Tạo nền tảng cơ bản cho việc xếp hạng tín dụng

Theo Đầu tư Chứng khoán

Kết quả phân loại nợ có sự điều tiết của bên độc lập thứ ba là Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) sẽ đảm bảo nguyên tắc cơ bản là một khách hàng trong nền kinh tế chỉ thuộc một nhóm nợ hay rộng ra là thuộc một nhóm xếp hạng tín dụng.

Tạo nền tảng cơ bản cho việc xếp hạng tín dụng
Đó là quan điểm của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam về Thông tư số 02/2013 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro.. của tổ chức tín dng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ông có bình luận gì về việc Thông tư được công bố ở thời điểm này?

Tạo nền tảng cơ bản cho việc xếp hạng tín dụng - Ảnh 1
Ông Võ Tấn Hoàng Văn -Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam
Thông tư 02 có khá nhiều điểm mới so với các quy định cũ. Một trong những điểm mới rất quan trọng là CIC sẽ đóng vai điều tiết kết quả phân loại nợ của các ngân hàng theo hướng trong nền kinh tế, mỗi khách hàng sẽ chỉ có một kết quả phân loại nợ. Điều này, nếu xét trên góc độ từng ngân hàng, sẽ có một số bất hợp lý. Chẳng hạn, sẽ có trường hợp ngân hàng thương mại (NHTM) phải chuyển kết quả phân loại nợ khách hàng cho vay sang nhóm có rủi ro cao hơn, nếu như khách hàng đó có quan hệ tín dụng không tốt tại ngân hàng khác. Hệ quả là, TCTD trên sẽ phải trích lập dự phòng bổ sung cho khách hàng đó, mặc dù quan hệ vay trả rất sòng phẳng. Điều này sẽ gây lãng phí tạm thời cho ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng không quá phức tạp, bản thân ngân hàng và khách hàng sẽ tự điều chỉnh các hành vi của mình nhằm tránh gây lãng phí.

Điều quan trong hơn là kết quả phân loại nợ có sự điều tiết của bên độc lập thứ ba là CIC sẽ đảm bảo nguyên tắc cơ bản là một khách hàng trong nền kinh tế chỉ thuộc một nhóm nợ hay rộng ra là thuộc một nhóm xếp hạng tín dụng. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, chi phối các vấn đề có liên quan khác sau này như định hạng doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro do trình độ thẩm định khách hàng khác nhau giữa các ngân hàng, giảm thiểu chi phí cho từng ngân hàng bởi phải duy trì hệ thống xếp hạng tín dụng riêng, trong khi dữ liệu khách hàng có thể không đầy đủ. Tiến tới việc xếp hạng tín dụng cho DN sẽ không do TCTD thực hiện mà quy về một số ít đầu mối là các tổ chức xếp hạng DN chuyên nghiệp độc lập thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả xếp hạng. Hệ thống ngân hàng sẽ sử dụng kết quả xếp hạng DN là thông tin đầu vào để quyết định có cho vay hay không cho vay, với mức lãi suất bao nhiêu.

Tuy nhiên, việc siết chặt việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro có thể sẽ làm lộ diện nợ xấu, nợ quá hạn và ảnh hưởng đến con số lợi nhuận của các NHTM?

Về cơ bản, phương pháp phân loại nợ theo Thông tư 02 và các quy định hướng dẫn trước đây không khác nhau là mấy. Thông tư mới chỉ bổ sung thêm các tiêu thức phân loại và phạm vi áp dụng theo hướng chặt chẽ hơn, bao quát hơn. Chắc chắn, việc áp dụng Thông tư mới sẽ làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu và tăng chi phí dự phòng. Tuy nhiên, chi phí này vẫn được coi là chi phí “phi tiền tệ” nên không ảnh hưởng đến luồng tiền của TCTD. Việc trích lập thêm dự phòng sẽ giúp các ngân hàng có tỷ lệ dự trữ an toàn hơn để xử lý nợ xấu, vốn là vấn đề rất nóng bỏng trong thời gian vừa qua.

Theo tôi, nếu phải lựa chọn giữa phương pháp trích lập dự phòng lỏng lẻo dẫn đến chi phí dự phòng thấp và tạo ra lợi nhuận cao so với phương pháp trích lập dự phòng thận trọng hơn, gây ra nhiều chi phí nhưng phù hợp với hiện trạng và mức độ rủi ro của khách hàng, thì lựa chọn thứ hai an toàn hơn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, minh bạch của TCTD cũng như quyền lợi chung của các nhà đầu tư, khách hàng.

Nhiều NHTM phàn nàn việc ban hành Thông tư thời điểm này sẽ làm khó khăn hơn hoạt động của ngân hàng, vốn dĩ đang rất khó khăn. Ông có nhận xét gì?

Chắc chắn là các NHTM sẽ phải đánh giá ảnh hưởng của Thông tư và có khả năng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình trong năm 2013 và cả năm 2014. Thậm chí, có khả năng các NHTM phải thay đổi cả cơ cấu khách hàng, cơ cấu bảng cân đối kế toán và một số phương thức kinh doanh của mình. Tuy nhiên, thay đổi này là thay đổi tích cực và như đã nói ở trên, chi phí này là chi phí “phi tiền tệ”, nếu như khách hàng vay của ngân hàng thực sự tốt thì nguồn dự phòng đã trích lập này sẽ trở thành nguồn dự trữ, làm gia tăng giá trị nội tại của TCTD sau này.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là Thông tư 02 chỉ mới nhằm khắc phục các tồn tại của những quy định hướng dẫn về trích lập dự phòng trước đây và tạo ra một số nền tảng cơ bản cho việc thống nhất và minh bạch hóa việc xếp hạng khách hàng vay. Thông tư chưa có bước thay đổi mang tính đột phá, hướng các quy định phân loại nợ theo thông lệ quốc tế. Nếu TCTD áp dụng các thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu và trích lập dự phòng có thể còn cao hơn nữa.

Các ngân hàng có những mục tiêu kinh doanh như áp lực phải có lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông, phải có kết quả kinh doanh tốt để nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư. Do đó, sẽ có những phản ứng nhất định do việc áp dụng các quy định mới làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh 2013. Điều may mắn là việc ban hành Thông tư 02 trước thời điểm diễn ra đại hội cổ đông, nên các TCTD hoàn toàn có thể giải thích với cổ đông và các cổ đông cũng nên hiểu và chia sẻ về ảnh hưởng của Thông tư 02 trong năm 2013. Các NHTM đã áp dụng các nguyên tắc thận trọng trong việc phân loại nợ theo quy định trước đây sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi Thông tư 02, chỉ có các TCTD áp dụng các biện pháp phân loại nợ thiếu chặt chẽ mới bị ảnh hưởng nhiều từ Thông tư 02. Xét trên bình diện toàn cảnh của thị trường, Thông tư 02 sẽ tạo ra mặt bằng công bằng, minh bạch hơn về chất lượng tín dụng của các TCTD.

Như ông nói, có vẻ vẫn rất xa, Việt Nam mới tiệm cận được các chuẩn mực quốc tế?

Đúng vậy, Thông tư 02 mới hệ thống hóa, chuẩn hóa và tạo nền tảng cho việc phản ánh chất lượng tín dụng trung thực, hợp lý hơn trong bối cảnh Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước và các TCTD sẽ phải thực hiện nhiều đổi mới hơn nữa mới tiệm cận được các thông lệ về đánh giá chất lượng tín dụng, tính toán mức trích lập dự phòng rủi ro theo các hướng dẫn của Ủy ban Basel và các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.