Tăng tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) “Việc sửa đổi Nghị định số 43 để tăng cường tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp sẽ buộc các đơn vị này phải năng động hơn, có cơ chế chi trả lương thỏa đáng để thu hút người tài làm việc” - Đó là thông tin được ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính.

Tăng tính tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn khu vực sự nghiệp công

Công cuộc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai hơn 10 năm qua, từ Nghị định số 10 năm 2002 đến Nghị định số 43 năm 2006 (sau đây gọi tắt là Nghị định 43).

 Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị định 43 cho thấy, việc mở rộng trao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công; tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao; thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện.

Mặc dù có những tiến bộ, nhưng qua tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị định 43 cũng cho thấy, các đơn vị sự nghiệp chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ, từ đó hạn chế quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao thu nhập cho người lao động; chưa thực sự khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao hơn, giảm dần nhu cầu hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước tiến tới tự đảm bảo toàn bộ chi tiêu từ nguồn thu sự nghiệp của mình.

Về chủ trương đổi mới sự nghiệp công lập, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã có kết luận số 37 (2011) và 63 (2013), trong đó đã chỉ đạo định hướng cải cách, từ vấn đề tổ chức biên chế, giá dịch vụ sự nghiệp công, đến yêu cầu thay đổi phương thức bố trí chi NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công.

Thực tế thời gian, nhiều đơn vị sự nghiệp có điều kiện đã thực hiện nhiều hoạt động liên doanh, liên kết, mở rộng cung ứng dịch vụ công. Một số hoạt động này đến nay chưa có quy định pháp luật cụ thể, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa sớm.

Như vậy, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị định 43, xuất phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn, đã đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 43 nhằm đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn khu vực sự nghiệp công.

Giao quyền tự chủ cho các đơn vị   

Là đơn vị được Chính phủ giao xây dựng Nghị định khung sửa đổi Nghị định 43 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Tài chính đã  tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp từ một số đơn vị sự nghiệp. Dự thảo Nghị định cũng được đưa ra bàn thảo, cho ý kiến tại  một số cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định, khu vực sự nghiệp công hiện có khoảng 33.000 đơn vị, với tổng số biên chế gần 2,1 triệu người, chiếm trên 80% tổng biên chế trong bộ máy nhà nước (trừ lực lượng vũ trang); tổng quỹ lương của khu vực này cũng chiếm xấp xỉ 80% tổng quỹ lương của khối các cơ quan, đơn vị nhà nước.  Vì vậy, việc đổi mới quản lý khu vực sự nghiệp công, trong đó có việc tăng cường trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị này, khuyến khích các đơn vị có điều kiện vươn lên tự chủ ở mức cao, giảm dần nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ đó Nhà nước có thể dành thêm nguồn chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, các đối tượng hộ nghèo, bảo trợ xã hội,...

Để các đơn vị sự nghiệp công phát huy được tính tự chủ, phát triển vươn lên, thì nhân tố giao quyền tự chủ tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 43 lần này quy định: Việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công sẽ dựa trên mức độ tự chủ nguồn thu sự nghiệp (tính tổng thể các nguồn thu của đơn vị bao gồm cả nguồn NSNN); các đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính được giao quyền tự chủ tài chính cao và ngược lại.

Đặc biệt, để khuyến khích các đơn vị tự thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao, dự thảo cũng có nhiều mức độ khác nhau như: Tự chủ tài chính đối với đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ tái chính đối với đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên…

Đáng chú ý, để khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho các đơn vị sự nghiệp lên tự chủ ở mức độ cao hơn, dự thảo Nghị định quy định đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư khi đáp ứng các điều kiện theo quy định, được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp hạch toán được đầy đủ, toàn diện, vươn lên tự chủ ở mức cao hơn, đồng thời cạnh tranh một cách minh bạch, công bằng với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, thì vấn đề giá dịch vụ công và lộ trình điều chỉnh giá là then chốt, nhưng cũng là vấn đề khó, nhạy cảm, bởi nó có tác động lớn đến đời sống của đại đa số người dân, đặc biệt là đối với giá dịch vụ giáo dục-đào tạo và dịch vụ y tế. Vì vậy, để xử lý một phần mâu thuẫn này, dự thảo Nghị định cũng quy định nguyên tắc: trong quá trình điều chỉnh giá, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ đối với các đơn vị sự nghiệp công trong trường hợp cần thiết. Vấn đề này chưa được đặt ra trong Nghị định 43.

Qua nghiên cứu thực tiễn và xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, dự thảo Nghị định đã phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Cụ thể đối với loại hình dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN thì đơn vị được tự xác định giá dịch theo nguyên tắc thị trường. Còn đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thì Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá.

Về lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công, ông Võ Thành Hưng cho biết, hiện Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án.

Phương án 1: Đến năm 2015 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; Đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý ( chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định./.

Phương án 2 Đến năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp ( chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); Đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý  ( chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Và đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Tại cuộc họp Chính phủ, đa số các ý kiến phát biểu cho rằng lộ trình giá theo Phương án 1 là phù hợp với yêu cầu cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới khu vực sự nghiệp công theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.  Tuy nhiên, xét trên khía cạnh đảm bảo tính khả thi, nhiều ý kiến đề nghị nên lựa chọn lộ trình theo Phương án 2, nhằm tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có thêm thời gian chuẩn bị.  Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng có quy định cho phép trong quá trình thực hiện, các đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện có thể thực hiện trước lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công.

Tóm lại, xuất phát từ lý luận và thực tiễn đã đặt ra vấn đề phải đổi mới cơ chế, mà trước hết là sửa đổi Nghị định 43, nhằm cải cách mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công.  Tuy nhiên, cũng như cải cách hành chính nhà nước hay cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, lộ trình, bước đi, mức độ thành công của quá trình này phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, lãnh đạo các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương và đặc biệt là phải được sự đồng thuận của xã hội, sự thông cảm, chia sẻ và ủng hộ của các phương tiện thông tin đại chúng./.