Tăng tốc cải cách thể chế, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường

Theo Thông tin Tài chính

Báo cáo Cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 23/7/2015. Theo đó, đa số ý kiến ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, song, vẫn muốn có sự can thiệp của Nhà nước. Điều này phản ánh đặc trưng của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ủng hộ mạnh mẽ mô hình kinh tế thị trường

Trong 1.600 ý kiến tham gia khảo sát của CAMS 2014, có tới 89% cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác. 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong nền kinh tế và 94% yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam. Kết quả này một lần nữa khẳng định người dân Việt Nam ủng hộ kinh tế thị trường với mức độ rất cao, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, tốc độ chuyển từ nền kinh tế nhà nước sang thị trường còn chậm. 49% số người được hỏi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường, song, cũng có 36% cho rằng kinh tế Việt Nam là kinh tế nhà nước. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, kết quả này cho thấy, ở Việt Nam, hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhưng còn chưa dứt khoát. Có chung quan điểm, ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia cao cấp của WB, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”.

Báo cáo CAMS 2014 cũng chỉ ra quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn còn một số mặt bất cập. Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết, tốc độ này còn chậm. Rõ ràng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vẫn tiếp diễn, song, tốc độ thực tế còn chậm so với kỳ vọng. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, nút thắt của sự chuyển đổi kinh tế chậm lại là do môi trường kinh doanh chưa thực sự công bằng, chưa thực sự lành mạnh, việc triển khai và thực thi các chính sách còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chủ thể kinh tế vẫn còn bất cập, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn chưa hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ quy mô, kinh tế tập thể yếu kém…

Mong muốn Nhà nước tiếp tục bình ổn giá thị trường

Khoảng 50% số người tham gia khảo sát cho rằng, giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường, số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của Nhà nước. Cụ thể, thống kê chỉ ra, xăng dầu là loại mặt hàng có sự can thiệp của Nhà nước mà tỷ lệ người trả lời “không hưởng lợi” là cao nhất (66%), tiếp đến là sữa (60%), gas (59%), điện (58%), thuốc phòng bệnh chữa bệnh thiết yếu (55%). Những con số trên cho thấy, các mặt hàng dù có sự can thiệp của Nhà nước, nhưng tỷ lệ người dân được hưởng lợi vẫn thấp.

Nhiều ý kiến đánh giá cao chất lượng một số dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp (y tế, giáo dục, công chứng…). Đáng chú ý, có đến 99% ủng hộ chủ trương chuyển giao một số dịch vụ công sang khu vực tư nhân. Tuy vậy, nhiều người được hỏi vẫn cho rằng, rất cần sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với 2011. Các mặt hàng được cho là cần thiết có sự can thiệp giá của Nhà nước bao gồm thuốc phòng/chữa bệnh (90%), điện (87%), xăng dầu (85%), nước sạch (82%) và gas (81%). Khảo sát CAMS 2014 có sự tham gia của 1.600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng đến từ các cơ quan nhà nước, Chính phủ, ủy ban nhân dân và sở, ngành các tỉnh, cơ quan Quốc hội, DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh, cơ quan báo chí…; đặc biệt, trong số này có 200 người đã từng tham gia phỏng vấn khảo sát năm 2011, giúp nhóm nghiên cứu nhận rõ hơn các xu hướng thay đổi cảm nhận theo thời gian.

Mức độ hài lòng về kinh tế chưa cao

Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng với nền kinh tế chỉ ra rằng, chỉ có 41% đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện nay là tốt hơn so với 5 năm trước, 19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế. Ba nhóm có tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế hiện nay thấp nhất là từ các cơ quan báo chí (4%), tổ chức nghiên cứu, giảng dạy (4%) và đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (6%). Nhóm các cơ quan có mức độ hài long cao là cơ quan Quốc hội với 27%, tiếp sau là nhóm ủy ban nhân dân và sở, ngành cấp tỉnh, thành phố 26% và nhóm doanh nghiệp dân doanh trong nước 23%. So với CAMS 2011, một số nhóm có sự sụt giảm độ hài lòng với tình hình kinh tế hiện tại: Nhóm doanh nghiệp FDI (giảm 14 điểm phần trăm), cơ quan báo chí (giảm 5 điểm phần trăm), các cơ quan Quốc hội (giảm 4 điểm phần trăm), doanh nghiệp dân doanh (giảm 1 điểm phần trăm).

Đáng chú ý, trung bình có 47% đánh giá khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong 10 năm qua (2005 - 2014) là lớn/rất lớn, trong khi chỉ có 8% lựa chọn là chỉ ở mức nhỏ/rất nhỏ. Ba nhóm có tỷ lệ cao nhất cho biết, khoảng cách này là lớn/rất lớn bao gồm cơ quan báo chí (72%), các cơ quan Đảng ở Trung ương (66%) và nhóm đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (61%).

Tăng tốc cải cách thể chế

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả khảo sát CAMS 2014 cho thấy, những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện là phù hợp với yêu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Người dân cũng nhìn thấy hệ thống kinh tế thị trường chưa đầy đủ đã khiến những mặt tốt của thị trường không được phát huy, trong khi những khiếm khuyết của thị trường chậm được kiểm soát và khắc phục. Thực tế cho thấy, giải pháp căn bản không phải là gia tăng can thiệp của Nhà nước mà chính là đẩy mạnh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tránh khỏi tình trạng mắc kẹt giữa hai hệ thống vận hành kinh tế. Chúng ta hiện đang bước vào một giai đoạn mới mà trung tâm cần phải cải cách chính là Chính phủ. Bộ máy Chính phủ phải là cơ quan xử lý “mạng nhện thể chế”. Hơn nữa, quá trình cải cách phải được tiến hành đồng bộ: Nhà nước, thị trường và xã hội dân sự.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, nếu nền kinh tế của chúng ta hội nhập mà thể chế lại không tương thích thì nguy cơ doanh nghiệp sẽ đứng bên lề những lợi ích từ các hiệp định thương mại. Để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì không còn cách nào khác là Nhà nước phải nâng cao thể chế để chuyển sang một nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn. Quản lý nhà nước phải được cải cách, phát triển “đủ mạnh”, kịp với tốc độ phát triển của quan hệ kinh tế thị trường, trong đó các cơ chế vận hành và sở hữu phải có sự thay đổi rõ rệt.

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những lực cản, do vấn đề lợi ích cục bộ. Điều kiện cốt lõi là Nhà nước phải thúc đẩy được thị trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, giảm thiểu cơ chế xin cho…

Quyết tâm cải cách thể chế đã được thể hiện trong việc ban hành và thực thi Hiến pháp 2013, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ... Cùng với đó, các nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA EU - Việt Nam… đang tạo ra những động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình hoàn thiện thể chế phù hợp với sự chuyển đổi nền kinh tế. Để đổi mới thể chế có hiệu quả, bên cạnh sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước còn cần có sự tích cực, chủ động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát hiện và kiến nghị với cơ quan hữu quan những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật để làm cơ sở xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.