Tăng vốn cho VAMC nếu nợ xấu cao hơn dự kiến

Theo Báo Hải quan

Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa được thành lập với kỳ vọng sẽ giúp xử lý nợ xấu và khơi thông dòng vốn tín dụng.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc hoạt động của VAMC. Phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.
http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_06_12/TS-Le-Xuan-Nghia.png
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế hiện nay. Theo ông, để đạt được những mục tiêu này thì cần có những giải pháp gì?

Lời giải duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là phá băng tín dụng. Để phá băng tín dụng không đơn giản là chỉ giảm lãi suất, mà quan trọng nhất là xử lý nợ xấu và sắp xếp lại các ngân hàng yếu kém. Bởi nợ xấu là vấn đề cốt lõi để phá băng tín dụng, vì có nợ xấu nên các ngân hàng thương mại không dám giải ngân, kể cả với các dự án tốt cũng không thể cho vay. Một khi phá được băng tín dụng thì sẽ tìm được lối thoát cho tăng trưởng kinh tế nói chung và phục hồi thị trường tài sản nói riêng.

Để giải quyết nợ xấu trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, vấn đề cốt lõi là Ngân hàng Nhà nước phải bơm tiền sao cho khéo để không gây ra lạm phát, không gây áp lực lên cán cân thanh toán và tỷ giá.

Về VAMC, nhiều ý kiến thắc mắc rằng tại sao VAMC lại mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ sách mà không phải giá thị trường?

Phần lớn nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đều dính dáng đến bất động sản. Ngoài ra, trong các ngân hàng có nợ xấu lớn, phần lớn là bất động sản thuộc về các cổ đông lớn hoặc những người có liên quan. Vì quyền lợi riêng, các cổ đông lớn hoặc người có liên quan này chần chừ chưa chịu xử lý các khoản nợ xấu bất động sản ngay lập tức.

Do đó, việc mua theo giá trị sổ sách sẽ giúp việc mua nợ xấu được thực hiện nhanh và không phải đắn đo nhiều về các mức giá thị trường khác nhau. Và VAMC cũng sẽ có các biện pháp kỹ thuật để xử lý các hạn chế do việc mua theo giá sổ sách tạo ra. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu không nhanh tay là suy kiệt nguồn vốn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, toàn bộ các khoản nợ xấu sẽ được hạch toán ngoại bảng, xử lý bằng trái phiếu đặc biệt. Tổ chức tín dụng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro đối với các trái phiếu đặc biệt có được từ việc đã bán cho VAMC 20% trong năm đầu tiên, năm thứ 2 tiếp tục trích lập 20% và sau 5 năm sẽ chiết khấu hết toàn bộ khoản nợ.

Như vậy, thông qua biện pháp kỹ thuật trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng sẽ bị giảm bớt lợi nhuận, thậm chí trừ vào vốn tự có để xử lý nợ xấu. Để không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, ngân hàng buộc phải đẩy mạnh vốn ra thị trường để tăng thêm lợi nhuận bù đắp cho phần trích lập trên. Và trái phiếu đặc biệt là phương tiện để đảm bảo thanh khoản, gây sức ép để ngân hàng đẩy vốn ra.

DN và ngân hàng sẽ được lợi gì khi bán nợ cho VAMC?

Khi ngân hàng đã bán nợ cho VAMC, doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ VAMC và tài sản thế chấp của doanh nghiệp nằm ở VAMC. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng khi không còn tài sản thế chấp, VAMC sẽ giúp biến nợ thành vốn góp vào doanh nghiệp (nếu thấy doanh nghiệp hoạt động tốt), tài trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp hoặc bảo lãnh cho vay đối với doanh nghiệp, tái cơ cấu nợ/giãn nợ. Do đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ tăng thêm, đồng thời ngân hàng sẽ giảm nợ xấu, bảng cân đối tài sản cũng sạch hơn.

Tuy nhiên, với vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng và vốn trái phiếu dự kiến 80.000 tỷ đồng, nếu con số nợ xấu cao hơn thì VAMC sẽ giải quyết ra sao?

Trong trường hợp số nợ xấu cao hơn dự kiến, phương án đưa ra là NHNN sẽ tăng thêm vốn cho VAMC để tăng trái phiếu đặc biệt lên hoặc sẽ tái cấp vốn trực tiếp, cho NHTM vay với kỳ hạn tương đối dài, ví dụ 3 năm và xử lý nợ xấu đến đâu sẽ giải ngân đến đó.

Xin cảm ơn ông!