Tăng trưởng GDP 2018: Phải tính tới rủi ro từ bên ngoài

Theo Quỳnh Ngọc/daibieunhandan.vn

Với mức tăng trưởng đột biến 7,38% trong quý I, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% năm nay hoàn toàn khả thi nếu các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 do VEPR công bố chiều 10/4 nhận định, nối tiếp xu hướng tăng trưởng tích cực của hai quý nửa sau năm 2017, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan ở mức 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, lạm phát có xu hướng tăng nhẹ trở lại, đạt 1,38% trong tháng 3, chủ yếu do điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục và khuynh hướng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cán cân thương mại thặng dư 1,3 tỷ USD, nhờ kim ngạch xuất, nhập khẩu lần lượt đạt 54,31 tỷ USD và 53,01 tỷ USD. Cùng với đó, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì sự ổn định từ năm 2017. Tuy nhiên, lượng vốn FDI đăng ký mới trong quý I giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, gây ra những lo ngại về việc duy trì đà tăng trưởng dài hạn khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực này.

Nhìn vào kết quả kinh tế quý I, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận thấy, ngành nông nghiệp tăng trưởng tích cực 3,76%, chứng tỏ hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu sang các sản phẩm có hiệu quả cao. Giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn, vượt qua Thái Lan.
“Nếu biết nâng cao giá trị và chất lượng gạo hay các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác thì xuất khẩu sẽ tăng. Đây là tín hiệu tốt và cần phát huy trong thời gian tới”, bà Lan cho biết. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với những thách thức như thẻ vàng của châu Âu với thủy sản, chính sách thuế mới của Mỹ với cá tra, cá ba sa... buộc ngành phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất.

Trong quý I có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới, không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 21.115 và quy mô việc làm tạo mới không tăng cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bức tranh về doanh nghiệp trong quý I không lạc quan, điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa. “Tăng trưởng dựa vào ngoại lực không phải con đường tăng trưởng mà Việt Nam đã lựa chọn”, bà Lan nhấn mạnh.

Cần tạo động lực mang tính bền vững

Nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, thâm hụt ngân sách và nợ công luôn là mối quan tâm hàng đầu. Các chuyên gia nhấn mạnh, trong khi nguồn vốn chi đầu tư công chưa có nhiều cải thiện, chi thường xuyên vẫn ở mức cao trên 70% là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Do đó, theo nhóm nghiên cứu của VEPR, để cân đối thu chi, Chính phủ cần thắt chặt chi tiêu thay vì tìm cách tăng thu ngân sách.

Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục  thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên  như  các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện thời gian qua.

Bên cạnh đó, VEPR cũng cho rằng, việc tính toán khu vực phi chính thức vào GDP là cần thiết để Chính phủ đề ra chiến lược phát triển phù hợp, tuy nhiên, điều này cũng gây ra bất nhất trong so sánh quốc tế theo thông lệ.

Do đó, Chính phủ cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh.

Nhóm nghiên cứu cũng lo ngại tăng trưởng vượt bậc trong quý I sẽ làm cho các quý tiếp theo khó tăng cao được như vậy. Bên cạnh đó, vẫn phải tính đến những rủi ro về yếu tố thị trường bên ngoài không được thuận như năm ngoái do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia Nguyễn Chi Lan cho rằng, Chính phủ cần tạo ra những động lực mới mang tính bền vững để giúp cho tăng trưởng vượt lên chứ không chỉ dựa vào tiền vốn, nhân lực giá rẻ…