Tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2014: Nỗ lực vượt khó


(Tài chính) Tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2014 đến nay cơ bản đã được cải thiện, tăng trưởng, xuất khẩu tiếp tục khả quan hơn, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng... Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 đòi hỏi phải đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng cho nền kinh tế những tháng cuối năm.

Tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2014 đến nay cơ bản đã được cải thiện. Nguồn: internet
Tình hình kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2014 đến nay cơ bản đã được cải thiện. Nguồn: internet

Kinh tế tiếp tục được cải thiện

Những con số thống kê kinh tế 7 tháng đầu năm 2014 cho thấy, tăng trưởng và sản xuất tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 đạt 5,2%, cao hơn so với mức 4,9% của cùng kỳ 2 năm trước đó, chủ yếu nhờ lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Trong khi hai khu vực này đóng góp tương ứng 49,6% và 39,7% vào mức tăng trưởng thì lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ đóng góp 10,7%. Tốc độ tăng trưởng theo quý, sau khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, tiếp tục xu hướng tăng kể từ quý II/2013: GDP quý II/2014 tăng 5,6%, cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tháng 7/2014 tiếp tục tăng trưởng và có chuyển biến tích cực, tính chung 7 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2014 ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.654,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ và tăng 6,3% sau khi loại trừ yếu tố giá.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 7 tháng năm 2014 ước đạt 83,5 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đạt mức tăng cao: điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,2 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ; hàng dệt, may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 19,4%; giày dép đạt 5,8 tỷ USD, tăng 21,8%; thủy sản đạt 4,2 tỷ USD, tăng 25,5%...

Tổng kim ngạch nhập khẩu 7 tháng ước đạt 82,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Như vậy, cán cân thương mại 7 tháng đầu năm 2014 tiếp tục thặng dư 1,26 tỷ USD, bằng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 9,78 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,52 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng 6/2014 và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm 2013. Bẩy tháng đầu năm 2014, CPI chỉ tăng 1,62% so với tháng 12/2013, còn thấp xa so với chỉ tiêu 7% đã được Quốc hội thông qua và là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. CPI thấp thể hiện tổng cầu thấp. Tuy nhiên, đáng lưu ý là CPI hàng tháng đang có dấu hiệu tăng tốc với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Sau khi tăng khá cao vào tháng 1 và 2, CPI đã giảm theo đúng quy luật vào tháng 3, rồi xác lập xu hướng tăng dần trong các tháng 4, 5, 6 và 7. Nếu xu hướng này tiếp tục trong những tháng tới sẽ là tín hiệu khả quan cho thấy tổng cầu tiếp tục được cải thiện.

Nền kinh tế đạt được kết quả như trên một phần là nhờ vốn đầu tư tiếp tục được duy trì, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 111.561 tỷ đồng, bằng 60,2% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2013.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2014, tuy giảm về lượng vốn đăng ký mới (đạt 6.858,7 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ), song, lại tăng về lượng vốn thực hiện (đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ).

Đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng trưởng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng đồng Việt Nam tăng 2,17%). Đây là mức tăng thấp, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật, tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm và tăng tốc trong những tháng cuối năm. Vì thế, NHNN vẫn kiên trì với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2014 là 12 - 14%, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Mục tiêu sẽ thành hiện thực?

Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2014 đã nhận định, kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, thể hiện qua lạm phát giảm, tài khoản đối ngoại được cải thiện, nợ công và thị trường ngoại hối ổn định. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam ở mức khiêm tốn (khoảng 5,4%), thấp hơn dự báo đưa ra hồi đầu tháng 6 (5,5%) và mục tiêu được Quốc hội đề ra (5,8%). Mức tăng trưởng này, theo dự báo của WB, sẽ duy trì tới năm 2016, không tăng quá 5,6%.

Theo chuyên gia kinh tế Sandeep Mahajan của WB, con số này thấp hơn nhiều so với tiềm năng thực của Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6, thậm chí 7 - 8%. Lý do chính khiến mức tăng trưởng của Việt Nam thấp hơn tiềm năng là do lực cầu trong nước yếu, niềm tin nhà đầu tư trong nước vẫn còn rất thấp.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trước đó, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014, Chính phủ vẫn khẳng định “không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho năm 2014”, tức là GDP tăng trưởng ở mức 5,8%. Báo cáo “Tình hình kinh tế 6 tháng và tháng 6/2014” của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cũng dự báo, GDP năm 2014 sẽ ở mức 5,7 - 5,8%. Không thay đổi chỉ tiêu kinh tế cả năm, song, Chính phủ nhìn nhận thách thức còn rất lớn, đặc biệt là diễn biến phức tạp trên biển Đông.

Mặc dù về cơ bản, tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện thể hiện qua tăng trưởng, xuất khẩu tiếp tục khả quan hơn, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng... Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức. Chính phủ nhận định, tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tổng cầu trong nước tăng chậm, tín dụng tăng trưởng thấp, xử lý nợ xấu chưa đạt mục tiêu, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lớn và việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt yêu cầu.

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như: xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo.

Về các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung vào các nội dung chính như: đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn NSNN, trái phiếu chính phủ, ODA; thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với sản xuất công nghiệp, theo Bộ Công Thương, cần tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Tập trung xây dựng và điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, thị trường. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, phát triển nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, khai thác tối đa nhu cầu thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng điện, than, xăng dầu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Phát triển xuất khẩu một cách bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Duy Cường - Bài đăng trên Thông tin Tài chính số 16 kỳ 2 tháng 8/2014