trực tiếp nhất là đến vận tải biển.

Chủ trương của Bộ Chính trị là tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin tại Kết luận số 81 của Bộ Chính trị, đồng nghĩa với việc tái cơ cấu trong giai đoạn bị khủng hoảng, kinh tế thế giới khó khăn và thị trường vận tải giảm rất mạnh. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu tập đoàn này đã có nhiều tích cực. Tập đoàn đã có sự ổn định hơn và quản lý tốt hơn, có điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, trong số 216 doanh nghiệp không giữ lại, sắp xếp được 36 doanh nghiệp. Lao động còn khoảng gần 29.000 người, giảm 41.000 người, số lao động còn lại 28.500 người này có việc làm đến hơn 74%, số không có việc làm khoảng 25%.

Kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm đã đóng, bàn giao 170 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với giá tiền là 1.215 triệu USD.

“Nếu như chúng ta không tiếp tục sản xuất, bàn giao được 170 tàu này thì chúng ta số lỗ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ nữa”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về tái cơ cấu lại nợ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, có 19 ngân hàng trong nước với điều kiện cụ thể đã giảm nợ cho Vinashin 70%, còn 750 triệu USD và 600 triệu USD, mà doanh nghiệp tự vay thì cũng đang đàm phán, chúng ta giảm được 30%.

“Như vậy, khoản giảm này rất lớn, có những món nợ vay 40 triệu, tập đoàn mua lại với giá 9 triệu... kết quả của tái cơ cấu nợ là tiền đề quan trọng để chúng ta tái cơ cấu Vinashin”, Phó Thủ tướng cho biết.

Giải trình vì sao lại không phá sản đi mà phải tái cơ cấu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở rằng, Vinashin là một Tập đoàn 100% vốn Nhà nước, nên nếu như phá sản, thì Nhà nước phải trả nợ thay cho Vinashin.

“Chúng ta trả nợ thay như thế thì chúng ta vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và đặc biệt là trên 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống, như thế cho nên xét cho cùng tái cơ cấu vẫn có lợi hơn và có hướng đi tốt hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Còn về Vinalines, Phó Thủ tướng cho hay, Tập đoàn này cũng đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ. Năm 2012, doanh thu là 2.120 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 674 tỷ đồng. Năm 2013, đã thoái vốn đầu tư tại 16 doanh nghiệp; hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; hoàn thành phương án tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu nợ; đã bán được một số tầu cũ không hiệu quả, đã bố trí lại nhân sự, đặc biệt là đã trình Chính phủ ban hành được điều lệ hoạt động, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát nội bộ.

Năm 2014 cũng sẽ tiến hành cổ phần hóa một số cảng như Cảng Sài Gòn, Cam Ranh, các công ty vận tải biển container Vinalines thoái vốn tại 14 doanh nghiệp.

“Như vậy, những công việc của Vinalines mạnh mẽ hơn, có xu hướng phục hồi nhanh hơn, nhưng tất nhiên hiện nay vẫn còn lỗ, vẫn còn khó khăn về thị trường, song chúng tôi nghĩ rằng sẽ vượt qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.