Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế

Theo daibieunhandan.vn

Sự đối lập giữa cung và cầu trong nước cùng mức tăng tốt của xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm nay cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế đang gia tăng động lực từ nhu cầu nước ngoài. Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 3/2017, Công ty Nghiên cứu Thị trường Marketintello nhận định: tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Xuất khẩu tăng cao nhất trong gần 3 năm qua

TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Marketintello cho biết, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2016. “Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 4.2014”, ông Minh nhận xét.

Trong khi đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy triển vọng tươi sáng của khu vực sản xuất. Trong tháng 2, PMI tăng từ mức 41.9 (tháng 1) lên mức 54,2 và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5.2015. Theo số liệu của IHS Markit (tổ chức thống kê PMI), trong tháng 2, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh, tồn kho hàng mua tăng cao kỷ lục và mức độ lạc quan trong kinh doanh đạt mức cao.

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm mới chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ (2015 và 2016 lần lượt tăng 12% và 6,6%) cho thấy ngành sản xuất có thể sẽ cần thời gian để hồi phục.

Trái ngược với khu vực xuất khẩu và sản xuất, cầu tiêu dùng nội địa còn tương đối yếu, TS. Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia kinh tế, Kinh tế trưởng của Marketintello cho hay.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 8,7%, nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,6%, thấp hơn cùng kỳ 2016 (đạt 7,6%) và là mức thấp nhất kể từ 2014. “Sự đối lập giữa cung và cầu trong nước, cùng mức tăng tốt của xuất khẩu cho thấy nhiều khả năng nền kinh tế đang gia tăng động lực từ nhu cầu nước ngoài”, TS. Đinh Tuấn Minh nhận xét.

Marketintello cho rằng, với việc cầu tiêu dùng trong nước vẫn trong xu thế suy giảm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh đó, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng đầu năm cũng có thể ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận của doanh nghiệp vì khó chuyển gánh nặng lạm phát sang cho người tiêu dùng nội địa một khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách kiểm soát cung tiền chặt chẽ để kiểm soát lạm phát.

Tỷ giá sẽ diễn biến rất phức tạp

Markerintello dự báo mặt bằng lãi suất năm nay về cơ bản sẽ được giữ ở mức ngang với năm 2016 nhờ tác động kiểm soát lạm phát từ NHNN và Chính phủ. “Tuy nhiên, trước áp lực tăng lãi suất của đồng USD, có thể ở một số thời điểm NHNN sẽ phải nâng lãi suất VNĐ để bảo vệ tỷ giá”, Giám đốc điều hành Markerintello nhận định. VNĐ được dự báo là sẽ không mất giá nhiều nhờ cán cân thương mại tiếp tục cân bằng trong khi cán cân vốn đạt thặng dư và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào.

“Chúng tôi cũng lưu ý rằng diễn biến của tỷ giá USD/VNĐ năm 2017 sẽ rất phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách kinh tế của chính quyền Donald Trump”, TS. Đinh Tuấn Minh nói. Câu chuyện về tỷ giá, theo ông, có thể sẽ khác đi rất nhiều nếu như chính sách thuế điều chỉnh biên giới của Mỹ (BAT) được triển khai trong năm 2017.

Markerintello cho rằng, nếu Mỹ triển khai BAT sẽ tác động bất lợi tới các nước xuất siêu sang Mỹ, trong đó có Việt Nam. BAT chỉ đánh thuế doanh thu nội địa và do đó đánh thuế các sản phẩm trong nước và hàng nhập khẩu. Tuy nhiên hàng hóa xuất khẩu vẫn được miễn thuế. Điều này dẫn đến một khoản thuế đối với hàng nhập khẩu và một khoản trợ giá cho xuất khẩu.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Marketintello, mức độ ảnh hưởng của BAT đối với Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thay thế của các sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu từ nước khác cũng như cách mà người tiêu dùng Mỹ phản  ứng với việc tăng giá hàng nhập khẩu.

“Ít nhất đối với những hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, có thể dự đoán rằng hàng dệt may và điện tử sẽ không bị thay thế ngay bởi các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Do đó, các công ty nhập khẩu tại Mỹ, chẳng hạn siêu thị bán lẻ Wal Mart, sẽ đẩy gánh nặng tăng giá cho người tiêu dùng làm gia tăng lạm phát. Phản ứng của người tiêu dùng sau đó sẽ xác định sự thay đổi nhu cầu nhập khẩu và xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn”.

Các nước xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ lường trước thay đổi chính sách thuế tại Mỹ và sử dụng chính sách tiền tệ để giảm giá trị đồng tiền của họ đối với USD như một phản ứng trước BAT. Điều này sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của họ rẻ hơn, và hoạt động như một biện pháp đối phó với hàng xuất khẩu rẻ hơn của Hoa Kỳ và thuế biên giới 20%.

Tuy nhiên, Marketintello cho rằng, NHNN Việt Nam nhiều khả năng sẽ không muốn đồng Việt Nam mất giá nhanh vì có thể làm tăng tỷ lệ lạm phát vốn đã vượt mục tiêu năm. Hậu quả là các sản phẩm của Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việc triển khai BAT tại Mỹ sẽ gây áp lực khiến NHNN phải hành động để kiềm chế lạm phát và tạo điều kiện cho sự mất giá nhanh hơn của VNĐ.