Thực trạng tăng trưởng kinh tế những năm gần đây

Các số liệu thống kê cho thấy, GDP nước ta tăng liên tục từ năm 2000 đến 2007, đạt mức 8,44% sau đó sụt giảm năm 2008 ở mức 6,31% và 2009 là 5,32%, năm 2010 lại tăng lên 6,78%, hai năm tiếp theo 2011 và 2012 lại tiếp tục sụt giảm và ở mức 5,89% và 5,03%. Năm 2012 có tỷ lệ tăng GDP thấp nhất trong vòng nhiều năm nhưng điều cần nhấn mạnh là sự “không bình thường” trong giai đoạn 2007 đến nay. Theo nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê, những chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến tăng trưởng trong thời kỳ 2007-2012 là:

Tỷ lệ tăng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP luôn ở mức trên 40% (cao nhất năm 2007 đạt 46,5%), tuy nhiên, đến năm 2011-2012 giảm nhanh còn 34,6%. Trong đó, tỷ lệ đầu tư của các khu vực kinh tế nhà nước dao động quanh mức 37 - 38%, khu vực ngoài nhà nước trên 35% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xoay quanh mức 26% trong khi tỷ lệ tích lũy nội bộ dưới 30%. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng của tổng sản phẩm (GO) xoay quanh mức 11 - 13% và tốc độ tăng giá trị gia tăng (VA) dao động từ 6-8%.

Đóng góp của các yếu tố vốn, lao động và nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP tương ứng là 76, 16 và 7%, so với giai đoạn trước đó đã thay đổi theo hướng xấu đi, giai đoạn 2000-2006 số liệu các yếu tố tương ứng là 51, 23 và 26%. Trong giai đoạn 2006 -2012, nước ta luôn có tỷ lệ nhập siêu, năm cao nhất là 2008 lên đến 20,1% và năm 2011 là 8%. Từ năm 2012 đến nay con số này đang giảm, theo nhận định của nhiều nhà kinh tế là "không bình thường". Tỷ lệ thu – chi ngân sách với thu đạt 27,2% - chi 36,3% tiếp tục mất cân đối hơn so với giai đoạn 2000-2005, với tỷ lệ thu - chi ngân sách tương ứng là 24,6% và 32,6%. Các tỷ lệ nợ công, nợ nước ngoài và nợ công nước ngoài, theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong giai đoạn từ 2007 đến nay tiếp tục gia tăng nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn.

Những số liệu nêu trên chỉ ra rằng, trước năm 2007 nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu như: tốc độ phát triển kinh tế tương đối cao (khoảng 7,2%/năm); GDP bình quân đầu người tăng gấp 2 lần năm 2001 (nếu tính giá hiện hành thì khoảng 3,4 lần); thu ngân sách, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 4 lần và quan trọng là Việt Nam đã bước đầu thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế hiện tai đang bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt khi có biến động.

Tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Việt Nam - Ảnh 1

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế dựa trên thâm dụng vốn đầu tư là cơ bản. Điều này thể hiện ở chỗ sự tăng trưởng kinh tế những năm qua vẫn theo chiều rộng là chính, dựa trên khai thác nguồn lực sẵn có, nghĩa là dựa trên lợi thế tĩnh, chứa chưa dựa trên khai thác tối ưu lợi thế động. Để khai thác lợi thế tĩnh Việt Nam phải đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước với nhiều hình thức khác nhau. Sự phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư để tăng trưởng dẫn đến hệ quả là muốn duy trì mức tăng trưởng cao, phải tiếp tục tăng vốn thêm nữa.

Thứ hai, bất cập trong đầu tư công ở nước ta là tập trung vào đầu tư cho kinh tế rất cao (chiếm 73% tổng vốn đầu tư của Nhà nước) trong khi đầu tư vào các lĩnh vực xã hội có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của con người (khoa học, giáo dục, đào tạo, y tế, cứu trợ xã hội, văn hoá, thể thao…) lại rất thấp và đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Hơn nữa, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tham nhũng, lãng phí làm cho đầu tư công có hiệu quả thấp.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ; Năng suất lao động toàn xã hội thấp tăng chậm so với tiềm năng. Mức tiêu tốn năng lượng để tạo ra một đơn vị GDP của nước ta cao so các nước trong khu vực. Nguồn lực phân bổ không hợp lý cho các lĩnh vực…

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời gian vừa qua chủ yếu theo chiều rộng (về số lượng) và chứa đựng những yếu tố không ổn định.

Tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Việt Nam - Ảnh 2

Thực trạng lạm phát

Các số liệu cho thấy hai năm 2002-2003, CPI tăng thấp nhưng từ năm 2004-2010, lạm phát cao trở lại, gần như lặp đi lặp lại, cứ 2 năm tăng cao mới có 1 năm tăng thấp. Từ năm 2007 đến nay, lạm phát có chiều hướng mất ổn định hơn. Chiều hướng biến động CPI như trên liên quan đến cung tiền và tín dụng trong giai đoạn này.

Nguyên nhân của tình trạng lạm phát cao trong năm 2011 về cơ bản là do tiền tệ đã được nới lỏng trong một thời gian dài. So với các nước trong khu vực, tốc độ tăng cung tiền M2 của Việt Nam khá cao. Tính trung bình giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng cung tiền M2 của Việt Nam dẫn đầu khu vực với mức tăng 31,4%, sau đó là của Trung Quốc (17,8%), Indonesia (13%), Philippines (10,2%), Malaysia (8,7%) và Thái Lan (6,2%). Riêng năm 2010, tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam thậm chí lên tới 33,3%. Do cung tiền tăng nhanh nên tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP của Việt Nam tăng lên rất nhanh. Từ sau khủng hoảng tài chính 1997-1999, trong khi các nước trong khu vực có xu hướng duy trì ổn định tỷ lệ cung tiền trên GDP thì tỷ lệ này luôn có xu hướng tăng ở Việt Nam. Tín dụng tăng nhanh đã giúp giới đầu cơ đẩy giá bất động sản tăng cao trong một thời gian dài, đặt nền kinh tế trong trạng thái “bong bóng” bất động sản. “Bong bóng” bất động sản khuyến khích người dân tiết kiệm ít đi và tiêu dùng nhiều hơn, tạo áp lực cho giá cả… Trước tình hình trên, Chính phủ đã đề ra chủ trương với các biện pháp mạnh, CPI hằng tháng giảm nhanh, bắt đầu từ 8/2011. Lạm phát tháng 8/2011 (so cùng kỳ) là 23% đã giảm, đến 8/2012 chỉ còn 5%. Một nguyên nhân quan trọng của kết quả nêu trên là việc, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền ra thị trường bằng các kênh chính thức (như hỗ trợ đầu tư, kể cả trái phiếu chính phủ, hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại qua thị trường mở) và sau đó bằng các biện pháp nghiệp vụ đã thu tiền về nhanh, làm cho việc cung tiền (qua M2) danh nghĩa thì lớn, nhưng tiền (nhất là tiền mặt) thực sự tham gia lưu thông thì ít hơn.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Việt Nam

Có nhiều mô hình lý thuyết khác nhau về mối hệ giữa lạm phát và tăng trưởng nhưng quan điểm chung của các trường phái là mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng không phải là mối quan hệ một chiều mà là sự tác động qua lại. Trong ngắn hạn, khi lạm phát còn ở mức thấp, lạm phát và tăng trưởng thường có mối quan hệ cùng chiều. Nghĩa là nếu muốn tăng trưởng đạt tốc độ cao hơn thì phải chấp nhận tăng lạm phát. Tuy nhiên, mối quan hệ này không tồn tại mãi mãi mà đến một lúc nào đó, nếu lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng làm giảm tăng trưởng. Trong dài hạn, khi tăng trưởng đã đạt đến mức tối ưu thì lạm phát không tác động đến tăng trưởng nữa mà lúc này, lạm phát là hậu quả của việc cung tiền quá mức vào nền kinh tế.

Khi nghiên cứu mối liên hệ này qua số liệu GDP và CPI của Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2010, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, ngưỡng lạm phát ở Việt Nam nên là 5% - 6%. Việc lạm phát tăng cho đến ngưỡng 6%/năm không quá nguy hại đến nền kinh tế. Còn nếu lạm phát ở trên ngưỡng 6%, để tăng trưởng kinh tế, Chính phủ lại phải điều tiết giảm lạm phát.

Một nghiên cứu về vấn đề này cũng có kết luận tương tự rằng giữa tăng trưởng và lạm phát có mối quan hệ đồng biến trong cả dài hạn và ngắn hạn và sự thay đổi của tăng trưởng nhanh hơn sự thay đổi của lạm phát, ngoài ra, lạm phát có ảnh hưởng đến tăng trưởng nhiều hơn, điều đó cho thấy lạm phát còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác, đặc biệt là những biến động trong ngắn hạn. Nhóm tác giả nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ không nên theo đuổi mục tiêu giữ lạm phát thấp bằng mọi giá, mà cần thực hiện các biện pháp thích hợp ổn định lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và tránh những cú sốc lạm phát.

Giải pháp trong thời gian tới

Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô

Trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, Việt Nam đã có chủ trương đúng là tập trung cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tiếp nối Nghị quyết 11/2011/NQ-CP, điều này đã được khẳng định trong các Nghị quyết gần đây của các Hội nghị Trung ương Đảng (nhất là Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XI) về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng), Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 và các Nghị quyết 01/2012/NQ-CP của Chính phủ về điều hành năm 2012, Nghị quyết 13/2012/ NQ-CP về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 5,03%. Đây là mức thấp hơn so với mức 5,44% của quý IV/2012. Những tồn tại và khó khăn là tồn kho sản phẩm, nợ đọng tăng cao, khó khăn của thị trường bất động sản chưa thể giải quyết. Vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại, quá trình hoạt động kém hiệu quả của một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… sẽ là những trở lực lớn của tăng trưởng và phát triển nền kinh tế năm nay. Vì vậy, các chuyên gia đều có chung dự báo, GDP năm 2013 nhiều khả năng thấp hơn năm 2012 trong khi thu ngân sách nhà nước sẽ rất khó khăn do tác động của nền kinh tế trì trệ. Năm 2013 là năm niềm tin của thị trường bị giảm sút nghiêm trọng, muốn kinh tế tăng trưởng trước hết các chính sách phải lấy lại niềm tin cho thị trường.

Tuy vậy, năm 2013 nền kinh tế nước ta đan xen cả thách thức và cơ hội. Ngoài những giải pháp ngắn hạn, cần phải có tầm nhìn với những giải pháp trung và dài hạn. Trước hết, đó là cần đổi mới mạnh mẽ việc quản lý đầu tư công, hạn chế và khắc phục cách đầu tư phục vụ nhóm lợi ích; thu hẹp tối đa lối đầu tư mang tính đầu cơ, trục lợi, theo phong trào, chạy theo các giá trị ảo; Tập trung triển khai tái cơ cấu khối DNNN, các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công với quy mô và cường độ lớn, thay đổi tư duy về vai trò của DNNN bằng đổi mới cách thức quản trị loại hình DN này.

Lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế và giải pháp chính sách

Các nghiên cứu trong ngoài nước đều chỉ ra rằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào việc mở rộng quy mô qua thâm dụng vốn nhưng hiệu quả thấp, không dựa vào yếu tố công nghệ, trình độ tổ chức quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao. Mô hình tăng trưởng kinh tế mới là thay đổi về chất từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, dựa trên yếu tố năng suất tổng hợp, tiến bộ khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Định hướng chính sách cho mô hình tăng trưởng kinh tế dài hạn là xác định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hợp lý (chứ không phải đặt nặng mục tiêu tốc độ cao, năm sau cao hơn năm trước), phát triển ổn định, hiệu quả và cạnh tranh. Để nâng chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế bền vững cần thực hiện các nhóm giải pháp sau đây:

Một là, Nhà nước cần phải đẩy mạnh sự thay đổi thể chế, loại trừ lợi ích nhóm, chống tham nhũng, minh bạch hóa thông tin… Cần nhận thức đầy đủ hơn quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các loại thị trường, áp dụng đúng đắn các biện pháp quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường để sử dụng một cách hiệu quả vốn, tài nguyên, con người…

Hai là, cần khai thác tốt nhất các yếu tố tăng trưởng kinh tế, đó là huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài nguyên, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, nhập khẩu và sản xuất các loại máy móc, trang thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến, sử dụng tốt hơn nhân tố con người bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo bằng các chương trình tiên tiến, áp dụng các kỹ năng tư duy, kỹ năng quản lý và kỹ năng lao động gắn với nhu cầu thị trường.

Ba là, trong những năm trước mắt cũng như lâu dài Chính phủ vẫn cần thiết duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức 5 đến 6%, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt, định hướng vào những ngành ưu tiên. Kinh nghiệm của một số nước, đặc biệt là Trung Quốc cho thấy có thể duy trì mức lạm phát thấp mà vẫn có thể đạt được tăng trưởng cao liên tục trong một thời kỳ dài; Tránh nóng vội tăng trưởng nhanh bằng cách lạm dụng yếu tố tiền tệ, thiếu sự kiểm soát để dẫn tới lạm phát cao gây nên các cú sốc như giai đoạn 5 năm từ 2008 đến nay.

Bốn là, từng bước thực hiện tái cấu trúc DN về thực chất, theo hướng thị trường, nhất là đối với các DNNN nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Cần có giải pháp cấp bách nhằm khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất, tỷ lệ hàng tồn đọng cao của các DN như thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí… hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.

Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp (nhất là những chính sách về đất đai, đầu tư…) nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ vào các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu… cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của đầu tư FDI lên cộng đồng DN trong nước.

Nghiên cứu mối liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát qua một thời kỳ dài thông qua các con số chỉ cho nhận xét chung nhất về sự biến động của 2 chỉ tiêu trên mà thôi. Bối cảnh của sự thay đổi này như thể chế, cơ cấu kinh tế, môi trường kinh doanh, các chủ thể tham gia nền kinh tế… tình hình trong nước và quốc tế (yếu tố hội nhập)… là những lý giải quan trọng tạo độ tin cậy, tính thuyết phục cho các nhận định về thực trạng và giải pháp. Yêu cầu này đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng chính sách tiền tệ, công cụ lạm phát là quan trọng về nhiều khía cạnh nhưng hãy lưu ý, lạm phát là con dao hai lưỡi, sử dụng nó sao cho không tổn hại đến tăng trưởng trung và dài hạn. Nhóm tác giả muốn nhấn mạnh đặc biệt đến các yếu tố tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Giải pháp chính sách đề xuất là phải lựa chọn chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chất lượng làm chủ đạo. Quá trình chuyển đổi này, chúng ta có thể gắn với thuật ngữ tái cơ cấu kinh tế, tài chính ngân hàng hay DN… thì cũng cần phải có thời gian và đòi hỏi chi phí. Các chi phí chuyển đổi mô hình có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng ở một chừng mực nhất định. Chúng ta đang cần động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phải có nghiên cứu, thực thi động lực này.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Hoàng Ngân, Hoàng Hải Yến và Vũ Thị Lệ Giang. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (2010). Lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam;

2. Nguyễn Trung Chính. (2010). Đại học Ngoại thương. Mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát qua kết quả phân tích ở Việt Nam;

3. Phạm Quý Thọ, Tân Anh, Nguyễn Văn Chiến, Vũ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thu. Học viện Chính sách & Phát triển. Một số giải pháp khôi phục niềm tin chính sách nhằm đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong năm 2013. Tạp chí Ngân hàng. Số 7, tháng 4-2013 ;

4. Đào Duy Huân. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam phù hợp với hội nhập quốc tế. Tạp chí Phát triển & Hội nhập. Số 5 (15) - Tháng 7-8/2012.

* Nhóm nghiên cứu kinh tế gồm: Tân Anh, Tường Lan Anh, Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Nam Hải, Vũ Thị Thanh Hương, Nguyễn Xuân Nhật, Phạm Quý Thọ, Nguyễn Thị Thu.

Tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở Việt Nam

NHÓM NGHIÊN CỨU KINH TẾ* - Học viện Chính sách và phát triển

(Tài chính) Bài viết đặt từ “tăng trưởng” trước “lạm phát” bởi nhóm nghiên cứu cho rằng tăng trưởng phải là chủ đạo; chính sách tiền tệ, công cụ lạm phát là quan trọng xét trên nhiều khía cạnh nhưng hãy lưu ý, lạm phát là con dao hai lưỡi, sử dụng nó sao cho không tổn hại đến tăng trưởng trung và dài hạn. Nhóm tác giả cũng muốn nhấn mạnh đặc biệt đến yếu tố tăng trưởng bền vững. Giải pháp chính sách đề xuất là phải lựa chọn chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chất lượng.

Xem thêm

Video nổi bật