Tăng cung nhà ở xã hội - từ kinh nghiệm quốc tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội thảo về nhà ở xã hội tại Việt Nam - bài học từ kinh nghiệm quốc tế với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Dù đã có rất nhiều kinh nghiệm được đưa ra từ những cách làm của nhiều quốc gia cũng như của các tổ chức và doanh nghiệp trong nước, nhưng theo các chuyên gia, tăng cung cho phân khúc nhà ở xã hội vẫn không dễ.

Nhà ở vẫn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi phát triển của một quốc gia. Nguồn: internet
Nhà ở vẫn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi phát triển của một quốc gia. Nguồn: internet
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại Việt Nam hiện xấp xỉ 282.000 căn, từ nay đến năm 2020 nhu cầu này sẽ tăng thêm khoảng 150.000 căn. Do đó sẽ phải có nhiều phương thức để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là huy động nhiều nguồn lực tham gia chương trình này. Trong đó, đặc biệt cần đến sự tham gia của cộng đồng và chính quyền các địa phương.

Bà Lê Diệu Ánh, điều phối viên chương trình Mục tiêu phát triển cộng đồng quốc gia, Hiệp hội đô thị Việt Nam, cho biết, Hiệp hội đô thị đã triển khai huy động nguồn lực của cộng đồng, cho vay theo lãi suất của Ngân hàng chính sách xây dựng được một số căn nhà ở xã hội với giá rất thấp, 45 triệu đồng cho 1 căn nhà 36m2 tại Tân An, Bình Dương và 127 triệu đồng 1 căn 47m2 tại TP. Vinh, Nghệ An.

Tuy nhiên, theo bà Lê Diệu Ánh, điều quan trọng là có cơ chế cho việc làm này. Theo đó, cơ chế quan trọng nhất là cơ chế về đất đai, việc phân quyền sử dụng đất cho cá nhân thì quyền đó được giao cho cộng đồng, dân được sở hữu và chuyển nhượng căn nhà nhưng sẽ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, như vậy dân sẽ có tiền để đầu tư xây nhà. Thứ hai là cơ chế về quy hoạch, phải bảo đảm cho các khu nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch của đô thị.

Đây có thể coi là một cách làm hay, phù hợp với các đô thị nhỏ hoặc khu vực nông thôn. Còn đối với các đô thị lớn, những khu công nghiệp tập trung đông công nhân, quy mô các dự án nhà ở xã hội cần lớn hơn, điều cốt lõi hiện nay đối với các chương trình nhà ở xã hội vẫn là tìm giải pháp để tăng nguồn cung. Muốn làm được điều đó thì cần có vốn và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trước những băn khoăn của các chuyên gia bất động sản trong nước về khả năng hoàn vốn cũng như tính minh bạch của phân khúc nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà cho biết: khi doanh nghiệp tham gia bất kỳ dự án bất động sản nào cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin về dự án để nộp thuế, đồng thời mức lợi nhuận đối với các dự án nhà ở xã hội cũng không được vượt quá 10%. Mặt bằng giá cả sẽ tùy thuộc vào vị trí của bất động sản, những dự án nhà ở xã hội ở khu vực trung tâm thì sẽ có giá cao, còn dự án xa trung tâm sẽ có giá thấp.

Theo phân tích của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, nhà ở vẫn là mắt xích yếu nhất trong chuỗi phát triển của một quốc gia. Điều này diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Và mỗi quốc gia có những giải pháp khác nhau để tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, quy mô và cách hiểu về nhà ở xã hội của Việt Nam có phần rộng hơn cách hiểu chung của thế giới.

Nếu như trên thế giới mô hình nhà ở xã hội được dành cho những đối tượng khó khăn nhất, và mang tính chất cho không hoặc hỗ trợ tối đa, thì ở Việt Nam có tới 8 đối tượng thuộc diện được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Vì vậy, nhu cầu nhà ở xã hội tại Việt Nam khá lớn và phương thức để phát triển loại hình nhà ở này của Việt Nam cũng có những điểm khác biệt.

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của phân khúc nhà ở xã hội, làm động lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiên cứu sửa đổi Luật nhà ở với nhiều điểm mới, như có thêm Chương IV về hỗ trợ cải thiện nhà ở và nhà ở xã hội… Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất với Chính phủ ban hành nhiều giải pháp nhằm giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp và người nghèo tại khu vực đô thị. Về lĩnh vực tài chính nhà ở, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội đang là nhu cầu cấp thiết đối với thị trường bất động sản Việt Nam, vì đây là phân khúc có nhu cầu cao nhưng lượng cung còn thấp. Do đó, bên cạnh các chính sách vĩ mô, điều quan trọng vẫn là sự liên kết của các doanh nghiệp để tận dụng những điều kiện ưu đãi sẵn có, hạ giá thành nhà ở xã hội, đồng thời tăng nguồn cung đối với thị trường.