Tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2014: Áp lực !

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Với những biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công, câu chuyên lạm phát của năm 2014 sẽ như thế nào?

Tăng trưởng kinh tế và lạm phát 2014: Áp lực ! - Ảnh 1
PGS., TS. Ngô Trí Long
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS., TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông nhiều chuyên gia có ý kiến rằng sẽ có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế và lạm phát xảy ra trong giai đoạn năm 2014, quan điểm của ông thế nào?

PGS., TS. Ngô Trí Long: Có hai 2 kịch bản có khả năng xảy ra. Kịch bản thứ nhất, đó là chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống sẽ giúp nền kinh tế giải quyết những khó khăn. Kịch bản này được cho là nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn với chính sách điều hành dần đi vào cuộc sống. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67% và CPI khoảng 7%.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng cao, đi kèm với tác động tích cực từ đà phục hồi kinh tế thế giới đồng thời tận dụng lợi thế từ việc mở rộng đầu tư qua các hiệp định thương mại. Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 sẽ đạt ở mức 6,2%, CPI vẫn duy trì mức 7%.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ khá thành công. Trong đó việc giảm lãi suất quyết liệt. Tuy nhiên, mức lạm phát 6% - 7% đã đặt họ vào thế khó hơn bởi lẽ không thể coi con số này là thấp được trong điều kiện kinh tế đang yếu.

Vậy theo ông, mức lạm phát như thế nào thì phù hợp với nền kinh tế Việt Nam hiện tại ?

Tôi cho rằng đối với tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại, mức lạm phát dưới 6% là phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tái cấu trúc và chính sách tiền tệ. Vấn đề là khi đặt mục tiêu lạm phát ở mức nào thì chính sách của các bộ, ban ngành sẽ chỉ quanh quẩn ở con số đó, trong khi chúng ta có thể làm tốt hơn. Ví như năm 2012, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát ở mức 5%, thậm chí tốt hơn để tạo dư địa cho các chính sách vĩ mô khác…

Vậy chúng ta cần có biện pháp gì để thực hiện được các mục tiêu trên, thưa ông?

Để ổn định giá cả trong năm 2014, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá,… Lạm phát năm 2014 cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn nếu có biến động mạnh trong điều hành chính sách vĩ mô, nhất là khi điều chỉnh tăng đầu tư công, tăng dư nợ tín dụng, tiền lương, giá điện, than và dịch vụ công.

Mức lạm phát dưới 6% là phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tái cấu trúc và chính sách tiền tệ.

Cần tập trung kiểm soát lạm phát ngay cả khi vẫn ở mức thấp để tránh rủi ro cho những năm tới. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế... theo lộ trình phù hợp, bảo đảm yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần có giải pháp cụ thể, giúp  doanh nghiệp chuẩn bị và nâng cao tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng cởi mở và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Mặc dù các bước cải cách doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm, nhưng tốc độ còn chậm và hiệu quả còn thấp.

Vì thế, các chương trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa  doanh nghiệp cần phải được Chính phủ chỉ đạo và thực hiện nhanh và mạnh hơn trong năm 2014. Cùng với đó, giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!