Tạo sự đồng thuận từ người đóng BHYT

Theo daibieunhandan.vn

Bộ Y tế vừa đề nghị Chính phủ tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Vấn đề dư luận quan tâm là lộ trình tăng như thế nào, kết hợp với các giải pháp gì để có thể cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), đồng thời vẫn tạo được sự đồng thuận từ người đóng BHYT.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng mức đóng chỉ là vấn đề thời gian

Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định, tùy tình hình thực tế, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHYT nhằm bảo đảm cân đối Quỹ.

Theo đề xuất của Bộ Y tế việc tăng mức đóng BHYT là tăng ít, tăng dần sẽ dễ được chấp nhận hơn. Tuy nhiên, thời điểm tăng nên bắt đầu từ 2020. Bởi vì hiện đã gần hết năm 2017.

Đầu năm 2018, doanh nghiệp và người lao động phải đóng thêm Bảo hiêm xã hội (BHXH) do quy định về mức lương đóng BHXH tăng thêm phần “thu nhập khác”. Theo đó, mức đóng BHYT cũng tăng theo. Mức tăng này trong năm 2018 và 2019 sẽ không quá cách xa tỷ lệ 0,3%, có thể giúp cơ quan BHYT có thêm nguồn thu từ năm 2018 để cân đối khoản chi.

Mặt khác, việc dời thời điểm tăng mức đóng BHYT vào năm 2020 cũng là để doanh nghiệp và người lao động không bị sức ép tăng phí, đặc biệt là trong thời kỳ Chính phủ đang nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp để giảm chi phí.

 Đây cũng là thời gian để Bộ Y tế đánh giá lại giá dịch vụ mới ban hành để cân đối với mức thu BHYT. Bên cạnh đó, việc Quỹ BHYT đang bị trục lợi vẫn thì việc tăng sẽ gây phản ứng của dư luận.

Điều này sẽ tác động đến tâm lý người dân cho rằng tăng BHYT để bù thất thoát Quỹ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHYT toàn dân.

Chất lượng dịch vụ phải tương ứng

Trước hết, ngành y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để mỗi công dân thấy nên mua BHYT, xem đó như là “tấm lá chắ” hữu hiệu cho mỗi người khi phải chữa bệnh. Dịch vụ y tế tốt sẽ khiến những người đang tham gia BHYT cảm thấy việc đóng phí là xứng đáng.

Rất nhiều người thuộc diện bắt buộc phải đóng BHYT cho biết, nếu được lựa chọn, sẽ không đóng BHYT vì trên thực tế có đi khám chữa bệnh nhưng không dùng đến thẻ BHYT vì mất thời gian chờ đợi, thuốc men hạn chế, chất lượng không tốt.

Bên cạnh đó là kiểm soát chặt chẽ chi BHYT. Quản lý Quỹ BHYT là bài toán cần ngay lời giải và luôn luôn phải duy trì. Việc tăng Quỹ BHYT bằng mọi cách sẽ trở nên vô nghĩa khi quản lý chi BHYT có nhiều kẽ hở để nhiều đối tượng trục lợi.

Không quản lý được việc chi trả BHYT sẽ làm mất cân đối thu, chi và nghiêm trọng hơn là người đóng BHYT mất lòng tin. Điền này khiến bản chất của BHYT là chia sẻ rủi ro với người bệnh và với cộng đồng trở nên vô nghĩa, làm tổn hại đến chính sách an sinh xã hội.

Một vấn đề khác, theo các chuyên gia, đó là ngành y tế chưa làm tốt giải pháp phòng bệnh. Đây là cách để giảm chi, cân bằng Quỹ BHYT. Hiện nay, các bệnh viện, phòng khám chữa bệnh mọc lên khắp nơi, nhưng ít có trung tâm chuyên tư vấn phòng bệnh cho mọi người.

Thực tế có nhiều bệnh có nguy cơ cao cho cộng đồng nhưng người lao động không được tuyên truyền phòng tránh hữu hiệu. Chỉ khi đổ bệnh mới đi khám, lúc đó bệnh đã nặng và chi BHYT sẽ tăng.