Tăng tổng cầu xã hội để kích thích sản xuất

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Xung quanh vấn đề dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 -2014 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, PGS., TS. Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: cần tăng cường hoạt động chống thất thu thuế, chống các biểu hiện trốn thuế, gian lận thuế, muốn thế thì phải nâng cao năng lực bộ máy thu thuế, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế để tăng ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tuy nhiên, theo ông Thông, liên quan đến vấn đề này chúng ta cần phải biết chính xác nợ công như thế nào, đang ở mức độ nào? Cần công khai nợ công bao gồm những khoản nợ nào? Những cái gì chưa đưa vào và đã đưa vào, có đúng với thông lệ quốc tế của nợ công hay không? Chúng ta cần đặt khái niệm nợ công trong chuẩn với nợ công quốc tế. Chỉ có như vậy chúng ta mới lường trước được nợ thế nào và khả năng thanh toán nợ ra sao. 

Phóng viên: Chính phủ vừa đề xuất nâng trần bội chi ngân sách năm 2013 – 2014 từ mức 4,8% lên 5,3%. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 

Ông Lê Minh Thông: Theo tôi, nâng trần bội chi trong điều kiện hiện nay là cần thiết, mức độ nào thì cần thảo luận thêm, trong đó cần ưu tiên trong lĩnh vực đầu tư  hạ tầng. Phải đầu tư hạ tầng thì mới giải quyết được nguồn lực phát triển.

Nợ công không nhỏ, trong khi năm nay thu ngân sách dự kiến sẽ không đạt dự toán. Vậy thì làm sao chúng ta có thể trả nợ, thưa ông?  

Chính phủ phải có nhiều kịch bản để không bị động trong mọi hoàn cảnh, từ đó trù liệu các khả năng xử lý thế nào. Tôi tin Chính phủ sẽ có những kịch bản như thế. Nếu chúng ta chỉ đưa ra một kịch bản thì sẽ rất khó lường trước khi tình huống bất ngờ xảy ra. Trong khi vài năm gần đây phát triển kinh tế thế giới có nhiều tình huống bất ngờ.

Kịch bản này có nên bao gồm cả việc thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách không, thưa ông? Làm thế nào để có thể tăng thu ngân sách?

Tôi cho rằng giải pháp căn cơ là thúc đẩy sản xuất, tạo cho doanh nghiệp có lãi, có  thu nhập thì họ mới có thể đóng thuế đầy đủ. Bởi, nguồn thu chính của chúng ta hiện nay là thuế. Mà muốn thúc đẩy sản xuất phải có cơ chế về vốn, thị trường, giải quyết nợ xấu, khoanh nợ cho doanh nghiệp, đặc biệt phải tăng tổng cầu xã hội để kích thích sản xuất.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động chống thất thu thuế, chống các biểu hiện  trốn thuế, gian lận thuế, muốn làm được, theo tôi phải nâng cao năng lực bộ máy thu thuế, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, với một trong những trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, cắt giảm đầu tư công. Nhưng thực tế là vẫn còn tình trạng một số địa phương đầu tư xây dựng nhiều dự án mới dẫn đến lãng phí?

Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ cũng đã quyết định rà soát, cắt giảm các công  trình, dự án, các địa phương cũng phải tiến hành cắt giảm, tạm thời đình chỉ các dự án không hiệu quả hoặc chưa thích hợp. Nếu địa phương nào vẫn tiếp tục đầu tư mới thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cần phải hiểu đình chỉ, cơ cấu lại các dự án không có nghĩa là chúng ta không làm mới, nếu cần thiết cho dân sinh, sự phát triển thì vẫn phải đầu tư.

Theo tôi, ở đây phải phân biệt rõ: chúng ta chỉ đình chỉ, cắt giảm những công trình dàn trải, chưa thực sự phát huy hiệu quả, tránh nhận thức cứng "cắt giảm là cắt giảm hết”, cần phải uyển chuyển trong chuyện này.

Trân trọng cảm ơn ông!