Tăng thuế để giảm đói nghèo, bệnh tật do thuốc lá

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm nước ta có khoảng 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu chúng ta không mạnh mẽ thực hiện ngay các bệnh pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70 nghìn ca/năm vào năm 2030.

Tăng thuế để giảm đói nghèo, bệnh tật do thuốc lá
Theo ước tính của WHO, mỗi năm nước ta có khoảng 40 nghìn ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nguồn: internet

Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về số người hút thuốc với 16 triệu người. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam chiếm 47,4% (trung bình cứ 2 nam giới sẽ có 1 người hút thuốc); 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà; 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là do thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1986, bệnh không lây nhiễm chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này lên tới 62,7%.

Mới đây, WHO đã làm một thử nghiệm để đánh giá chính xác khả năng gây hại của thuốc lá đối với lá phổi của con người. Theo đó, mỗi điếu thuốc lá có chứa 18mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín). Đốt hết 150 điếu thuốc, màu nước trong bình kín (tượng trưng cho lá phổi) chuyển thành màu vàng. Đốt thêm 230 điếu nữa, nước chuyển thành màu đen như màu cà phê. Đốt hết 400 điếu, nước chuyển màu đen. Sau khi cô đặc nhựa trong bình nước, các nhà khoa học thu được 7,2g hắc ín, rất đắng và dính. Đây cũng chính là thứ xâm nhập vào phổi con người sau khi hút thuốc. Chúng tồn tại lâu dài và gây ra bệnh ung thư phổi. Trong khi đó, một người nghiện thuốc có thể hút đến 20 hoặc hơn 20 điếu thuốc/ngày. Vì thế có thể hiểu tại sao tuổi thọ của một người hút thuốc trong thời gian dài lại giảm mạnh so với người không hút.

ThS., Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh – Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam cho biết, thuốc lá được chứng minh có liên quan đến 25 loại bệnh tật và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư phổi, thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ… Đặc biệt, số trường hợp mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá cũng làm tăng gánh nặng đối với ngân sách hệ thống dịch vụ y tế, đồng thời là nguyên nhân chính khiến hệ thống này rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng và xuống cấp như hiện nay. Năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22 nghìn tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm chỉ trong 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới 23 nghìn tỷ đồng/ năm. 

Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở nhóm thu nhập thấp nhất chiếm 57%, cao hơn so với mức của nhóm thu nhập cao nhất 42,1%. Tỷ lệ đáng kể người nghèo hút thuốc và người nghèo có xu hướng hút thuốc nhiều hơn người giàu. Điều này dẫn đến tình trạng gia tăng đói nghèo vì sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách gia đình. Bên cạnh đó, người nghèo sử dụng thuốc lá cũng dễ bị mắc bệnh hơn do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc còn hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân kiến cho người dân Việt Nam hút thuốc lá nhiều và nghiện nhiều là do giá thuốc lá ở nước ta quá rẻ và mức thuế thuốc lá của nước ta rất thấp. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm thuốc lá của Việt Nam là 65% tính trên giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ, thì thuế chỉ chiếm 41,6% trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá phải đạt 70%. So với các quốc gia ASEAN, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam là thấp nhất, chỉ sau Campuchia. Bên cạnh đó, việc xử lý với thuốc lá nhập lậu của chúng ta thiếu cương quyết, dẫn tới thuốc lá lậu được bán tràn lan với giá cũng rất rẻ, khiến cho nguồn cung càng dồi dào, việc giảm tỷ lệ người nghiện thuốc lá ngày càng khó khăn.

Vào sáng 25/9, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đa số ý kiến nhất trí với đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB 3 nhóm mặt hàng gồm thuốc lá, bia, rượu. Về thuế suất đối với thuốc lá, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí quy định mức tăng thuế suất theo lộ trình, mỗi lần tăng 5%. Cụ thể, sẽ tăng thuế suất thuế TTĐB với thuốc lá từ 65% lên 70% từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017 và tăng từ 70% lên 75% áp dụng từ ngày 1/1/2018. Một số ý kiến đề nghị cần nâng thuế suất ở mức cao hơn nhằm nâng giá thuốc lá, giảm người hút thuốc. Thậm chí có ý kiến đề nghị cần thiết phải điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 85% và lộ trình trong 2 năm.

Theo Bác sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, đề xuất mức tăng thuế của dự thảo luật sửa đổi Luật thuế TTĐB hiện nay là rất thấp và khó có thể ảnh hưởng đến giảm tỷ lệ người hút thuốc lá. Với đề xuất tăng thuế như trên, mức tăng giá thực của thuốc lá giai đoạn 2016 - 2018 chỉ vào khoảng 2,9%, tức là tăng trung bình dưới 1% một năm. Trong khi tăng GDP ở Việt Nam dự báo là hơn 5%/năm (cho các năm này), mức tăng giá thực của thuốc thấp hơn mức tăng GDP. Theo đó, sức mua vẫn tăng, lượng tiêu thụ thuốc lá không thể giảm.

Theo Bác sỹ Phan Thị Hải, Phó chánh Văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, muốn đạt được Mục tiêu quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc lá, thì mức tăng phải là từ 65% hiện nay lên 105% vào năm 2015 và lên 145% vào năm 2018. Như vậy mới hy vọng nhiều người từ bỏ thuốc lá từ đó gánh nặng bệnh tật được giảm đi, nhiều người dân thoát vòng xoáy đói nghèo.