Tăng trưởng tín dụng: Cơ hội về đích ở phía trước!

Theo vietnamplus.vn

Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định, việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 tăng đột biến được cho là đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng.

Tăng trưởng tín dụng: Cơ hội về đích ở phía trước!
Tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012. Nguồn: internet

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2013, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012. Mức tăng này được cho là đột biến vì trước đó, tính cả 5 tháng tín dụng mới chỉ tăng được 2,98%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả này bắt nguồn từ hàng loạt các động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước và từ việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng.

"Lùa" vốn cho vay, nới "room" tín dụng

Trong vài tháng trở lại đây, nhận thấy tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, đầu ra khó nên các ngân hàng thương mại đã tập trung dành nguồn vốn cho vay tiêu dùng cá nhân như cho vay sửa chữa nhà, mua nhà, mua ôtô… với lãi suất ưu đãi.

Điển hình là Techcombank đã dành nguồn tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng tài trợ cho khách hàng cá nhân vay vốn mua bất động sản, mua ôtô, vay tiêu dùng, vay xây sửa nhà và vay hộ kinh doanh với lãi thấp 5,99%/năm trong thời gian 6 tháng nếu thời hạn vay từ 5 năm trở lên. TienPhong Bank ưu đãi lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho khách hàng mua ôtô và mua tiêu dùng thế chấp bất động sản sẽ được hưởng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu. HDBank cũng đang dành ưu đãi lớn 0% trong năm đầu tiên cho khách hàng mua căn hộ thuộc dự án Dragon Hill Residence and Suites - TP. Hồ Chí Minh...

Lý giải cho hành động này, lãnh đạo của HDBank cho biết, do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có biểu hiện giảm sâu hơn, hàng tồn kho lớn, sức tiêu thụ chậm, khả năng hấp thụ vốn kém... nên thời gian này ngân hàng đã dành nhiều ưu đãi cho khách hàng cá nhân.

"Đây là thời điểm thuận lợi cho khách hàng cá nhân sửa chữa nhà cửa, mua nhà mới vì thị trường bất động sản được cho là đã về đáy. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào những chương trình như thế này," lãnh đạo HDBank nhấn mạnh.

Đặc biệt, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại kỳ vọng các gói tín dụng ưu đãi sẽ kích tín dụng tăng mạnh vào cuối năm nên đã xin nới “room” tăng trưởng tín dụng được giao đầu năm.

Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang cho biết, thời gian qua Sacombank cũng như nhiều ngân hàng khác rất chủ động trong việc hạ lãi suất cho vay cùng các giải pháp hỗ trợ kèm theo tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn. Sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đã đạt 11%. Chính vì vậy, ngân hàng này đã chủ động xin nới “room” tăng trưởng tín dụng lên 20% và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhongBank lại mong muốn được tăng trưởng nhiều hơn chỉ tiêu chung 12% của toàn ngành.

Ông Hưng nói: “Chúng tôi đã tự tái cơ cấu xong, các chỉ tiêu an toàn theo quy định đều đạt và vượt. Mặc dù thấm thía bài học vung vãi tín dụng trước đây, nhưng với quy mô tín dụng nhỏ mà chỉ tăng trưởng 12% thì rất khó cân đối lời lãi. Thế nên, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cho phép các đơn vị nhỏ như TienPhongBank được tăng trưởng tín dụng lớn hơn mức chung toàn ngành.”

Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định, việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 6 tăng đột biến được cho là đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng. Còn những ngân hàng lớn, tín dụng tăng thấp hơn như Agribank chỉ tăng 4,2%. Riêng Vietcombank đã tăng trưởng âm (-1,1%) trong 6 tháng, chủ yếu do một số khách hàng lớn đáo hạn các khoản vay USD và khiến dư nợ cho vay USD giảm mạnh.

Mở "van" tài sản, gia tăng tổng cầu

Theo mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước là 12% trong năm nay thì 6 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng trung bình khoảng 1,25%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lực cầu tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm khi đã có nhiều cơ chế chính sách đi vào cuộc sống.

Việc gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp khơi thông dòng vốn tín dụng. Gói hỗ trợ có thể có giá trị chưa được như nhiều người mong đợi, nhưng vào thời điểm này lại được xem như luồng gió mới góp phần phá băng thị trường bất động sản, từ đó kích thích nguồn vốn đầu tư vào thị trường này mạnh mẽ hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 8/7, đã có 3 ngân hàng (BIDV, VietinBank, Vietcombank) cho vay với tổng số tiền giải ngân và đề nghị được tái cấp vốn khoảng 40 tỷ đồng; trong đó cho vay đối với khách hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở khoảng hơn 5 tỷ đồng; cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội là 34,3 tỷ đồng. Riêng Agribank, mặc dù chưa phát sinh dư nợ nhưng đến nay đã ký hợp đồng nguyên tắc và xem xét thẩm định hồ sơ của 10 doanh nghiệp với 13 dự án.

Dù kết quả giải ngân trong tháng đầu tiên còn khiêm tốn, tuy nhiên, những dự án và hồ sơ vay đang được thẩm tra ngày càng dày thêm là điểm tựa để có thể tin tưởng tốc độ giải ngân trong thời gian tới sẽ có những tiến triển nhất định.

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) cũng là một yếu tố tích cực giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. VAMC đi vào hoạt động sẽ giúp quá trình cơ cấu các khoản nợ của hệ thống ngân hàng được nhanh hơn. Khi VAMC mua bớt một phần nợ xấu thì gánh nặng của các ngân hàng sẽ giảm xuống, từ đó có thể đẩy tín dụng ra nhiều hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay từ phía các ngân hàng.

“Hiến kế” để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9% trong nửa cuối năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank cho rằng, cần phải mở hai “van” mà trước hết là giải quyết nhanh ách tắc từ việc xử lý tài sản bảo đảm.

Bởi lẽ, hiện nay, việc phát mãi tài sản bảo đảm vô cùng khó khăn, tiêu tốn thời gian, chi phí lớn nhưng ngân hàng không đòi được nợ. Hai là, Chính phủ cần phải tác động mạnh vào chính sách tài khóa để gia tăng tổng cầu.

“Cần phải nâng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, tăng đầu tư công, qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, để góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng,” ông Bảo nói.

Còn theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, ngân hàng càng phải chú trọng tới việc đưa nguồn vốn tới đúng địa chỉ. Bởi, quan trọng là tạo ra sức mua cho nền kinh tế, từ đó mới có thể kích thích sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Kiêm, trong tình hình điều kiện thế chấp tài sản đảm bảo nợ khó khăn, giá trị tài sản giảm sút nghiêm trọng như hiện nay, ngân hàng và doanh nghiệp phải có vận dụng linh hoạt, tìm cách giải quyết mới thông qua hoạt động bảo lãnh để không "bỏ quên" các doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, song đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính.

"Mặc dù sẽ có độ trễ nhưng đây được coi là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã có sự tăng nhanh trở lại cho thấy nhiều khả năng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% trong cả năm của Ngân hàng Nhà nước sẽ đạt được," ông Kiêm lạc quan.