Tái huy động vàng, tăng huy động ngoại tệ là cần thiết

Theo Vân Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Yêu cầu của Chính phủ về huy động nguồn lực vàng trong dân đã được đặt ra, nhưng giải pháp hiệu quả nhất là thế nào vẫn là bài toán khó cho năm 2017.

Người dân có thói quen tích trữ vàng nên nhu cầu về vàng luôn có và ở mức cao, dù không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng. Nguồn: internet.
Người dân có thói quen tích trữ vàng nên nhu cầu về vàng luôn có và ở mức cao, dù không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng. Nguồn: internet.

Một lượng vàng ước lên đến 500 tấn, một lượng ngoại tệ giá trị nhiều tỷ USD của người dân hiện đang nằm “bất động” là sự lãng phí rất lớn. Trong bối cảnh mới của thị trường vàng và ngoại tệ, cần huy động nguồn lực này sử dụng vào sản xuất - kinh doanh. 

Cần khai thác nguồn vốn vàng lớn

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), khi thị trường vàng đã dần ổn định sau một thời gian dài siết chặt bởi Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2002 về quản lý thị trường vàng thì cần tái huy động vàng trong dân để tránh lãnh phí nguồn lực lớn.

Tuy nhiên, lần này không phải để các ngân hàng thương mại kinh doanh, mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về ngân hàng trung ương. Dĩ nhiên, sẽ phải xây dựng quy chế chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền lợi của NHNN.

Thực tế, kiến nghị huy động vàng đang nằm trong dân vào sản xuất - kinh doanh đã được VGTA gửi tới Chính phủ và NHNN từ giữa năm 2016. Sau đó, có những tranh luận khá gay gắt về việc nên hay không huy động nguồn lực này. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có quan điểm không ủng hộ khi cho rằng, nếu huy động vàng trong dân, cơ quan quản lý sẽ đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cũng như chủ trương chống đô la hóa, vàng hóa.

Hiện VGTA vẫn giữ quan điểm cần huy động nguồn, khai thác nguồn lực vàng trong dân để tránh lãng phí nguồn vốn lớn đang nằm “bất động”. Huy động vàng để phục vụ nền kinh tế, tất nhiên phải có giải pháp khả thi, sử dụng vốn một cách hiệu quả, tránh lặp lại tình trạng như trước đây. Trước đây, các ngân hàng thương mại huy động vàng, sau đó cho vay lại, hoặc chuyển đổi sang tiền đồng, khi giá vàng tăng cao dẫn tới ngân hàng mất thanh khoản.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong lĩnh vực vàng nhận xét, chính sách quản lý thị trường vàng của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số thành công. Thị trường vàng đi vào ổn định, các ngân hàng không còn được cho vay và huy động vàng. Nhưng với nguồn vàng lớn trong dân mà chúng ta không thể huy động để phục vụ cho nền kinh tế sẽ lãng phí.

Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng nên nhu cầu về vàng luôn có và ở mức cao, kể cả khi không còn được gửi tiết kiệm bằng vàng. Ước tính, một lượng vàng lên đến 500 tấn đang được cất giữ trong dân và sẽ tiếp tục tăng.

Theo vị chuyên gia trên, thời gian qua, NHNN cũng đã cân nhắc về việc cho các ngân hàng tái huy động vốn bằng vàng, song đến nay chưa có quyết định. Hiện tại, sau khi đã ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại cũng như thị trường vàng. NHNN cần nghiên cứu tái huy động vàng trong dân, chẳng hạn phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN.

Số vàng huy động được trong dân sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ, với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nêu quan điểm, việc xem xét tái huy động nguồn lực vàng trong dân là cần thiết. Tuy nhiên, để huy động vàng cũng có những cái khó. Bởi lẽ, chi phí huy động vàng có thể ở mức cao thì mới thu hút người dân và nguồn vàng huy động về sử dụng như thế nào cần phải được nghiên cứu kỹ.

… và tăng huy động ngoại tệ

Với nguồn lực ngoại tệ, từ cuối năm 2015 đến nay, NHNN đã kéo trần lãi suất huy động USD xuống mức thấp nhất là 0%/năm. Theo các chuyên gia tài chính, dù mức lãi suất không còn hấp dẫn người gửi, nhưng các ngân hàng vẫn huy động được một nguồn ngoại tệ không nhỏ, chiếm khoảng 10% trong cơ cấu tiền gửi của hệ thống ngân hàng, chứng tỏ nhu cầu tích trữ, găm giữ ngoại tệ trong dân vẫn còn lớn.

Hiện nay, các điều kiện của thị trường ngoại tệ đang dần thay đổi, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất và cho biết sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2017. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là chính sách trần lãi suất USD có nên thay đổi, hay vẫn duy trì mức 0%/năm?

Thực tế, huy động tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 11/2016 đạt 1.739.170 tỷ đồng, giảm 0,36% so tháng trước (chỉ số này của tháng trước tăng 2,27%). Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 12,03%, giảm 9,15% so tháng cùng kỳ, còn vốn huy động VND chiếm 87,97%, tăng 21,55% so tháng cùng kỳ.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngoại tệ có dấu hiệu tăng, theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 28/11/2016, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 14,57%. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%. Điều này cho thấy, cung - cầu về ngoại tệ huy động và cho vay đang có phần chệch hướng so với định hướng quản lý.

Ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, ngoài áp lực tăng lãi suất của Fed, NHNN đã mở lại tín dụng ngoại tệ nên cần có nguồn để cho vay. Theo đó, nên xem xét tăng lãi suất huy động USD của khách hàng cá nhân để huy động dòng ngoại tệ, nhằm tăng thêm nguồn vốn bằng ngoại tệ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, đặc biệt là phục vụ xuất nhập khẩu.

Những ngày qua, giá USD có tăng nhưng nhu cầu ngoại tệ vẫn bình thường và NHNN chưa phải sử dụng đến dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nguồn cung ngoại tệ và tỷ giá trong thời gian tới có thể chịu nhiều áp lực. Tỷ giá phụ thuộc lớn vào việc USD tăng giá tiếp hay không, biến động giữa USD và các ngoại tệ mạnh khác và nội tại của nền kinh tế Việt Nam như xuất siêu hay nhập siêu, kiều hối nhiều hay ít.

Sau khi lên mức cao nhất trong vòng 14 năm sau cuộc họp tăng lãi suất của Fed giữa tháng 12/2016, USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá trong trung và dài hạn. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát tại Mỹ, khiến Fed có thể tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai, đây sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh cho đồng bạc xanh. Chính điều này đã phần nào tác động làm kiều hối chuyển về Việt Nam có chiều hướng chững lại trong những tháng cuối năm, vốn dĩ luôn tăng.

Hiện nhiều người chưa muốn “buông” USD, dù chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi VND và USD ở mức cao. Lãi suất tiết kiệm VND đang phổ biến trong khoảng 6-7%/năm, tùy từng kỳ hạn, còn gửi ngoại tệ không được hưởng lãi suất. Trong khi đó, NHNN quyết tâm tiếp tục kiểm soát, ổn định tỷ giá trong năm 2017. Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất huy động USD thì nhiều khả năng sẽ thu hút được một lượng ngoại tệ lớn trong dân.

Chính phủ vừa có Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Ngoài các giải pháp về thị trường, chính sách, thể chế thì giải pháp về chính sách tiền tệ được Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết này.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Bên cạnh đó, nghiên cứu có lộ trình giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất - kinh doanh nguồn lực vàng và ngoại tệ, định hướng về huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân.