Tăng trưởng kinh tế thuần tuý không đưa đến sự phát triển

Theo Thời Báo Ngân hàng

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng - coi trọng chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, gia tăng trách nhiệm xã hội và xoá đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực – đó là những việc Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC) đã đồng thuận.

Tăng trưởng kinh tế thuần tuý không đưa đến sự phát triển
Nhiều mô hình tăng trưởng mang lại những thành công nay đã không còn phù hợp. Nguồn: Internet

Thời thế mới cần mô hình mới

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy nhiều mô hình tăng trưởng mang lại những thành công nay đã không còn phù hợp, các thành quả phát triển có thể bị đẩy lùi nếu không có những phản ứng chính sách hợp lý. Chính vì vậy, 36 quốc gia thành viên FEALAC đã cùng tham dự hội thảo “Kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững”.

Hội thảo được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam - một trong những nước thành viên sáng lập FEALAC. 36 quốc gia FEALAC đã cùng chia sẻ kinh nghiệm để làm sao tăng trưởng bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và giữ được môi trường.

Các quốc gia FEALAC có mức tăng trưởng cao với những thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, không ít quốc gia đang có nguy cơ tụt hậu và lỗi nhịp so với sự phát triển chung của thế giới cùng những lo ngại về bẫy thu nhập trung bình... đã nhắc nhở các quốc gia FEALAC  bàn tới chiến lược tăng trưởng mới với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, cơ cấu kinh tế và chính sách kinh tế.

Một số nước FEALAC đã trở thành những câu chuyện thành công về phát triển kinh tế-xã hội, là hình mẫu về sự phát triển năng động, nhưng nay cũng đang phải có những thay đổi mạnh mẽ. Các quốc gia FEALAC đang đối mặt với những rủi ro, thách thức như lạm phát, nợ công, bẫy thu nhập trung bình khiến tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trở thành cấp bách.

Thực tế đã cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế thuần tuý không đưa đến sự phát triển. Ngay như Nhật Bản cũng đang phải đối diện với xu hướng co lại cố hữu của nền kinh tế, sự già hoá dân số và tăng trưởng không cao. Trung Quốc - một động lực tăng trưởng ở châu Á cũng đang đứng trước xu thế tăng trưởng chậm lại và khó có thể đạt mức tăng trưởng 2 con số ở giai đoạn này.

Nhiều những bước đi của các nước trong FEALAC cũng giống như những gì Việt Nam đang đối diện ngày hôm nay. Đơn cử như Chi - lê đang phải đối mặt với những thách thức bởi đã từng phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu  và khai thác tài nguyên.

“Các nước châu Á đã từng thành công với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nay đang chuyển sang dựa vào thị trường nội địa”, ông Kensuke Tanaka (Trưởng bộ phận châu Á - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD) cho biết.

Theo ông, nhiều nước gặp sốc lớn sau khủng hoảng với cầu nội địa, năng suất lao động thấp, gia tăng khoảng cách chênh lệch về phát triển và đói nghèo, bên cạnh đó là nguồn nhân lực không đủ đáp ứng nhu cầu. Không những thế, tăng trưởng kinh tế đã để lại những hệ quả cho môi trường. Vì thế, vấn đề nổi lên cho các quốc gia FEALAC là chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển bền vững.

Tuy đây đều là những vấn đề ai cũng  biết, các quốc gia cũng đã nhận ra và hướng đến, song nhìn lại, ở mỗi quốc gia có một cách đi khác nhau, một quyết tâm hành động khác nhau, nên kết quả có thể cũng sẽ rất khác nhau.

Mô hình kiềng 3 chân và nỗi lo bẫy thu nhập

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng - coi trọng chất lượng tăng trưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, gia tăng trách nhiệm xã hội và xoá đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực – đó là những việc FEALAC đã đồng thuận.

Theo ông Hosono Akio (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của JICA - Nhật Bản), Nhật Bản đang thực hiện chính sách kinh tế mới và là điển hình cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên thế kiềng 3 chân, đó là: sự điều hành phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ mạnh mẽ, chính sách tài khoá linh hoạt và chiến lược tăng trưởng.

“Một mũi tên sẽ dễ gẫy nhưng nếu 3 mũi tên chập lại, có bị bẻ cũng khó gãy, đó là quan điểm điều hành của Nhật Bản”, theo ông Hosono Akio. Tháng 1/2013 Nhật Bản đã ra tuyên bố chung để vượt qua giai đoạn giảm phát hướng tới tăng trưởng bền vững và nhận định, ở thời điểm này cần có chính sách đặc biệt về tài khoá – cũng như việc thực hiện chính sách đó. Một chiến lược phát triển mới cũng đã được Nhật Bản đưa ra với 3 từ khoá quan trọng: thách thức, mở và đổi mới tức là tích cực đối mặt với các thách thức, mở cửa với các nước khác và đổi mới.

Theo đó, các nguồn lực đã chuyển từ nơi hiệu suất kém tới nơi hiệu quả hơn. "Mở" hơn vì không tránh khỏi sự cạnh tranh toàn cầu và thương mại tự do, nên tăng cường đầu tư với tư duy cao hơn, vượt qua quy luật đầu tư thông thường để có bước cao hơn. Và đổi mới với Nhật Bản đó là không thể có đột phá nếu không có công nghệ và cơ chế thị trường.

Bẫy thu nhập – đó cũng là một vấn đề mà mọi quốc gia đều muốn tránh và không ít quốc gia đã bị rơi vào đó để đến mức có quốc gia đã qua gần một thập kỷ nhưng vẫn chưa thoát bẫy. Đó chính là bài học và kinh nghiệm mà các quốc gia FEALAC cùng chia sẻ để tránh bẫy.

Ông Hermanto Sigegar (Phó chủ nhiệm Hội đồng Kinh tế quốc gia Indonesia) cho biết, Indonesia đã vượt lên và bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp. Cũng đã có những lo ngại cho rằng, Indonesia có khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế Indonesia giảm đi.

Bên cạnh đó là những thách thức do sản xuất hiện đang bị đình đốn, năng suất thấp, lượng công nhân tay nghề cao không đáp ứng nhu cầu … Nhiều nước khác cũng đã gặp tình huống phải đối mặt với các hạn chế mà những hạn chế này sẽ gây ức chế cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Việt Nam cũng đang được cảnh báo với nguy cơ này.

Kinh nghiệm của Indonesia là xây dựng chiến lược phát triển bền vững, giảm thiểu khoảng cách giữa cung, cầu lao động có tay nghề cao, giảm thiểu quan liêu, tham nhũng và những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn hay những tắc nghẽn về hạ tầng, tiếp theo là khắc phục tình trạng kém hiệu quả trong chuỗi cung ứng. Một khu vực dịch vụ tài chính mở rộng có tác động lan toả đến sự tăng trưởng và nền tảng công nghệ cao, cũng là một kinh nghiệm.

“Nhưng quan trọng hơn cả Chính phủ phải tạo ra hình ảnh rõ ràng về một nền kinh tế và xã hội mà quốc gia đó đang hướng tới”, ông Hosono Akio nhấn mạnh.

Ông Fernando Urrutia Concha, Đại sứ Cộng hòa Chi-lê tại Việt Nam:

Tăng trưởng bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường

Những thách thức gần đây từ toàn cầu hóa và khủng hoảng kinh tế đặt ra các vấn đề mới, buộc chính phủ các nước phải suy nghĩ xem đâu là mô hình mà họ muốn hướng tới để đảm bảo sự phát triển bền vững. Những cuộc thảo luận lớn gần đây ở Liên Hợp quốc, OECD, G20, APEC và các diễn đàn kinh tế quốc tế khác đã chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế có thể là cơ hội để thay đổi mô hình tăng trưởng. Song, cần phải kích hoạt lại các nền kinh tế theo cách bền vững gắn với việc gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.

Tầm quan trọng của thương mại quốc tế với phát triển bền vững cũng đã được ghi nhận rộng rãi. Hiện chúng tôi đã ký 22 hiệp định thương mại với 60 nước. Chúng tôi cho rằng các hiệp định thương mại tự do là một công cụ thích hợp để tăng cường mạnh mẽ hơn việc bảo vệ môi trường, cùng với đó đảm bảo cho một hệ thống thương mại quốc tế công bằng hơn, mở cửa hơn.

Ông San Lwin, Phó Vụ trưởng Vụ Chính trị, Bộ Ngoại giao Myanmar:

Dồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Myanmar đang tái hội nhập với các nước và tổ chức quốc tế. Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn lao khi đất nước nghèo và kém phát triển. Rất nhiều thể chế cần phải được điều chỉnh, số khác phải được cải cách hoàn toàn. Chúng tôi phải tiến tới một nền kinh tế công bằng dựa trên một sân chơi bình đẳng. Nền kinh tế đó phải tạo ra của cải tự nhiên dồi dào, nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên sự chuyển đổi của Myanmar không diễn ra đơn độc. Chúng tôi đã trải qua 3 giai đoạn cải cách: chính trị, kinh tế - xã hội và cải cách hành chính.

Gần đây, Chính phủ đang xem xét hướng tới phát triển khu vực tư nhân trong giai đoạn thứ tư của cải cách. Giai đoạn này sẽ tập trung xây dựng hạ tầng thể chế và khuôn khổ pháp lý về các vấn đề kinh doanh, thương mại, đầu tư và logistic. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh việc quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu và đưa các sản phẩm trong nước thâm nhập thị trường toàn cầu.

Bà Yao Lian  Phang, Viện Khoa học xã hội Vũ Hán, Trung Quốc:

Tạo lan tỏa từ đô thị tới toàn bộ nền kinh tế

Tại Trung Quốc, trọng tâm phát triển kinh tế ngày càng tập trung tại các đô thị. Lấy ví dụ từ Vũ Hán, thành phố công nghiệp quan trọng của Trung Quốc đại lục. Để phát triển kinh tế của Vũ Hán, chúng tôi đã thực hiện 5 kế hoạch lớn.

Thứ nhất là kế hoạch tăng gấp đôi công nghiệp hóa, tập trung phát triển mạnh các ngành sản xuất tiên tiến.

Thứ hai là kế hoạch xây dựng, đẩy nhanh xây dựng các nút giao thông tổng hợp toàn quốc, thúc đẩy trên quy mô lớn quá trình hiện đại hóa xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ ba là kế hoạch tăng cường đổi mới năng lực, đẩy nhanh chuyển hóa kết quả khoa học kỹ thuật và công nghiệp hóa, nâng cao đổi mới năng lực tự chủ.

Thứ tư là kế hoạch nâng cấp ngành dịch vụ, trọng tâm phát triển 5 ngành dịch vụ sản xuất lớn và 5 ngành dịch vụ đời sống.

Thứ năm là kế hoạch nâng cao trình độ quốc tế hóa, thực hiện chiến lược mở cửa chủ động tích cực hơn. Với những kế hoạch này, từ khi thực hiện cải cách đồng bộ xây dựng xã hội vào cuối năm 2007, Vũ Hán đã phát triển và đổi mới một cách mạnh dạn và vững chắc.