Tăng trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong quản lý nợ

Theo Tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Tài chính - đơn vị chủ trì soạn thảo lấy ý kiến góp ý, nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý tài chính cho các tập đoàn, tổng công ty; đồng thời xử lý kịp thời nợ xấu phát sinh và ngăn chặn khả năng phát sinh nợ mới.

 Tăng trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trong quản lý nợ
DN có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ; phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ. Nguồn: Internet
Theo số liệu báo cáo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến đầu năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có số nợ phải thu là 296.541 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm trước đó; tổng số nợ phải trả là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9%. Đáng chú ý là tình trạng, giá trị tổng các khoản nợ phải trả, phải thu của các tập đoàn, tổng công ty đang có xu hướng gia tăng. Vì vậy Bộ Tài chính cho rằng, đã đến lúc cần có các quy định chặt chẽ hơn để quản lý, xử lý các khoản nợ cũ và hạn chế phát sinh nợ mới; đồng thời gắn chặt với trách nhiệm về quản lý nợ của lãnh đạo từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
 
Lãnh đạo Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, đại điện ban soạn thảo cho biết, đối tượng áp dựng trong dự thảo nghị định lần này là, công ty TNHH MTV là công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con; công ty TNHH MTV độc lập; người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại DN; các ngân hàng thương mại nhà nước, công ty tài chính, công ty bảo hiểm.
 
Về nguyên tắc, các DN có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ; phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng. Việc huy động vốn, vay vốn của DN phải được tính toán, cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế; vốn huy động chỉ sử dụng, đầu tư vào mục đích kinh doanh không dùng vào mục đích khác, vốn huy động phải được quản lý chặt chẽ, kinh doanh có hiệu quả. DN phải trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết khi huy động vốn, trong khi bộ quản lý ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động, vốn vay của DN.  
 
Đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết DN phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ, mua bán nợ; trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý, DN phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ giải quyết.

Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Nam tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Các DN đang thực hiện thủ tục chuyển đổi được xử lý ngay các khoản nợ tồn đọng phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước về chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước. Các giải pháp về xử lý nợ phải được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả của DN để có nguồn trả nợ, nhằm lành mạnh hoá và ổn định lâu dài tình hình tài chính DN. Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm tài chính, cùng với việc lập và nộp báo cáo tài chính, DN có trách nhiệm báo cáo chủ sở hữu về tình hình quản lý và thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, khả năng và tình hình thanh toán nợ.
 
Theo đại diện ban soạn thảo, khi nghị định được ban hành thì trách nhiệm của DN trong việc quản lý nợ sẽ rất cụ thể. Theo đó, DN phải mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; thường xuyên phân loại các khoản nợ, đôn đốc thu hồi nợ; định kỳ đối chiếu công nợ. Trên cơ sở đó, có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc từ 2 lần trở lên, thì căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của DN thì chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật (cảnh cáo, miễn nhiệm) đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại DN thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và pháp luật. 
 
Về trách nhiệm quản lý các khoản nợ phải trả, DN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với DN có vốn góp của công ty mẹ; phải quản lý và điều hành DN bảo đảm khả năng thanh toán các khoản nợ; có trách nhiệm phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn; nếu không xử lý kịp thời để phát sinh tình trạng nợ phải trả quá hạn không thanh toán, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc sẽ bị miễn nhiệm. Mặt khác, DN chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ thưởng Ban quản lý điều hành công ty sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ).