Tăng cường kiểm toán để nâng cao hiệu quả chi tiêu công

Theo Thùy Anh/baokiemtoannhanuoc.vn

Để nâng cao hiệu quả chi tiêu công, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách và kiểm toán độc lập đối với các dự án đầu tư công trọng điểm.

Cần chú trọng công tác kiểm toán nhằm góp phần tăng cường hiệu quả chi tiêu công. Nguồn: T. Tùng
Cần chú trọng công tác kiểm toán nhằm góp phần tăng cường hiệu quả chi tiêu công. Nguồn: T. Tùng
Đó là một trong những khuyến nghị mà các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 03/10.
Thu ngân sách tăng chậm nhưng chi tiêu cao

Với tổng cộng 15 chương, Báo cáo đã phân tích, đánh giá toàn diện và đưa ra nhiều nhận định về chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Cụ thể, tuy tốc độ tăng thu (sau khi loại trừ yếu tố tăng giá) vẫn tích cực nhưng đã chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tỷ lệ thu ngân sách/GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006-2010 xuống ước còn 23,4% trong giai đoạn 2010-2015. 

Trong khi đó, chi tiêu của Chính phủ so với GDP vẫn duy trì ở mức cao. Minh chứng là tổng chi NSNN (bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu) bình quân chiếm 29,2% GDP giai đoạn 2010-2015, tăng thêm 1,7% so với giai đoạn trước. Cơ cấu chi NSNN thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương, phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay. Mặc dù chi đầu tư giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011-2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006-2010. 

Từ đó, Báo cáo tiếp tục nhận định: Việt Nam là quốc gia phân cấp mạnh về ngân sách và xu hướng này ngày càng tăng. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao hiệu suất chi tiêu thông qua việc tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công và giảm các chi phí đầu vào khác trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp và giao thông.

Chú trọng công tác giám sát, kiểm toán

Dựa vào những phân tích, nhận định trên, Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị. Theo đó, trước hết, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một lộ trình đảm bảo sự bền vững tài khóa nhưng không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép là 65% GDP.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường động lực tăng trưởng bền vững thông qua việc cơ cấu lại ngân sách cho phù hợp; tiếp tục nâng cao công bằng trong phân phối nguồn lực giữa các địa phương và chú trọng hơn đến việc nuôi dưỡng nguồn thu. 

Một trong những khuyến nghị quan trọng mà các chuyên gia của WB đưa ra là Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế quản lý tài chính công, trong đó có việc tăng cường giám sát và kiểm toán của KTNN và kiểm toán độc lập. Công tác kiểm toán cần được chú trọng theo hướng tăng độ phủ và chất lượng kiểm toán hằng năm, tăng cường phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán hoạt động.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả chi tiêu công, Việt Nam phải tăng cường tính minh bạch và công khai gắn với trách nhiệm giải trình trong quản lý và sử dụng NSNN. Chính phủ cần khẩn trương ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật Kế toán và Kiểm toán với hai nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, ban hành chế độ kế toán và chế độ Báo cáo tài chính đối với các đơn vị sử dụng ngân sách; xây dựng và tổ chức thành công Đề án xây dựng Báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.

Cùng với đó, Nghị định về hoạt động kiểm toán nội bộ trong các đơn vị sử dụng ngân sách nên sớm được ban hành bởi đây là một công cụ đặc biệt quan trọng để thúc đẩy hiệu quả, hiệu lực của việc chi tiêu công. Đồng thời, công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là công tác kiểm toán của KTNN đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách và kiểm toán độc lập đối với các dự án đầu tư công trọng điểm cần được chú trọng hơn nữa.
Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính): Thời gian qua, cơ cấu chi của Việt Nam có sự dịch chuyển đáng kể theo hướng chi thường xuyên tăng khá cao và chi đầu tư giảm tương đối lớn. Thế nhưng chi đầu tư công vẫn ở mức cao so với các nước, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn dành khoảng 24-25% tổng chi NSNN, tương đương khoảng 9-10% GDP hằng năm. Tuy nhiên, việc cơ cấu khoảng 70% chi đầu tư công do địa phương thực hiện, chỉ còn có 30% do T.Ư thực hiện đã dẫn đến tình trạng T.Ư bị thiếu hụt nguồn lực nói chung và nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia nói riêng.

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn NSNN, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình thực hiện Luật Đầu tư công để khắc phục những bất cập hiện hữu.