Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nên bắt đầu từ đâu?

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Phải tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách đưa khoa học công nghệ áp dụng cho sản xuất nhằm tăng thu nhập cho nông dân là việc làm bức thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp thì lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên để vừa tránh lãng phí, vừa tạo đòn bẩy cho nông nghiệp… Vấn đề này được các chuyên gia đóng góp ý kiến tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về khoa học, công nghệ và an ninh lương thực do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổ chức vào cuối tuần qua.

Tái cơ cấu cần chú trọng chất lượng - yếu tố sống còn của ngành nông nghiệp. Nguồn: daidoanket.vn
Tái cơ cấu cần chú trọng chất lượng - yếu tố sống còn của ngành nông nghiệp. Nguồn: daidoanket.vn
Nếu chần chừ, tái cơ cấu chỉ là hô khẩu hiệu

Không nói về thực trạng của ngành nông nghiệp, tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp gỡ khó cho ngành nông nghiệp. ThS. Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội cho rằng: Công nghệ sinh học quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm. Dẫn ra ví dụ về đất nước Thái Lan cách đây 40 năm, trong lĩnh vực nông nghiệp Thái Lan thua xa Việt Nam.

Vậy mà hiện tại Việt Nam lại nhập khẩu giống cây trồng từ Thái Lan. Mấu chốt ở chỗ, nước bạn ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Vì vậy, "việc làm cần thiết lúc này là áp dụng công nghệ biến đổi gien cho cây trồng như ngô, bông…chứ không chấp nhận chuyện một đất nước nông nghiệp mà sản lượng ngô chỉ dừng lại ở con số trên 4 tấn, trong khi phải nhập khẩu ngô của nước bạn”. 

Làm chính sách phải đi từ dưới lên, hãy hỏi nông dân cần gì, cái gì là tốt nhất với họ trước khi quyết định "tái cơ cấu” từ đâu, ông Hoàng Mạnh Hùng, Hội Hóa học Hà Nội kiến nghị. Ông Hùng dẫn ra ví dụ, nhiều chính sách hay nhưng áp dụng vào thực tiễn lại không phù hợp. Chẳng hạn, chính sách tạm trữ lúa gạo sao không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà lại thông qua doanh nghiệp? Muốn chính sách sống cùng thực tiễn cần chứa đựng đầy đủ cơ sở lý luận thực tiễn cũng như ý kiến của người dân.

GS. Đỗ Năng Vịnh - Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, nút thắt của tất cả các ngành chứ không riêng gì lĩnh vực nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đi đâu cũng thấy kêu thiếu đội ngũ tinh hoa dù đất nước ta không thiếu người tài. Minh chứng rằng Việt Nam không thiếu người tài, theo ông Vịnh "thành tích vượt trội của Việt Nam trong các kỳ thi Olympic thế giới hay việc nhiều nhà khoa học xuất sắc có quốc tịch Việt Nam đã minh chứng nhân tài rất nhiều.

 Thế nhưng, sau những lễ tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp loại giỏi, sau lễ đón rước học sinh đoạt giải quốc tế một cách rình rang thì không hiểu nguồn chất xám này đã đi về đâu”? Theo GS. Vịnh, những nước muốn phát triển đều bắt đầu từ chính sách thu hút người tài, tập đoàn Sam Sung tiếng là của Hàn Quốc nhưng có mấy người Hàn làm việc? Vấn đề là nước họ có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với người tài.

Đồng tình với quan điểm phải chú trọng tới nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - GS. Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện sinh học nông nghiệp đề nghị, đào tạo nhân lực phải chuyển từ số lượng sang chất lượng. Muốn có nhà khoa học giỏi thì ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường những sinh viên có thành tích nổi bật đã phải được đào tạo bài bản để sau khi tốt nghiệp các em có đất để thể hiện ý tưởng của mình.

Nông dân phải được hưởng lợi trong chuỗi giá trị sản phẩm

Không chỉ đưa ra giải pháp tăng chất lượng sản phẩm ngành nông nghiệp nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu mục đích cuối cùng cũng là để tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, không thể lơ là khâu đầu tư khoa học công nghệ cho thu hoạch và sau thu hoạch. Ông Hoàng Mạnh Hùng cho biết, sở dĩ nông dân vất vả cả năm nhưng rút cuộc vẫn mãi thủy chung với cái nghèo vì sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu xuất thô. Nếu là sản phẩm qua chế biến thì người hưởng lợi cuối cùng không phải là những người trực tiếp làm ra sản phẩm. Vì vậy, cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm để người dân có thể hưởng lợi cao nhất đối với sản phẩm mà họ khó nhọc làm ra.

Đồng tình với quan điểm phải có quy hoạch trước khi bàn đến câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì,  TS. Phạm Đăng Quảng - Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cũng nhắc đến chuyện phải chờ… Luật Đất đai sửa đổi. 

Ông Quảng kiến nghị, việc sửa đổi Luật Đất đai cần gắn với quản lý quy hoạch. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn được giao làm quy hoạch nhưng hiệu lực thấp, bởi nông dân vẫn tự ý chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không theo quy hoạch mà không cần xin ý kiến ai. Vấn đề quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp cần cụ thể hóa trách nhiệm thuộc về ai, có như vậy mới tránh được chuyện nông dân ồ ạt trồng cây này, chặt cây kia khiến hiệu quả thấp. Ông Quảng cũng kiến nghị tăng thời gian sử dụng đất từ 50 năm hoặc lâu dài hơn để nông dân an tâm sản xuất.