Tăng trưởng xanh: Không thể chậm trễ

Theo daibieunhandan.vn

Trong giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, cần nhìn nhận phát triển tăng trưởng xanh như một khuôn khổ không thể tách rời của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất trước yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững về dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thách thức thâm căn cố đế

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và triển khai. Tuy nhiên, dường như những chính sách này mới dừng ở trên giấy, việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn còn khoảng cách khá xa so với các mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Vũ Tuấn Anh băn khoăn, phải chăng việc thực hiện tái cấu trúc các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở nước ta chưa đạt như mong đợi do vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức thâm căn cố đế không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Có thể thấy, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh dường như vẫn là những khái niệm tương đối mới ở nước ta, chưa trở thành nền tảng có hệ thống và chắc chắn cho hành động. Việc thực hiện tăng trưởng xanh hiện mới dừng ở quá trình tự tìm tòi, thử nghiệm, có sáng tạo và áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước và việc cơ cấu lại mô hình phát triển kinh tế là không dễ trong điều kiện hiện nay. Chẳng hạn, một địa phương tuy có lợi thế phát triển tăng trưởng xanh, song nếu kinh tế nâu mang lại những lợi ích trước mắt, địa phương này sẽ chọn theo đuổi kinh tế nâu. Ông Vũ Tuấn Anh nhận định, một trong những rào cản, thách thức lớn nhất trong phát triển tăng trưởng xanh hiện nay chính là xu hướng hy sinh vì lợi ích trước mắt thay vì nhận ra sự ưu việt của tăng trưởng xanh trong dài hạn.

Bên cạnh đó, xét về mô hình phát triển, nền kinh tế nước ta hiện là kinh tế nâu, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên ở cường độ cao, nhiều ngành gây ô nhiễm môi trường chiếm tỷ trọng lớn, trong khi công nghệ khai thác lạc hậu, hiệu quả sử dụng thấp, tiêu hao năng lượng lớn.

Hơn nữa, để có thể thay đổi mô hình tăng trưởng đòi hỏi phải thay đổi một thế hệ công nghệ sản xuất, không dễ để thực hiện ngay. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất trong quá trình bước đầu tiếp cận kinh tế xanh ở nước ta, nhất là khi còn thiếu nhiều ngành sản xuất hỗ trợ, giải quyết những hậu quả về môi trường và tạo bước đệm cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh như công nghiệp tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải…

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho thực hiên tăng trưởng xanh còn hạn chế và nhiều nơi vẫn chưa quan tâm, chú trọng áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, điện, nước dù Nhà nước đã ban hành không ít chính sách về áp dụng sản xuất sạch hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phát triển bền vững, thách thức không dễ giải quyết nhất dường như chính là vấn đề nhận thức chung về kinh tế xanh còn rất hạn chế, thói quen sản xuất và tiêu dùng còn lạc hậu so với yêu cầu của tăng trưởng xanh - chủ yếu quan tâm đến giá cả, tính an toàn của sản phẩm đối với cá nhân người tiêu dùng mà chưa tính đến lợi ích cho môi trường chung của cộng đồng.

Tán thành với quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh, điều quan trọng để thực hiện thành công tăng trưởng xanh không chỉ là công nghệ, quy trình, phương thức quản lý mới; cách thức sử dụng nguyên, nhiên liệu mới; cách thức tiêu dùng mới theo hướng xanh hóa; mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng yếu tố nguồn nhân lực, con người - hiện còn rất thiếu và yếu.

Từ nâu sang xanh

Để có thể từng bước vượt qua thách thức, thực hiện thành công mô hình tăng trưởng xanh bền vững thời gian tới, theo Viện trưởng Nguyễn Quang Tuấn, trước hết, các ngành sản xất cần khẩn trương tiến hành xanh hóa thông qua các giải pháp tái cơ cấu ngành, đổi mới công nghệ, cách thức tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh; bởi vấn đề an toàn môi trường đang là vấn đề rất cấp bách, không thể chậm trễ hơn.

Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại cơ cấu phát triển các ngành sản xuất, nhất là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; bổ sung tiêu chuẩn môi trường vào danh mục tiêu chuẩn thiết yếu nhất để lựa chọn các ngành, nghề khuyến khích đầu tư.

Thêm vào đó, cần thực hiện tái cơ cấu nguồn nhiên liệu sử dụng trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và năng lượng; thực hiện chính sách bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, xuất khẩu hạn chế những loại tài nguyên không có khả năng tái tạo; khuyến khích phát triển các ngành sản xuất sử dụng năng lượng mới, có thể tái tạo; triển khai liên kế hệ thống năng lượng trong khu vực.

Để bảo đảm yêu cầu cho thực hiện tăng trưởng xanh, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế xanh như phát triển các ngành kinh tế sinh thái; đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất phế thải trong nước; thúc đẩy sản xuất hàng hóa và dịch vụ môi trường nhất là các dịch vụ phục hồi và cải thiện môi trường; phục hồi, phát triển nguồn vốn tự nhiên, và nâng dần tỷ lệ nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức và kiên quyết triển khai áp dụng công nghệ mới, sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng phổ biến các công nghệ xanh (năng lượng xanh…). Và hơn hết, cần rà soát lại các mục tiêu ưu tiên của tăng trưởng xanh để thực hiện phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính và con người để tăng tính khả thi của quá trình chuyển nền kinh tế từ nâu sang xanh, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2006 - 2010, chỉ có 50% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung và có tới 70% trong hơn 1 triệu m3 nước thải công nghiệp thải ra môi trường không được xử lý, gây ô nhiễm các nguồn nước mặt. Chất thải rắn từ các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng về số lượng và tính độc hại, nhưng tỷ lệ thu gom, phân loại và xử lý đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường còn rất hạn chế. Dự báo, tổng phát thải chất thải rắn từ các khu công nghiệp năm 2015 vào khoảng 6 - 7,5 triệu tấn/năm và năm 2020 là 9 - 13,5 triệu tấn/năm.