Tái cơ cấu vẫn ngập ngừng

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) TS. Nguyễn Đình Cung – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn phóng viên. Theo ông, đổi mới nhận thức, tư duy vẫn là điều kiện không thể thiếu không chỉ đối với giới lãnh đạo mà cả giới chuyên gia hoạch định và tư vấn chính sách.

Phóng viên: Thưa ông, đã sau một năm thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, nhưng ai cũng nói là “rất chậm”. Vậy sự thực là thế nào?

Tái cơ cấu vẫn ngập ngừng - Ảnh 1
TS. Nguyễn Đình Cung
TS. Nguyễn Đình Cung: Vấn đề ở đây phải xác định rõ, chậm so với tiêu chí nào.

Việc tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được xác định từ nhiều năm trước là tăng trưởng nhờ đầu tư khai thác tài nguyên nay cần tái cơ cấu để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất và năng lực cạnh tranh. Sau hơn một năm nhìn lại và so sánh với tiêu chí này, có thể thấy vẫn chưa nhìn thấy sự thay đổi phương thức tăng trưởng.

Ít nhất, tái cơ cấu phải đưa nền kinh tế qua được bước ngoặt để đi lên mà đằng sau nó là sự thay đổi thể chế, tái cơ cấu đầu tư công và quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chứ không phải phục hồi tăng trưởng bằng tăng đầu tư công, tăng phát hành trái phiếu vì như vậy vẫn là tăng trưởng nhờ vốn đầu tư. Nhưng đến nay chưa thấy được bước ngoặt này, chưa thấy làm được gì như kỳ vọng.

Để tái cơ cấu thực sự, thì phải thay đổi thể chế quản lý Nhà nước, thay đổi tư duy xây dựng chính sách và điều hành luật pháp… Cách làm hiện nay chưa phải là thay đổi về chất. Nhìn những việc cần làm đó và nhìn vào kỳ vọng, nhìn chung ai cũng thấy chậm và sốt ruột.

Vậy, vì sao quyết tâm cao, nhưng thực hiện thì chậm, thưa ông?

So với kỳ vọng, yêu cầu quan trọng hơn vào lúc này là cần có những hành động có tính thay đổi được bản chất thì tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đang được thực hiện khá chậm.

Tái cơ cấu kinh tế được hiểu là phân bố lại nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường, qua đó, nguồn lực xã hội sẽ được phân bố lại hợp lý hơn, được sử dụng có hiệu quả hơn. Sự thay đổi về phân bố nguồn lực nói trên sẽ từng bước làm thay đổi cách thức tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và dần nâng cấp trình độ phát triển của nền kinh tế. Nếu không thực sự hành động để có sự thay đổi này, dù có quyết tâm cũng không thể đẩy nhanh tiến độ theo đúng mong muốn.

Tôi muốn nhắc tới yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN. Theo tôi, cần phải xác định, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tái cơ cấu DNNN là để thay đổi lại động lực, phân bố lại nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn nền kinh tế chứ không chỉ là chuyển nguồn lực Nhà nước từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác như cách sắp xếp lâu nay đã làm.

Chính vì vậy, mục tiêu của thoái không thể chỉ là cắt lỗ, bán, thoái vốn những khoản đầu tư lỗ mà phải là tối ưu hóa hiệu quả sử dụng của phần vốn đó. Nếu có cả những khoản đầu tư dù có lãi nhưng vẫn phải bán để đạt mục tiêu này.

Nói cách khác, bản chất của tái cơ cấu kinh tế là thay đổi hệ thống đòn bẩy khuyến khích, loại bỏ và thay thế các động lực khuyến khích lệch lạc dẫn đến những sai lệch trong phân bố và sử dụng nguồn lực quốc gia, bằng hệ thống động lực hợp lý, phù hợp với chuẩn mực kinh tế thị trường

Cũng cần phải nhắc lại, thoái vốn là việc đã được đồng thuận cao, được xác định sẽ có tác động rất lớn, đặc biệt là tạo được niềm tin về quyết tâm thay đổi mà làm còn vướng. Vấn đề là phải làm thực sự.

Tình trạng đó đòi hỏi giải pháp gì, thưa ông?

Trước hết, phải sửa các quy định không hợp lý, như những quy định đang làm khó việc thoái vốn.

Tiếp đó, phải đổi mới tư duy, có tuyên bố rõ ràng từ cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về tái cơ cấu, cải cách thể chế thực sự. Bởi lẽ, cải cách thể chế không đơn thuần là sửa đổi luật hiện hành, ban hành thêm luật mới… mà vấn đề là tư duy xây dựng hệ thống luật pháp đó phải dựa trên những yêu cầu của cải cách thể chế. Có như vậy mới tạo được bước đột phá thể chế thực chất.

Thêm nữa là thay đổi về tư duy định hướng chính sách. Từ năm 2007 đến nay, chúng ta vẫn cứ loay hoay với chính sách ngắn hạn kiểu đặt kế hoạch tăng tín dụng bao nhiêu, tăng đầu tư bao nhiêu để có được mức tăng trưởng hợp lý… Đó là kiểu tư duy trọng cầu rất rõ. Chính vì vậy nên vĩ mô bất ổn, tăng trưởng sụt giảm. Đã đến lúc chuyển hướng chính sách vào trọng cung, nghĩa là tiếp tục cải cách thể chế, cải cách hành chính, tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thông thoáng.

Quay trở lại những việc đang cần làm ngay để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, cần xác định những trọng tâm phải làm và cách làm. Ví dụ, với cải cách DNNN, không thể vì thị trường chứng khoán đình trệ mà chờ đợi. Trong lúc cổ phần hóa đang chậm như hiện nay, vẫn có thể thực hiện yêu cầu áp đặt nguyên tắc thị trường với hoạt động của DNNN, áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại đối với DNNN.

Đây mới là cải cách mang tính cốt lõi bởi nếu cổ phần hóa đẩy mạnh, song không có thay đổi bản chất quản trị và hoạt động của DNNN, việc sử dụng nguồn lực trong khu vực này sẽ không đạt được mục tiêu là phân bố và sử dụng hợp lý.

Trong các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thì thể chế là quan trọng nhất. Bởi vì, thể chế phù hợp không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế mà cả phát triển hạ tầng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và ổn định kinh tế vĩ mô vững. Nhưng thể chế đang là điểm yếu nhất của hệ thống kinh tế chúng ta hiện nay và chất lượng thể chế của nước ta trong mấy năm gần đây không những không được cải thiện, mà trái lại đang có phần xấu đi.

Tôi có niềm tin rằng nếu được thực hiện, các giải pháp này sẽ có tác động lớn trong việc cải thiện hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đây. Tuy nhiên, đổi mới nhận thức, tư duy vẫn là điều kiện không thể thiếu không chỉ đối với giới lãnh đạo mà cả giới chuyên gia hoạch định và tư vấn chính sách. Tôi cho rằng sự thay đổi cần thiết, đầu tiên là phải nhanh chóng chuyển trọng tâm chính sách phục hồi kinh tế từ chú trọng quản lý tổng cầu sang các giải pháp cải cách phía cung của nền kinh tế.