Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Đâu là nút thắt của các “nút thắt”?

Trần Văn Việt - Ban Kinh tế Trung ương

(Tài chính) Trong công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - Nông thôn hàng chục năm qua, “mong muốn” thì rất nhiều nhưng thực tế đã chứng minh không phải Nhà nước mà cũng không phải các doanh nghiệp có thể “tái cơ cấu” được. Trong khi trên thế giới, hợp tác xã (HTX) có vị trí - vai trò then chốt thì ở Việt Nam, dường như HTX đang biến mất. Dưới đây là một ý kiến mới về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Suy cho cùng, việc can thiệp thúc đẩy nông nghiệp phát triển nằm ở ba giai đoạn trong một vòng tròn khép kín, từ sản xuất, chế biến và lưu thông tiêu dùng. Trong vòng tròn này, dường như, hàng chục năm qua, chúng ta cứ loay hoay đi tìm nút thắt tháo gỡ để nền nông nghiệp Việt Nam bứt phá đi lên.

Cũng hàng chục năm ấy đã chứng minh, Nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp “từ thiện” muốn tháo nút thắt, nhưng kết quả nền nông nghiệp Việt Nam vẫn cứ đi xuống, chưa có cuộc cách mạng lần thứ hai (sau cuộc cách mạng về “sản lượng” nhờ chủ trương khoán 10 (1) năm 1986).

Vậy là, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại xem cái nào là nút thắt thật sự của các “nút thắt” mới mong có được “nền nông nghiệp hiện đại” như “mong muốn” mà Nghị quyết số 26-NQ/TW cách đây 5 năm Đảng ta đã ban hành.

Nút thắt thì nhiều

Chỉ với công cụ tìm kiếm Google, với các cụm từ “nút thắt” và “tái cơ cấu nông nghiệp” đã cho ra 141.000 (tính đến thời điểm bài báo này được viết) kết quả liên quan. Điều này đã bước đầu nói lên sự “bùng nổ” các “nút thắt” cho tái cơ cấu nền Nông nghiệp Việt Nam.

Trong một bài viết gần đây (đăng trên Tạp chí Cộng sản số 854 ra 12/2013), GS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã đưa ra những gợi mở mang tính chiến lược, có thể vắn tắt là: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần hướng đến “giá trị tăng cao” và giải pháp cần tháo gỡ nhiều “nút thắt”.

Về mặt nội dung cần quan tâm, GS., TS. Vương Đình Huệ xác định: Cần thiết kế không gian (với 5 nhóm quy hoạch), chuỗi ngành hàng, đối tượng tham gia (kinh tế hộ trong đó coi trọng hộ sản xuất với quy mô lớn); và giải pháp cần chú trọng đến các yếu tố đất đai, đầu tư, chuỗi giá trị thị trường và dịch vụ công.

Song song với đó, nhiều chuyên gia đã bổ sung nhiều “nút thắt” trong một cách nhìn“toàn diện”.

Tại Hội nghị “Tìm đột phá cho ngành Nông nghiệp” ngày 22/11/2013 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan băn khoăn về vị trí hiện tại của ngành Nông nghiệp: “…Chúng ta cần định vị rõ vị trí…, chúng ta có thể chọn phát triển công nghiệp dựa vào nông nghiệp hay không?”.

Cũng trong Hội nghị ấy, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ có những đề xuất: “Chúng ta cần thay đổi tư duy, phương pháp thì mới có đột phá trong nông nghiệp được”.

PGS., TS. Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thì đề xuất “cần kết nối tối ưu chuỗi giá trị khép kín” hay chính là chuỗi giá trị ngành hàng mà TS. Đặng Kim Sơn từng đề xuất.

Ngoài ra, TS. Đặng Kim Sơn còn bổ sung thêm: “Cần tập trung đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức khoa học công nghệ nông nghiệp theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế vào hoạt động khoa học công nghệ nông nghiệp”.

Cùng quan điểm các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Cần phải có tư duy tỉ đô, tư duy chuỗi giá trị…, phải hỗ trợ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì sản phẩm nông nghiệp mới phát triển được”.

Như vậy, với “nhiều nút thắt”, việc tháo gỡ một cách đồng bộ dường như là điều không thể đối với Nhà nước cũng như các doanh nghiệp.

Thử đi tìm xem, lâu nay ta đã “tháo gỡ” chúng như thế nào?

Thực tế vẫn chưa tháo gỡ được “các nút thắt”

Đầu tiên là từ nhiều chủ trương, cơ chế.

Từ năm 1990, cứ sau 5 năm Chính phủ lại có 2 Nghị định về thuế theo hướng giảm dần để khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp.

Điều tương tự cũng đã được thực hiện đối với chính sách đầu tư trong nông nghiệp với 9 văn bản cấp Nghị định của Chính phủ về tín dụng và ngân hàng.

Song song với cơ chế “ưu đãi” đó, số liệu thực tiễn khuyến khích đầu tư cũng không kém phần sinh động. Theo số liệu giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2009-2013, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách chiếm đến 51,67% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Và Nhà nước hay các doanh nghiệp cũng không giải quyết được vấn đề.

Ngoài thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp chưa mặn mà với nông nghiệp, bản chất của nó được bộc lộ qua đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Dù vai trò của doanh nghiệp là rất lớn song “về bản chất mà nói, mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận”, “bản chất là vụ lợi, thậm chí chèn ép nông dân”, không thể coi là mang bản chất xã hội được” (đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 18/10/2013 của tác giả Lê Bền).

Về khả năng của Nhà nước trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng nói ngắn gọn: “Nhà nước thì chỉ quản lí vĩ mô, không thể nói trực tiếp giúp dân được”.

Như vậy, lâu nay hệ thống chủ trương, cơ chế-chính sách rất nhiều nhưng vẫn không thấy đột phá, vẫn đang mỏi mòn tìm kiếm cuộc cách mạng lần thứ hai trong nông nghiệp đưa đến một nền nông nghiệp hiện đại.

Phải chăng, ta chưa tìm ra nút thắt thật sự-nút thắt của “các nút thắt”?

Đã đến lúc phải nhìn nhận lại

Xem lại cả một chiều dài lịch sử thăng trầm của nền nông nghiệp Việt Nam có thể học được gì? Nhìn ra thế giới xem ta tham khảo được gì ở những nền nông nghiệp luôn chiếm thị phần hàng đầu trên thị trường toàn cầu?

Lịch sử với nhiều thăng trầm

Khi mà vị trí kinh tế hộ chưa tồn tại (trước những năm 1986), kinh tế tập thể (hay HTX kiểu cũ-như nhiều học giả vẫn dùng) là phù hợp với yêu cầu nền nông nghiệp lúc đó chỉ là phát triển về lượng-năng suất và sản lượng. Và thực tế lúc đó, nền nông nghiệp cũng chưa phát huy hết năng suất lao động và tiềm năng đất đai.

Sang thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển kinh tế, kinh tế hộ ra đời (1986-2000), nền nông nghiệp đã bắt đầu có những đòi hỏi về chất lượng, năng suất đã tiệm cận tối đa tiềm năng của sức người và khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên, như đất đai.

Thời kỳ 15 năm gần đây, cũng với tất cả các nhân tố hộ gia đình ấy, HTX (như hiện tại) đã không giúp được người nông dân thích ứng được sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường; cộng với tài nguyên đất đai cũng như sức lao động con người đã đến giới hạn. Thực tế là nền nông nghiệp nước ta những năm qua đi xuống (về mặt giá trị gia tăng) dù năng suất và chất lượng không ngừng được cải thiện.

Vị trí HTX ở đâu?

Hợp tác xã thời kỳ cách mạng (trước 1986) đòi hỏi chưa cao khi chưa có những “cơn bão” cơ chế thị trường, tài nguyên đất và con người còn tiềm năng nên chưa phải thể hiện nhiều về vai trò, chỉ cần dùng “mệnh lệnh”, “kế hoạch” là xong.

Ngay cả những năm đầu sau năm 1986, dù “mệnh lệnh”, “kế hoạch” của HTX bắt đầu bộc lộ, nhưng được phong trào kinh tế hộ gia đình cứu - năng suất vẫn cao, cơ chế thị trường chưa khắc nghiệt, tiềm năng đất đai và con người còn có khả năng để khai thác.

Từ sau năm 2000, nền nông nghiệp nước ta chính thức sang giai đoạn đòi hỏi phát triển về lượng - “nền nông nghiệp hiện đại”. Lúc này, mô hình HTX kiểu “mệnh lệnh”, “kế hoạch” đã không còn ai cứu cánh khi mà nền nông nghiệp đón phải “bão thị trường” khắc nghiệt; cộng với tài nguyên con người và thiên nhiên đã bị khai thác đạt tận đáy - như lời dí dỏm và chua xót mà TS. Đặng Kim Sơn nói: “Nông dân đang kiệt sức” trong một diễn đàn gần đây.

Phải chăng mô hình HTX là không cần thiết trong thời kỳ nông nghiệp hiện đại-hội nhập? Câu trả lời hãy xem xét từ lý luận đến thực tiễn của trong nước và thế giới.

Trong nước, xin mượn lời khẳng định của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rằng: “Muốn kinh tế hộ tiến lên sản xuất hàng hóa, sẽ không thể không có HTX. Kinh tế càng phát triển, HTX sẽ càng phát triển” (đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 18/10/2013).

Trên thực tế, dù chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước “thúc đẩy” HTX nhưng, theo như kết luận của ông Nguyễn Công Tạn: HTX lâu nay (sau những năm 1990) “xét về luật lẫn bản chất thì không còn là HTX nữa”. Ông Tạn giải thích thêm:

Bởi mặc dù vẫn mang tên là HTX dịch vụ nông nghiệp, nhưng thực chất họ không có xã viên đích thực, không có vốn góp. Có ông muốn làm chủ nhiệm HTX bao nhiêu năm cũng được, có nơi chủ nhiệm HTX còn do ủy ban, đảng ủy xã cử làm…”.

Để kết lại, xin mượn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX” ngày 20/9/2013) thay vì nghi ngờ sự tồn tại của HTX, ông đặt câu hỏi về tại sao chúng ta để HTX suy yếu. Ông nói: “…Phải chăng do các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở khu vực kinh tế này chưa đủ mức? Hay còn điều gì làm còn chưa đúng quy luật, chưa đúng tư tưởng Hồ Chí Minh?”.

Nhìn ra thế giới: HTX là trung tâm

Về lịch sử, HTX đã có từ 1761 với vai trò là tổ chức xã hội, hoạt động như một doanh nghiệp, vì các hộsản xuất nông nghiệp. Về tổ chức, HTX tồn tại mọi cấp, từ hộ, xã, huyện, tỉnh, quốc gia, khu vực, thế giới như “liên minh hợp tác xã quốc tế”-ICA (International Co-operative Alliance).

Các nước có nền kinh tế phát triển thì hợp tác xã không giảm đi mà hiện phát triển rất mạnh.

Ở Hà Lan, HTX nông nghiệp có lịch sử hơn 100 năm luôn phát triển và có vị trí quan trọng đối với lĩnh vực cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho xã hội. Ví dụ, sản phẩm bột khoai tây khu vực kinh tế HTX đã cung cấp 100% số lượng sản phẩm trên thị trường; sản phẩm bơ là 94%, pho mát 92%, thức ăn gia súc 90%, sữa 87% ...

Về tổ chức sản xuất đến thị trường, HTX ở Hà Lan luôn chủ động tự mình giải quyết mọi khó khăn, chủ động về vốn và các dịch vụ kỹ thuật.

Về quản lý, HTX ở Hà Lan quản lý theo nguyên tắc “phiếu bầu” - đóng góp nhiều cho HTX (ví dụ về bán hàng) thì được quyền bầu cử, tạo tính công bằng và cạnh tranh.

Ở Nhật Bản, đại đa số nông trại đều tham gia HTX. Phong trào hợp tác hoá đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương theo hệ thống “hình cây”. Trong đó có những ưu việt như: Nhà nước có thể thông qua HTX để thực hiện các chương trình hỗ trợ; hộ nông dân gửi sản phẩm cho HTX bán và được thanh toán lại qua tài khoản…

Ở các nước châu Âu như Đức, Phần Lan, Pháp…, hệ thống HTX xuất hiện và phát triển hàng trăm năm. Về mặt quản lý các HTX này là hội đồng do các hộ trang trại bầu một cách tự nguyện từ các hộ có quy mô sản xuất lớn, nên tính trách nhiệm cao và đòi hỏi chi phí nuôi bộ máy không cao.

Riêng ở Đức, cách quản lý HTX linh hoạt nên dù hơn 90% trang trại nhỏ dưới 50ha (giống Việt Nam) nhưng thị phần đóng góp vẫn rất cao, đưa nước Đức đứng thứ 3 thế giới (sau Hà Lan và Mỹ) về phát triển nông nghiệp.

Ở Mỹ, hệ thống các HTX nông nghiệp đã hình thành trên 100 năm và trở nên cần thiết đối với các chủ trang trại. Trong suốt chiều dài lịch sử của HTX, tính tự nguyện và có hiệu quả của các nông trại có vai trò rất lớn đối với nền nông nghiệp nước Mỹ.

Ở một số nước trong khối ASEAN như Indonesia, Thái Lan…, HTX cũng xuất hiện khá sớm và ngày càng phát triển. Ví dụ, ở Ấn Độ, hiện nay, người dân coi HTX là nơi để tiếp cận mọi dịch vụ từ kỹ thuật cho đến đầu tư-tín dụng.

Như vậy, HTX ở các nước trên thế giới rất đa dạng, song tựu trung lại là tính tự nguyện, có lịch sử phát triển và chiếm vị trí quyết định trong sản xuất và lưu thương sản phẩm nông nghiệp.

Quay lại ta và kết

Về mặt lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh (người đưa HTX vào Việt Nam trên cơ sở vận dụng tổng hợp HTX trên thế giới) về HTX rất đơn giản nhưng phản ánh toàn diện bản chất, với các cụm từ: "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó", "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao".

Về mặt chủ trương, Đảng ta có sự quan tâm toàn diện và sâu sắc bằng các Nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số13-NQ/TW (về kinh tế tập thể, 2002), Kết luận số 56-KL/TW gần đây (về đẩy mạnh kinh tế tập thể). Tuy nhiên, điều đang thiếu lâu nay là Chính phủ chưa có giải pháp hiệu quả nhất, tìm đúng nút thắt thật sự để tháo gỡ.

Thực tiễn sản xuất trong những năm gần đây cũng rất phong phú, ta có thể tổng kết và rút ra những bài học mang tính đột phá cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp-Nông thôn.

Điển hình như trưởng hợp xã Thanh Văn, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, là xã đầu tiên và duy nhất trong cả nước trả lương hưu cho nông dân nhờ mô hình tự nguyện liên kết của nông dân.

Còn ở Đà Nẵng gần đây, HTX đã hồi sinh nhờ sự năng nổ của các cơ quan chuyên ngành trên cơ sở nhận ra vị trí, vai trò to lớn của HTX đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung (Báo NNVN ngày 18/11/2013).

Hay ví dụ về mô hình của Công ty liên doanh sữa-FiresLandCampina, đưa HTX bò sữa kiểu Hà Lan áp dụng vào Việt Nam, nay đã nhóm lại được 21.000 hộ tại tỉnh Bình Dương, trên tinh thần tự nguyện-liên kết.

Vậy, gỡ nút thắt của mọi nút thắt ở đây là Chính phủ tập trung giúp HTX củng cố và phát triển. Với sự xuất phát điểm này sẽ giải quyết được mọi “nút thăt” mà nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý đã mong muốn và kiến nghị.

Những gợi ý gì với nút thắt mới

Về nguyên tắc, HTX trong tương lai cần đảm bảo được các yếu tố:

Không áp đặt: Nghĩa là, HTX cũng như loại hình tổ chức kinh tế khác, nhưng là của nông dân, do nông dân tự thấy cần phải thành lập để phục vụ cho chính họ. Điều này nhằm khắc phục thực tế HTX ở ta lâu nay do chính quyền thành lập.

- Tính cạnh tranh: Nghĩa là, về mặt tập thể, HTX phải hoạt động như một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, tự hoạch toán, tự chịu trách nhiệm. Về mặt cá nhân, các hộ thành viên không phân biệt quy mô, nhưng đóng góp cho HTX cần công bằng-đóng góp nhiều thì tỷ trọng “phiếu bầu” cao.

- Có tính ràng buộc: Nghĩa là, HTX phải có dịch vụ, thành viên HTX phải sử dụng dịch vụ đó. HTX cung cấp dịch vụ lấy phí, có thể có lãi, nhưng không phải vì lợi nhuận.

Tính chuyên môn hóa trong sự thống nhất: Nghĩa là, trong hệ thống HTX cần tổ chức cả tổ chức dọc (liên minh) và tổ chức ngang (ngành hàng).

Để hình thành và phát triển HTX đúng nghĩa trong thời gian tới, cần:

-  Chính phủ xem xét, sắp xếp lại hệ thống HTX hiện hành theo hướng tinh giản và đi đến hủy bỏ. Điều này cần có lộ trình cụ thể.

-  Song song với quá trình “hủy bỏ” HTX kiểu cũ, là quá trình hình thành HTX kiểu mới. Trước hết, phải làm thí điểm một số mô hình rải khắp cả nước, trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ thành lập. Nhân sự ban quản trị HTX kiểu mới phải do dân bầu từ những hộ thành viên có tỷ trọng sản xuất lớn-nhằm đảm bảo tính trách nhiệm trong điều hành HTX.

-  Trong khoảng 1-2 năm, mô hình HTX đúng nghĩa sẽ phát huy hiệu quả, khi đó Nhà nước sẽ xúc tiến đến bước nhân rộng ra cả nước.

-------------

1 "Khoán 10" hay "Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988", tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới. Nghị quyết 10 hoàn toàn dựa trên những kinh nghiệm đúc kết của nhiều tỉnh thành Việt Nam đã âm thầm áp dụng khoán hộ của Kim Ngọ.