"Tái cơ cấu" lương thưởng của doanh nghiệp nhà nước

Nghi Kiều

(Tài chính) Vấn đề tiền lương cho lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã từng thu hút sự quan tâm của dư luận và trên diễn đàn Quốc hội. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, mức lương trả cho đội ngũ lãnh đạo DNNN ở mức quá cao so với mặt bằng chung của xã hội cũng như hiệu quả mà họ đóng góp. Đặc biệt, vấn đề gây bức xúc hiện nay là có không ít DNNN làm ăn thua lỗ, gây thất thoát vốn Nhà nước nhưng lãnh đạo các DN này vẫn hưởng lương cao. Câu chuyện một số lãnh đạo DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh nhận lương khủng mới đây đã trở thành “giọt nước tràn ly”.

Đầy đủ hành lang pháp lý

Trên thực tế, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về đổi mới chính sách lao động, tiền lương và thưởng phù hợp với tiến trình đổi mới nền kinh tế, tái cơ cấu DNNN. Theo đó, ngày 23/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/CP quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các DN. Ngày 18/11/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/1997/NĐ-CP về việc bổ sung hệ số mức lương chức vụ quản lý và phụ cấp chức vụ lãnh đạo DN ban hành kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ. Ngày 15/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 83/1998/QĐ-TTg về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tổng công ty nhà nước và DNNN độc lập quy mô lớn. Ngày 14/12/2004, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước và thay thế 3 văn bản trên.

Ngày 28/05/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 86/2007/NĐ-CP về việc quy định quản lý lao động và tiền lương trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Ngày 05/09/2007, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương đối với công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu và các công ty con trong tập đoàn Kinh tế cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ngày 14/9/2010, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 27/2010/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trước đó, ngày 5/8/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 117/2010/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ngày 17/9/2010, Bộ Tài chính có Thông tư số 138/2010/TT-BTC hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đáng chú ý là tại Điều 4 Thông tư số 138/2010/TT-BTC hướng dẫn chế độ phân phối lợi nhuận đối với việc trích lập quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty quy định rất rõ: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được trích tối đa 5% lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để lập quỹ thưởng, mức trích một năm không vượt quá 500 triệu đồng (đối với công ty có Hội đồng thành viên), 200 triệu đồng (đối với công ty không có Hội đồng thành viên). Đối với trường hợp hoàn thành nhiệm vụ thì được trích tối đa 2,5% lợi nhuận được chia theo vốn tự huy động để lập quỹ; mức trích một năm không vượt quá 250 triệu đồng (đối với công ty có Hội đồng thành viên), 100 triệu đồng (đối với công ty không có Hội đồng thành viên). Đối với trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ thì không được trích lập quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty kể cả trường hợp công ty có lãi”.

Mới đây, ngày 14/05/2013, Nghị định số 50/2013/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Trong đó, tại Điều 7 về phân phối tiền lương quy định rõ: i) Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, công ty được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau và phân phối tiền lương cho người lao động theo quy chế trả lương của công ty. Quỹ dự phòng của công ty không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Đối với công ty sản xuất, kinh doanh có tính mùa vụ thì quỹ dự phòng không vượt quá 20% quỹ tiền lương thực hiện. ii) Công ty xây dựng quy chế trả lương theo vị trí, chức danh công việc, bảo đảm trả lương thỏa đáng (không hạn chế mức tối đa) đối với người có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và đóng góp nhiều cho công ty. iii) Công ty không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, kế toán trưởng. Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 và Nghị định số 141/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007.

Ngày 14/5/2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 51/2013/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ giải đáp những băn khoăn trước đó về việc trả lương thế nào cho lãnh đạo DNNN một cách hợp lý.

Đáng chú ý tại Điều 4 về nguyên tắc xác định, trả tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Nghị định 51/2013/NĐ-CP khẳng định rõ: “Tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách (Chủ tịch và thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách, Kiểm soát viên chuyên trách, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng) được xác định và trả lương gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức hưởng tối đa. Thù lao đối với viên chức quản lý không chuyên trách (Chủ tịch và thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty không chuyên trách, Kiểm soát viên không chuyên trách) tại công ty được tính theo công việc và thời gian làm việc, nhưng không vượt quá 20% tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách; đối với viên chức quản lý được cử đại diện vốn góp ở nhiều công ty, DN khác thì khoản thù lao do công ty, DN khác trả được nộp về công ty để chi trả theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tối đa không vượt quá 50% mức tiền lương thực tế được hưởng tại công ty. Phần còn lại (nếu có) được hạch toán vào thu nhập khác của công ty”.

Bên cạnh đó, các phụ lục kèm theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ Bảng hệ số về mức lương của viên chức quản lý chuyên trách và Bảng mức lương cơ bản để xác định quỹ tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách.

Mới nhất, Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 cũng đã có những quy định liên quan đến vấn đề khen thưởng tại các DNNN. Theo đó, tại Điều 18 của Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ) quy định cụ thể về mức khen thưởng đối với viên chức quản lý DN: “Hàng năm căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ, viên chức quản lý DN được xét chi thưởng từ Quỹ thưởng viên chức quản lý DN như sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Được thưởng tối đa 1,5 tháng lương thực hiện của viên chức quản lý DN. Hoàn thành nhiệm vụ: Được thưởng tối đa 1 tháng lương thực hiện của viên chức quản lý DN. Không hoàn thành nhiệm vụ: Không được chi thưởng.”

Tăng giám sát, nâng hình phạt

Có thể nói, hành lang pháp lý cho vấn đề lương, thưởng của lãnh đạo DNNN hiện nay đã khá đầy đủ và hoàn thiện. Quá trình thực hiện cho thấy, nhiều DNNN cũng đã thực hiện tốt việc công khai chế độ lương, thưởng đối với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và người lao động. Chẳng hạn như Tập đoàn Bảo Việt hàng năm trong báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của mình đều luôn công khai, minh bạch các con số về chế độ lương, thưởng của Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành. Đây chính là điều rất được các cổ đông và nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên, hoạt động công khai như Tập đoàn Bảo Việt hiện nay không phải DNNN nào cũng làm được, nếu không muốn nói là không ít DN vẫn chưa tuân thủ hoặc tìm cách “lách” các quy định của Nhà nước. Câu chuyện một số DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh sai phạm trong việc chi lương lãnh đạo cao bất thường gây bất bình dư luận trong thời gian qua là một minh chứng.

Phải thừa rằng, trả lương, thưởng tại các DNNN không hề đơn giản bởi việc này đòi hỏi phải vừa hạn chế được tình trạng lãng phí tiền của Nhà nước, nhưng phải vừa khuyến khích tinh thần lao động, sáng tạo nhằm tạo động lực cho người nhận lương cống hiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Trong bối cảnh đó, dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm:

Thứ nhất, cần tăng cường và thường xuyên giám sát việc thực hiện chế độ lương, thưởng tại các DNNN. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản số 1436/TTg-KTTH ngày 10/9/2013 chỉ đạo kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các DNNN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các DNNN thuộc thẩm quyền quản lý trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, cần phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo đúng quy định của Nhà nước… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các DNNN thực hiện đúng và đầy đủ các quy định tại Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ.

Thứ hai, cần tiếp tục công khai các khoản thu nhập nói chung và các khoản lương, thưởng nói riêng. Mới đây, sau khi sai phạm của một số DN công ích bị phanh phui, TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các DNNN nghiêm túc thực hiện việc công khai các khoản thu nhập, lương, thưởng của viên chức quản lý và người lao động, báo cáo định kỳ hằng tháng cho UBND Thành phố. Tuy nhiên, dư luận cũng không khỏi hoài nghi về tính xác thực bởi việc kê khai thu nhập vẫn được thực hiện hàng năm song trong một thời gian dài việc chi lương khủng của lãnh đạo các DN công ích ở TP. Hồ Chí Minh không hề phát hiện cho thấy hình thức này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Do vậy, tới đây, việc kê khai và công khai các khoản thu nhập, lương, thưởng cần được tiến hành một cách nghiêm túc và giám sát một cách kỹ càng hơn.

Thứ ba, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thậm chí tăng cường các chế tài xử phạt nghiêm minh hơn để răn đe các hành vi này. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia luật, hiện nay, các hình thức xử phạm là khá nghiêm minh. Chẳng hạn, tại Điều 165 của Bộ Luật Hình sự thì người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị phạt tù từ 1 - 20 năm. Điều 278, Bộ luật Hình sự quy định về Tội tham ô tài sản đối với những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thì tùy theo lượng tài sản bị chiếm đoạt có thể phạt tù từ 2 - 20 năm, thậm chí là chung thân hoặc tử hình. Trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục bổ sung các chế tài xử phạt nặng hơn. Với những chế tài phạt nghiêm minh như vậy, chắc chắn sẽ khiến các lãnh đạo DNNN không dám tự nhận lương "khủng" nếu không tương xứng với đóng góp của mình.