Cơ cấu nền kinh tế

Cơ cấu kinh tế có nhiều loại: Cơ cấu các quan hệ sản xuất trong nền kinh tế; cơ cấu tái sản xuất xã hội, cơ cấu tổ chức – quản lý nền kinh tế quốc dân, cơ cấu vùng - lãnh thổ, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu theo thành phần kinh tế…

Cơ cấu kinh tế theo ngành là sự phân chia nền kinh tế theo những ngành sản xuất quan trọng. Những ngành sản xuất này tương đối độc lập với nhau, dựa trên những đối tượng và sản phẩm sản xuất khác nhau. Cho tới nay, những ngành sản xuất quan trọng và lớn trong nền kinh tế bao gồm: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Việc nghiên cứu cơ cấu ngành kinh tế nhằm tìm ra những cách thức duy trì tỷ lệ hợp lý của chúng và những lĩnh vực cần ưu tiên tập trung các nguồn lực có hạn của quốc gia trong mỗi thời kỳ nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Tuy nhiên, xu thế phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới hiện nay theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đó có nghĩa là đang có sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế với tỷ trọng nghiêng về phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ, trong khi đó ngành sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp quy mô và tỷ trọng trong nền kinh tế.

Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế là cơ cấu kinh tế theo khu vực sở hữu. Trong thời kỳ đầu của cải cách kinh tế (những năm 1986 - 1990), Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích để mỗi thành phần kinh tế có thể phát triển ở mức cao nhất, có đóng góp lớn nhất vào sự phát triển của nền kinh tế. Từ chính sách này, cơ cấu của nền kinh tế đã hình thành nên ba khu vực sở hữu chính: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước (kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình) và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, mỗi một khu vực đều có những thế mạnh riêng cũng như những hạn chế nhất định. Khu vực kinh tế nhà nước bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được hình thành trong suốt mấy chục năm phát triển là trụ cột của nền kinh tế với nhiều ngành sản xuất kinh doanh quan trọng trong các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội, các ngành công nghiệp mũi nhọn… và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa quyết định lớn tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế trong suốt thời kỳ chuyển đổi và phát triển kinh tế từ. Tuy nhiên, khu vực sở hữu kinh tế nhà nước, trong quá trình phát triển cũng đã bộc lộ những điểm hạn chế như hiệu quả đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu… khó có thể tiếp tục phát triển mạnh khi quá trình hội nhập kinh tế.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước với đặc thù là có quy mô nhỏ, năng động và ít bị tổn thương khi những biến động về chính trị, kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khu vực kinh tế ngoài nhà nước lại có những hạn chế như quy mô nhỏ, công nghệ thô sơ, cạnh tranh yếu và ít có cơ hội để thực hiện quá trình hợp tác phát triển với các nước cũng như các quốc gia khác. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thế mạnh là khả năng cạnh tranh lớn, tiếp cận thị trường tốt, tiềm năng về huy động vốn lớn, khả năng hợp tác phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế cao, song khu vực kinh tế này đòi hỏi chi phí đầu tư thường lớn, ít hiểu biết về thị trường cũng như những thế mạnh về tài nguyên, lao động của Việt Nam.

Do vậy, việc nghiên cứu cơ cấu kinh tế theo khu vực sở hữu có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định các chính sách phát triển chung của nền kinh tế cũng như chính sách phát triển của mỗi khu vực kinh tế, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi khu vực sở hữu và tạo ra những đóng góp cao nhất của mỗi khu vực trong những giai đoạn phát triển nhất định, phù hợp với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế thì Nhà nước thường sử dụng các công cụ chính sách hay các biện pháp quản lý tác động trực tiếp vào các yếu tố đầu vào của sản xuất xã hôi (vốn, lao động và công nghệ) để có được một cơ cấu kinh tế mới phù hợp hơn, vững chắc hơn.

Ngoài ra, cơ cấu vùng, lãnh thổ cũng là nội dung được nhiều người quan tâm. Cơ cấu vùng, lãnh thổ là nói đến việc phát triển kinh tế dựa vào những lợi thế, tiềm năng về tài nguyên, điều kiện tự nhiên, con người, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa… ở những vùng, lãnh thổ trên đất nước. Nghiên cứu cơ cấu về vùng, lãnh thổ là để phục vụ cho xây dựng hệ thống các chính sách nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên và xã hội ở mỗi một vùng kinh tế để phát triển.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế theo cơ cấu vùng, lãnh thổ còn nhằm thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội giữa các khu vực dân cư trong xã hội và đây cũng là một trong những mục tiêu, yêu cầu chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù, theo hình thức phân chia nào, theo ngành kinh tế, theo khu vực sở hữu hoặc theo vùng, lãnh thổ thì các bộ phận cơ cấu trên đây cũng vẫn là những bộ phận quan trọng hình thành nên một thể thống nhất của một nền kinh tế. Trong thực tiễn Việt Nam, từ trước tới nay trong chính sách phát triển kinh tế xã hội từ ngắn hạn, trung hạn tới dài hạn, chúng ta thường chủ trương xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, đặc biệt là cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ. Một cơ cấu kinh tế theo ngành và lãnh thổ hợp lý phải đáp ứng được các yêu cầu:

Thứ nhất, phải phù hợp với các điều kiện cấu thành và những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bảo đảm sự phát triển tốt nhất của vùng và ngành.

Thứ hai, bảo đảm sự thống nhất của các yếu tố phát triển nói chung và của sức sản xuất nói riêng giữa các lãnh thổ, các ngành, đồng thời có sự thích ứng cao với những thay đổi bên ngoài.

Thứ ba, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, phúc lợi xã hội.

Tái cơ cấu nền kinh tế

Thuật ngữ "Tái cơ cấu" hiện đang được sử dụng khá phổ biến và cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, một cách chung nhất có thể hiểu: Tái cơ cấu là sự thay đổi chiến lược, mục tiêu, tầm nhìn của một hệ thống hoặc là sự cơ cấu lại hệ thống bao gồm các hoạt động như sắp xếp lại, chuyển đổi hình thức hoạt động, xác định lại mục tiêu, chiến lược, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và chuẩn mực của tổ chức hay doanh nghiệp.

Tái cơ cấu có thể ở các cấp độ khác nhau, cấp độ cao là sự thay đổi tầm nhìn, chiến lược, cơ cấu lại toàn bộ tổ chức có tính hệ thống; cấp thấp là sự chuyển đổi, sắp xếp lại, đổi mới quy trình hoạt động và cũng có thể bao gồm cả hai cấp, vừa thay đổi tầm nhìn chiến lược, vừa thực hiện tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực kinh tế, những mối quan hệ bền vững giữa các chủ thể kinh tế bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hay giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế: ngành kinh tế công nghiệp, ngành kinh tế nông nghiệp, ngành kinh tế dịch vụ, có thể là phương thức tạo ra của cải vật chất (mô hình tăng trưởng kinh tế), mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường, tương quan giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh...

Tất cả các mối quan hệ trên đều do các thể chế kinh tế hay các cơ chế, chính sách kinh tế quy định. Do vậy, tái cơ cấu kinh tế có thể hiểu là những thay đổi có tính bước ngoặt về cơ chế, chính sách kinh tế để đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra. Với quan niệm này, khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế có nghĩa gần với khái niệm cải cách kinh tế hay đổi mới kinh tế. Khái niệm tái cơ cấu kinh tế được sử dụng để chỉ những thay đổi lớn về cơ chế và chính sách, không chỉ là những điều chỉnh chính sách kinh tế ở quy mô nhỏ mà chúng ta thường gặp.

Tuy nhiên, có quan niệm rằng: tái cơ cấu kinh tế chính là quá trình thực hiện việc chuyển dịch, quá trình thay đổi của cơ cấu kinh tế cũ bằng một cơ cấu kinh tế mới, phù hợp hơn. Trên cơ sở lý luận rằng, phát triển kinh tế là quá trình vận động liên tục, không ngừng của các bộ phận kinh tế và điều đó cũng làm cho cơ cấu kinh tế thay đổi hay là sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Theo khái niệm này, tái cấu trúc (tái cơ cấu kinh tế) sẽ trùng hợp với quan niệm là tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý, đặc biệt là cơ cấu ngành, cơ cấu khu vực kinh tế sở hữu hợp lý.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác cho phù hợp với phân công lao động xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, các điều kiện về kinh tế – xã hội trong những giai đoạn phát triển kinh tế nhất định. Thực chất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình làm thay đổi cơ cấu cũ, lạc hậu hoặc chưa phù hợp để xây dựng cơ cấu mới tiên tiến, hoàn thiện, bổ sung cơ cấu cũ thành cơ cấu mới phù hợp hơn.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện theo ba hướng chủ yếu: Chuyển dịch theo ngành hoặc theo khu vực kinh tế, chuyển dịch theo vùng kinh tế và chuyển dịch theo thành phần kinh tế. Mỗi xu hướng chuyển dịch đều có phạm vi, ý nghĩa riêng, trong đó chuyển dịch kinh tế theo ngành và theo thành phần kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng.

Có thể nói, tái cơ cấu nền kinh tế, là quá trình Chính phủ chủ động thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ ban hành các chính sách về tài chính, tiền tệ, các chính sách về hành chính, kinh tế và sử dụng các công cụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để tác động tới việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực cần thiết nhằm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo một xu hướng nhất định, đạt được các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn phát triển. Những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế là: lao động, vốn và hiện nay ngoài hai yếu tố đó ra cần có thêm nguồn lực về trình độ khoa học và công nghệ được sử dụng trong quá trình sản xuất xã hội.

Trong thực tiễn, để thực hiện tái cơ cấu kinh tế thì Nhà nước thường sử dụng các công cụ chính sách hay các biện pháp quản lý tác động trực tiếp vào các yếu tố đầu vào của sản xuất xã hôi (vốn, lao động và công nghệ) để có được một cơ cấu kinh tế mới phù hợp hơn, vững chắc hơn. Ngoài các yếu tố tác động trực tiếp đó ra, các chính phủ cũng còn sử dụng các công cụ để gián tiếp tác động thông qua các chính sách quản lý, chính sách khuyến khích hay hạn chế việc sử dụng các nguồn lực cho phát triển, trong đó có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Yêu cầu từ thực tiễn tại Việt Nam

Sau hơn 20 năm thực hiện cải cách và đổi mới, bên cạnh những thành công lớn như tốc độ tăng trưởng nhanh, GDP bình quân đầu người ngày càng lớn và đạt ngưỡng của các nước có thu nhập trung bình trên thế giới, kim ngạch thương mại tăng nhanh, thu ngân sách nhà nước ngày càng lớn thì một số những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam cũng được nhận diện rõ hơn, cụ thể:

Thứ nhất, các cân đối vĩ mô thiếu bền vững, đặc biệt là cân đối về đầu tư – tiết kiệm. Nhu cầu cần có số lượng vốn đầu tư hàng năm là rất lớn, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh nền kinh tế, song tiết kiệm trong nước không đủ để bù đắp nhu cầu đầu tư. Nếu khả năng tiết kiệm không được cải thiện, rất có thể đây sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, thâm hụt thương mại đã có tác động không tốt tới phát triển và tạo cơ cấu kinh tế bền vững. Nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn theo chiều rộng. Kim ngạch xuất khẩu càng tăng thì thâm hụt cán cân thương mại lại càng lớn do các sản phẩm xuất khẩu không phải được sản xuất ra từ sản xuất trong nước mà việc xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm lắp ráp, gia công cho nước ngoài nên phải nhập khẩu lớn và thâm hụt thương mại lớn. Hiệu quả đầu tư thấp, đặc biệt là đầu tư công và hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm, nhất là trong khu vực kinh tế nhà nước.

Thứ ba, việc tăng vốn đầu tư để có tăng trưởng nhanh trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn nhiều hạn chế, cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo, yếu kém dẫn đến thất thoát, lãng phí làm cho hiệu quả đầu tư giảm sút, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.

Đặc biệt, tuy thời gian gần đây với những tác động tiêu cực từ sau khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu thì những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ rất rõ thông qua các biểu hiện như: nhiều doanh nghiệp rơi vào trạng thái phá sản, ngừng sản xuất, thị trường chứng khoán giảm sâu trong một thời gian dài, thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu trong ngân hàng tăng cao, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn… Mặc dù, dư địa chính sách cho điều hành nền kinh tế vẫn còn song hiệu quả của chính sách thì lại rất thấp, không thể tiếp tục mạo hiểm đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như các năm trước.

Để ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế, Chính phủ đã chủ trương thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mà nội dung chính là tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Từ lý luận tới thực tiễn tại Việt Nam

ThS. DƯƠNG NGỌC QUANG - Tổng Công ty Xây dựng Hà nội

(Tài chính) Để giải quyết những khó khăn và hạn chế của nền kinh tế, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững thì việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế là một yêu cầu tất yếu và rất cần thiết trong giai đoạn 2011 – 2020. Rất nhiều giải pháp và công cụ chính sách sẽ phải được sử dụng, trong đó vai trò của hệ thống các chính sách về quản lý là rất quan trọng.

Xem thêm

Video nổi bật