Tăng hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương

Đặng Hoàng Đạt - Trưởng phòng Tổng hợp- Kiểm toán Nhà nước khu vực I

Những năm qua, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã liên tục được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả, từ đó mang lại nhiều thành công nổi bật. Một trong những thành công có thể kể đến chính là các cuộc kiểm toán xác nhận quyết toán ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, đánh giá việc điều hành, quản lý ngân sách của địa phương.

Những năm qua, hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN khu vực I đã liên tục được đổi mới, không ngừng nâng cao về chất lượng - Ảnh: Thanh Tùng
Những năm qua, hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN khu vực I đã liên tục được đổi mới, không ngừng nâng cao về chất lượng - Ảnh: Thanh Tùng

Một số kết quả nổi bật từ các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương

KTNN khu vực I được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm toán trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nam. Trong số này, Hà Nội là địa phương có số thu, chi ngân sách chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu-chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Hàng năm, KTNN khu vực I thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách từ 3 đến 4 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, những năm gần đây, đơn vị đã tổ chức kiểm toán thường niên đối với quyết toán ngân sách của thành phố Hà Nội, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Trong giai đoạn 2013-2017, KTNN khu vực I đã tổ chức kiểm toán ngân sách 18 lượt tỉnh, thành phố trên địa bàn; kiến nghị xử lý tài chính 8.702 tỷ đồng, trong đó: tăng thu ngân sách 1.682 tỷ đồng, thu hồi và giảm chi ngân sách 1.493 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 5.527 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 34.566 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã giúp các địa phương tăng thu và giảm chi ngân sách thông qua thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính của KTNN, đồng thời kiến nghị các địa phương sửa đổi, bổ sung các văn bản điều hành, các định mức.

Cụ thể như: kiến nghị Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội sửa đổi Quyết định số 71/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định vê đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo phù hợp với Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan của thành phố nghiên cứu rà soát lại hệ thống định mức tại Quyết định số 6147/QĐ-UBND và Quyết định số 6974/QĐ-UBND và các bộ đơn giá định mức đang áp dụng cho công tác đặt hàng về thủy lợi phí.

Năm 2017, KTNN khu vực I đã báo cáo KTNN kiến nghị Quốc hội xem xét 01 nội dung chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật NSNN; kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 09 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách.

Cụ thể: Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của 03 Nghị định (Nghị định số 24/2014/NĐ-CP; Nghị định 68/2000/NĐ-CP; Nghị định 59/2011/NĐ-CP); các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư (Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP; Thông tư 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thông tư số 03/2015/TT-BKH&ĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp; Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước) và 01 văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách (Văn bản số 2409/BXD-KTXD ngày 27/10/2016 của Bộ Xây dựng về việc áp dụng suất vốn đầu tư xây dựng công trình trong việc xác định tiền SDĐ, tiền thuê đất).

Ngoài ra, đơn vị cũng kiến nghị Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc sửa đổi bổ sung 01 Nghị quyết về chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài (Nghị quyết 16/2008/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 100/2013/NQ-HĐND về chính sách phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2015, định hướng đến năm 2020); kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam sửa đổi một quyết định.

Đặc biệt, tại cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của 05 doanh nghiệp thủy lợi giai đoạn 2011-2015 của thành phố Hà Nội, KTNN khu vực I đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách về kinh phí đặt hàng thủy lợi phí, theo đó ngân sách thành phố đã tiết kiệm vài trăm tỉ đồng hằng năm.

Cùng với đó, đơn vị còn thực hiện Quy chế phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND thành phố Hà Nội, tiến hành thẩm tra dự toán chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học năm 2014, giúp HĐND thành phố quyết định và phân bổ dự toán ngân sách của năm này.

Những khó khăn, thách thức đang đặt ra

Bên cạnh những thành công trên, hoạt động kiểm toán ngân sách địa phương của KTNN khu vực I vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức nhất định, như:

Thứ nhất, khó khăn trong việc kiểm tra, đối chiếu thuế.

Thời gian vừa qua, khi kiểm toán NSĐP hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn kiểm toán của KTNN đã thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế tại cơ quan thuế. Kết quả kiểm toán đều phát hiện tăng thu ngân sách về thuế đối với hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đối chiếu thuế.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng, nội dung kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo cũng như chưa quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo kê khai thuế, cho nên hiệu lực của công tác kiểm tra đối chiếu chưa cao, nhận thức của một số người nộp thuế về công việc kiểm tra cũng chưa đầy đủ...

Đây là điều dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị chưa có sự phối hợp tốt, không nghiêm túc chấp hành; một số đơn vị có biểu hiện chây ì, đưa ra nhiều lý do tránh né việc kiểm tra đối chiếu hoặc kéo dài thời gian cung cấp hồ sơ, cung cấp tài liệu không đủ, không đồng bộ… Về vấn đề này, KTNN cũng chưa có chế tài để xử lý.

Thứ hai, trong việc tổ chức kiểm toán đối với địa phương có quy mô ngân sách lớn, địa bàn rộng do giới hạn về thời hạn kiểm toán.

Theo quy định tại Điều 34 Luật KTNN, thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.

Thực tế cho thấy đối với các cuộc kiểm toán NSĐP có quy mô thu chi ngân sách lớn, địa bàn rộng (gồm 30 quận, huyện) như Thành phố Hà Nội… với thời gian kiểm toán 60 ngày là khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện kiểm toán quyết toán NSĐP.

Thứ ba, chồng chéo giữa hoạt động kiểm toán và thanh tra, kiểm tra.

Thực tế cho thấy, giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán của KTNN vẫn còn có sự trùng lắp, chồng chéo. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế phối hợp trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thanh tra, kiểm tra và việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành, địa phương hàng năm.

Thứ tư, trong việc khai thác ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị được kiểm toán.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính ngân sách và các hoạt động quan lý khác của các đơn vị, các địa phương là phổ biến và mạnh mẽ, tuy nhiên việc Kiểm toán viên trực tiếp được khai thác phần mềm quản lý của đơn vị được kiểm toán còn có nhiều hạn chế xuất phát từ việc bảo mật thông tin của đơn vị.

Thứ năm, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của Quốc hội, Chính phủ và của ngành KTNN ngày càng cao, song cơ cấu đội ngũ kiểm toán viên theo lĩnh vực chuyên môn đào tạo chưa đồng đều, năng lực chuyên môn còn khoảng cách so với yêu cầu.

Đề xuất một số giải pháp nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực kiểm toán

Từ thực tế hoạt động kiểm toán nêu trên, KTNN khu vực I xin đề xuất một số giải pháp để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những khó khăn đang tồn tại.

Một là, KTNN cần tiếp tục tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật KTNN để đề xuất sửa đổi một số quy định phù hợp với thực tế hoạt động kiểm toán nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn trước những yêu cầu cung cấp thông tin cho việc quản lý điều hành của Chính phủ cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội.

Hai là, cần nghiên cứu đề xuất bổ sung Luật KTNN, văn bản pháp lý quy định và hướng dẫn thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế  theo hướng cụ thể, rõ ràng về đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm tra, đối chiếu… Quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế trong việc kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo kê khai thuế.

Ba là, cần xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm hạn chế trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán của KTNN.

Bốn là, nghiên cứu quy định, chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của các đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; đồng thời, cần có quy định về cung cấp thông tin tài liệu, truy cập vào hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán.

Sáu là, tăng cường công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng phần mềm kiểm toán, phần mềm hỗ trợ quản lý hoạt động kiểm toán, cập nhật và bồi dưỡng kiến thức về các lĩnh vực kiểm toán cho cán bộ, kiểm toán viên; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho công chức, kiểm toán viên nhà nước.