Tăng cường kiểm tra báo cáo quyết toán đối với doanh nghiệp gia công hàng hóa xuất nhập khẩu

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh - Học viện Tài chính

Kể từ khi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 có hiệu lực đến nay, những thay đổi trong quản lý nhà nước về hải quan đã tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp gia công hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán của những doanh nghiệp gia công hàng hóa xuất khẩu cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vấn đề báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp gia công hàng hóa xuất khẩu

Luật Hải quan được ban hành ngày 23/6/2014 với những thay đổi trong quản lý nhà nước về hải quan đã tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp (DN) gia công hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo quy định tại Luật Hải quan và Điều 41 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ (Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan), Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25/3/2015 (Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu), các DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài sau 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính DN phải lập báo cáo quyết toán (BCQT) tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu gồm các nội dung sau:

- Mẫu biểu báo cáo: Mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính;

- Nguyên tắc lập: Nguyên tắc tổng giá trị nhập – xuất – tồn;

- Chỉ tiêu trên BCQT: Chỉ tiêu giá trị VND hoặc sử dụng đồng ngoại tệ như USD, EURO… theo đúng phản ánh tại hệ thống sổ sách kế toán của DN;

- Trường hợp Hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức, cá nhân theo dõi chi tiết lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được sử dụng kết quả kết xuất từ Hệ thống của tổ chức, cá nhân để lập BCQT đối với phần hàng hóa không quản lý theo trị giá này.

Những DN đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài thực hiện lập BCQT theo hướng dẫn tại Công văn 18195/BTC-TCHQ (hướng dẫn xử lý vướng mắc Thông tư 38/2015/TT-BTC) do Bộ Tài chính ban hành ngày 08/12/2015, khi đó DN nộp BCQT các phát sinh trong năm theo tiêu chí:

- Lượng nguyên liệu, vật tư xuất khẩu (thống kê theo loại nguyên liệu, vật tư và kèm theo số tờ khai xuất khẩu);

- Lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất khẩu nhưng phải thanh lý ở nước ngoài (bao gồm: tiêu hủy, bán);

- Lượng nguyên liệu, vật tư còn tồn tại bên nhận gia công;

- Lượng sản phẩm gia công hoàn chỉnh bán tại nước ngoài (kèm theo số tờ khai xuất khẩu);

Khi các DN nộp BCQT cho cơ quan hải quan, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra BCQT đối với những trường hợp: BCQT của tổ chức, cá nhân nộp lần đầu; BCQT có sự chênh lệch bất thường về số liệu so với Hệ thống của cơ quan hải quan; Kiểm tra BCQT trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Những khó khăn, vướng mắc của cơ quan hải quan

Trong gần một năm qua, khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra BCQT của những DN gia công hàng hóa xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Những vướng mắc cơ bản được phân tích qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, cơ sở dữ liệu để DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài lập BCQT không giống toàn bộ với cơ sở dữ liệu quản lý của ngành Hải quan.

Thứ hai, Biểu mẫu Số 15/BCQT/GSQL khi lập theo chỉ tiêu số lượng không có đơn vị tính của nguyên liệu, vật tư  nhận gia công và thành phẩm xuất trả cho dơn vị tính. Do đó, khi kiểm tra  số chỉ tiêu trên BCQT, cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở kết luận về sự chênh lệch bất thường so với số liệu cơ quan hải quan đang theo dõi và quản lý.

Thực tế khi DN khai hải quan, đơn vị tính của nguyên liệu vật tư tùy thuộc vào Bộ chứng từ hàng hóa, khi kế toán của DN theo dõi hàng tồn kho đối với những nguyên liệu cung ứng cho hợp đồng gia công sẽ hạch toán theo đơn vị tính phù hợp với đặc thù sản xuất sản phẩm. Sự không đồng nhất về đơn vị tính và thông tin về đơn vị tính không thể hiện trên BCQT đã đem lại nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan khi đánh giá mức chính xác của BCQT.

Thứ ba, chưa có quy định đầy đủ về thẩm quyền của công chức hải quan khi kiểm tra BCQT.

Trong tình huống kiểm tra BCQT của công chức hải quan (không phải là kiểm tra sau thông quan) công chức hải quan đang gặp nhiều khó khăn khi kiểm tra tình hình tồn kho của những DN nhận thuê gia công lại. Khi chưa có cơ sở pháp lý về sự hợp tác trong quá trình kiểm tra của những đơn vị liên quan, công chức hải quan sẽ khó thực hiện kiểm tra BCQT một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ tư, thời gian kiểm tra BCQT theo quy định hiện nay chưa phù hợp cho các cuộc kiểm tra của những DN có quy mô sản xuất lớn, chủng loại hàng hóa nhiều, số lượng các giao dịch phát sinh lớn.

Theo quy định tại Điều 59 Thông tư 38/2015/TT-BTC, cơ quan hải quan được thực hiện kiểm tra không quá 05 ngày làm việc tại cơ sở sản xuất, trụ sở của tổ chức, cá nhân. Trường hợp phức tạp, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra nhưng không quá 05 ngày làm việc.

Khi thủ tục hải quan được quy định đơn giản, DN thực hiện hợp đồng gia công không phải thông báo hợp đồng gia công, không phải thông báo định mức và thông báo điều chỉnh định mức. Cơ quan hải quan chỉ có thể kiểm tra được định mức thực tế sử dụng thông qua hồ sơ kỹ thuật và chứng từ sổ sách kế toán lưu tại DN khi thực hiện quyết định kiểm tra BCQT tại DN.

Đối với những DN có quy mô sản xuất lớn, trong năm tài chính thực hiện gia công hàng trăm hợp đồng với hàng nghìn loại sản phẩm, hàng nghìn loại nguyên liệu vật tư và hàng nghìn phát sinh các tờ khai xuất nhập khẩu của loại hình gia công, trong phạm vi 05 ngày kiểm tra tại trụ sở DN sẽ không đủ thời gian để công chức hải quan thực hiện các công việc tính toán để thẩm định tính chính xác của BCQT.

Thứ năm, khi kiểm tra BCQT của DN đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, công chức hải quan không thể kiểm tra tính chính xác của “Lượng nguyên liệu, vật tư còn tồn tại bên nhận gia công” khi chưa có cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa cơ quan hải quan và các DN nước ngoài nhận gia công cho thương nhân Việt Nam.

Giải pháp đề xuất

Nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình kiểm tra BCQT, đồng thời giúp cơ quan hải quan kiểm tra được chính xác các chỉ tiêu trong BCQT của DN gia công hàng hóa xuất nhập khẩu một cách hiệu quả và sớm phát hiện các gian lận, tránh thất thu cho NSNN, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, bổ sung chỉ tiêu “Đơn vị tính” trong mẫu biểu BCQT theo quy định hiện nay đối với DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để cơ quan hải quan có thể phát hiện những chênh lệch bất thường về một số chỉ tiêu trong BCQT khi đối chiếu, so sánh với cơ sở dữ liệu đang quản lý của cơ quan hải quan.

Thứ hai, cần bổ sung quy định về phạm vi kiểm tra đối với những tổ chức và cá nhân liên quan đến DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài và DN đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài, khi công chức hải quan thực hiện kiểm tra BCQT.

Thứ ba, xây dựng quy trình nghiệp vụ hướng dẫn kiểm tra BCQT, trong đó nên chia quy trình kiểm tra thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện kiểm tra BCQT tại cơ quan hải quan và Giai đoạn 2 kiểm tra BCQT tại trụ sở DN. Khi đó, công chức hải quan có đủ thời gian tại trụ sở cơ quan hải quan để kiểm tra, phân tích số liệu trên BCQT dựa trên những chứng từ giải trình chứng minh của DN gửi cho cơ quan hải quan.

Trong một số trường hợp kiểm tra BCQT của những DN có quy mô lớn, giao dịch phát sinh nhiều, trong 05 ngày kiểm tra báo cáo tại trụ sở DN, công chức hải quan sẽ nhanh chóng đưa ra được kết luận về tính chính xác về BCQT của DN.

Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra BCQT bằng cách Cơ quan hải quan cần xây dựng phần mềm hỗ trợ kiểm tra BCQT. Khi các công cụ kiểm tra nguyên liệu cung ứng cho hợp đồng gia công theo định mức sản xuất sản phẩm được khai thác trên các ứng dụng tin học, công chức hải quan sẽ dễ dàng thực hiện kiểm tra được lượng nguyên liệu, vật tư tiêu hao cho sản xuất sản phẩm gia công, từ đó phát hiện chính xác các chênh lệch trong BCQT khi kiểm tra, cũng như các gian lận trong quá trình thực hiện hợp đông gia công nhằm chống thất thu cho NSNN.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 năm 2014;

2. Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ;

3. Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25/3/2015.