Tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng nông nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

Chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp là hết sức quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và cho phép Việt Nam vươn lên vị thế quốc gia thu nhập trung bình cao. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra nhận định này trong lễ công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2017) tại Hà Nội sáng 10/4.

Toàn cảnh lễ công bố. Nguồn: internet.
Toàn cảnh lễ công bố. Nguồn: internet.

GDP 2017 sẽ đạt 6,5%

Theo dự báo mới nhất của ADB, Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và đạt 6,7% vào năm 2018. Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam chia sẻ, đánh giá này dựa trên tính toán thực tế nhưng điều kiện bảo đảm là Việt Nam thực hiện tốt các chính sách và tận dụng hiệu quả các khả năng để phát triển kinh tế.

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng, một trong các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong quý I, Việt Nam giải ngân 3,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Kể cả khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thành hiện thực, Việt Nam vẫn hưởng lợi hàng đầu từ luồng vốn FDI. Đặc biệt, Việt Nam thúc đẩy thương mại tự do đa dạng với các bên. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và giảm áp lực ảnh hưởng trước các biến động”, ông Batten nói.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực cũng sẽ tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng với xu hướng xuất khẩu tăng mạnh. Nổi bật là lĩnh vực công nghệ với thành tích xuất khẩu tăng từ 2% từ năm 2009 lên 12% như hiện tại.

Việt Nam đang là nước có thành tích xuất khẩu tốt nhất trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,3% trong năm 2016. Cũng trong năm qua, khu vực sản xuất tăng 12%, số việc làm trong lĩnh vực này tăng 8,7% (tăng gấp đôi kể từ năm 2009) và theo ADB dự báo đến năm 2018 sẽ tiếp tục tăng.

Cũng theo ADB, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay, lên 33 triệu người vào năm 2030, góp phần gia tăng tiêu dùng cá nhân, thúc đẩy thương mại bán lẻ. Con số tăng trưởng 8,9% trong khu vực bán lẻ năm 2016 chứng minh điều này.

Nông nghiệp tăng trưởng 5%, GDP sẽ đạt trên 7%

Tăng trưởng của Việt Nam đang ổn định nhưng theo ADB vẫn còn ở dưới mức cần thiết để có thể đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, chỉ cần tăng trưởng thêm 2% mỗi năm, mục tiêu này có thể được hoàn thành trong năm 2026.

Tác nhân kéo lùi tăng trưởng của Việt Nam những năm qua, theo ADB, là khu vực nông nghiệp. Nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi Chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011. 

“Tăng trưởng khu vực nông nghiệp không những giúp thúc đẩy tăng trưởng, mà còn mang lại lơi ích nhiều hơn cho nông dân”, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nói.

Để chuyển đổi nông nghiệp, ADB cho rằng, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách, bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp, chế biến sau thu hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ các mặt hàng nông sản, giúp mang lại giá trị gia tăng cao hơn; thực hiện quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; tích hợp hiệu quả những cân nhắc liên quan đến biến đổi khí hậu vào trong quá trình ra quyết định.