Mỹ - Cái nôi của các tập đoàn báo chí

Người Mỹ luôn coi báo chí – truyền thông là một trong những ngành công nghiệp nặng và cho phép nó phát triển đến mức tối đa. Từ thế kỷ XIX, báo chí – truyền thông Mỹ đã có những công ty hùng mạnh, giàu có và tự đảm bảo được về phương diện kinh tế và nhờ đó, phát huy tốt hoạt động làm báo. Đến cuối thế kỷ này, báo chí đã trở thành một nền kinh doanh lớn ở Mỹ, có tính độc lập tương đối trong đời sống xã hội.

Con đường phát triển tất yếu của ngành công nghiệp báo chí – truyền thông là từng bước chuẩn bị những yếu tố cần thiết để trở nên lớn mạnh: Đầu tiên là đổi mới tư duy theo hướng chú trọng mục tiêu kinh tế, sau đó mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực truyền thông khác, mở rộng năng lực điều hành đối nội và đối ngoại ở hàng loạt tờ báo, tham gia năng động vào nền kinh tế như những doanh nghiệp thực thụ. Nền báo chí Mỹ đã tuân theo quy luật phát triển đó, được đánh giá là một trong những nền báo chí mạnh nhất thế giới và cũng từ quy luật phát triển đó mà nước Mỹ được đánh giá là cái nôi ra đời của các tập đoàn báo chí – truyền thông hàng đầu thế giới.

Xu hướng phát triển

Khái niệm “Tập đoàn báo chí” hay “Tập đoàn báo chí – truyền thông” được nhắc đến để chỉ một tập đoàn kinh tế hoạt động đa dạng trong lĩnh vực truyền thông, có thể có hạt nhân là một cơ quan báo in, báo hình, hoặc bất cứ một loại hình truyền thông nào đó, và cũng có thể tham gia vào một số lĩnh vực kinh doanh ngoài truyền thông.

Thực tế tại các nước có nền báo chí phát triển mạnh như Mỹ, Đức, Anh cho thấy, các tập đoàn báo chí được hình thành trên cơ sở cạnh tranh khiến các công ty báo chí - truyền thông tự nguyện liên kết lại bằng hình thức mua bán và sáp nhập (M&A) với nhau nhằm tăng nguồn lực, tạo ra sức mạnh lớn hơn đủ khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Cũng có thể, các quá trình trên diễn ra giữa những tập đoàn kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ với các công ty báo chí - tuyền thông nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tạo ra lợi thế xã hội trong phát triển.

Có thể thấy các tập đoàn báo chí phát triển theo hai xu hướng chủ đạo:

• Phát triển theo chiều dọc: tức là một tập đoàn nắm quyền sở hữu rất nhiều lĩnh vực truyền thông khác nhau, tạo thành một mạng lưới sản xuất và tiêu thụ liên hoàn, làm ra nội dung truyền thông và có kênh phân phối các nội dung truyền thông đó.

Tập đoàn Bertelsmann (của Đức) là một điển hình phát triển theo xu hướng này. Bertelsmann tích tụ đi lên từ lĩnh vực báo in, dần dần đã khống chế toàn bộ lĩnh vực nghe nhìn ở châu Âu. Tập đoàn Đức này có mặt tại 56 nước. Những ngành nghề hoạt động chính: âm nhạc, truyền hình, phát thanh, xuất bản, báo chí và internet.

Ở Mỹ, Gannett Co. Inc cũng là tập đoàn báo chí truyền thông phát triển theo xu hướng trên. 77% hoạt động của Gannett tập trung vào lĩnh vực báo chí, với 95 tờ báo ngày, 1 hãng thông tấn, 50 tạp chí, 10 đài truyền hình, 16 đài phát thanh. Ngoài ra, nó còn quản lý Viện Điều tra xã hội Harris.

Thế giới đang có 2 cấp độ tập đoàn báo chí – truyền thông. Cấp độ 1 bao gồm 9 tập đoàn đa quốc gia (Mỹ); Cấp độ 2 gồm các tập đoàn khu vực hoặc quốc gia (Bắc Mỹ, Nhật, châu Âu). Xu hướng của cả 2 cấp này là vươn ra khỏi bờ cõi quốc gia, tìm đến các thị trường truyền thông chưa được khám phá như châu Á.

Robert Mc Chesney, nhà nghiên cứu truyền thông

• Liên kết và bành trướng theo hàng ngang: tức là tập đoàn đầu tư vào những ngành khác nhau, tạo sự liên kết những ngành báo chí truyền thông, công nghiệp, tài chính, dịch vụ rất xa nhau để hỗ trợ lẫn nhau, hạn chế rủi ro, tăng cường sức mạnh.

Thực tế tại Mỹ cho thấy, các tập đoàn báo chí có mối quan hệ rất chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế khác. Nghiên cứu của giáo sư Piter Phillips, trường Đại học Sonoma cho thấy, 118 thành viên hội đồng quản trị của 10 tập đoàn báo chí lớn nhất nước Mỹ cũng đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của 288 tập đoàn kinh tế khác. Trong khi các tập đoàn The Tribune, New York Times và Gannett đều có thành viên ở hội đồng quản trị của tập đoàn Pepsi; Coca Cola và J.P. Morgan lại có đại diện chia sẻ ghế hội đồng quản trị của cả NBC và tờ Washington Post.

Lợi ích và hạn chế

Ở các nước phát triển, báo chí truyền thông đa phần tư nhân hóa, vận hành theo cơ chế thị trường, chú trọng cả ba phương diện thông tin - giải trí - kinh tế. Trong đó, hiệu quả kinh doanh, kinh tế rất được đề cao và cũng là để tác động, hỗ trợ trở lại cho thông tin tuyên truyền.

Nguồn lợi mà các tập đoàn báo chí mang lại cho giới chủ thông qua hai dạng thức chủ yếu: trực tiếp và gián tiếp. Nguồn lợi trực tiếp thu được qua việc bán các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ báo chí truyền thông và hoạt động quảng cáo. Nguồn lợi gián tiếp là việc tạo ra những ảnh hưởng chính trị, làm thay đổi các chính sách của nhà nước, hình thành những điều kiện đầu tư thuận lợi. Đây là nguồn lợi to lớn mà giới chủ các tập đoàn báo chí hướng tới, là lý do quan trọng nhất để dẫn tới sự liên kết giữa báo chí truyền thông với công nghiệp, tài chính, dịch vụ để hình thành những tập đoàn độc quyền khổng lồ. Điều ấy cũng giải thích tại sao các tập đoàn công nghiệp, tài chính khổng lồ ở Mỹ và các nước phương Tây luôn đóng vai trò to lớn và tích cực trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, xu hướng phát triển bành trướng như trên sẽ dẫn tới tình trạng tập trung, độc quyền gia tăng. Sự thống trị của các tập đoàn báo chí dẫn tới hệ quả: Tính cạnh tranh thông tin và sự phong phú mà người dân được hưởng từ hệ thống thông tin truyền thông ngày một giảm (sự cạnh tranh thông tin khốc liệt của hàng trăm tờ báo trước đây ở Mỹ giờ trở thành cuộc cạnh tranh thông tin của hơn 10 tập đoàn báo chí); Tình trạng lũng đoạn thông tin (các ông chủ các tập đoàn báo chí có thể đưa thông tin sai lệch, một chiều làm thay đổi quan điểm của người dân nhằm phục vụ các mục đích kinh tế - chính trị của mình); Sự bất bình đẳng trong hưởng thụ truyền thông: Robert McChesney, một nhà nghiên cứu truyền thông nổi tiếng cho rằng, hiện tại thứ báo chí tốt nhất đang thuộc về giới doanh nhân, phục vụ các nhu cầu của họ còn báo chí phục vụ cho công chúng có khuynh hướng là một thứ báo chí tầm thường.

Ngoài ra, sự phát triển của các tập đoàn báo chí phương Tây cũng đang góp phần giúp văn hóa của họ bành trướng ở các nước có thị trường truyền thông chưa phát triển. Vì vậy, theo các chuyên gia, các nước có thị trường truyền thông chưa phát triển cần có chiến lược đối đầu thật tốt để chống lại xu hướng này.

Tài liệu tham khảo:

http://www.naa.org

http://www.sipiapa.com

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013


Tập đoàn báo chí thế giới: Xu hướng khó cưỡng...

Phạm Thu Phong

(Tài chính) Từ giữa thế kỷ XIX, những người làm báo trên thế giới đã bắt đầu chú ý đến mục tiêu kinh tế trong hoạt động báo chí. Để đạt được mục tiêu này, những người làm báo ban đầu chỉ hướng tới cải tiến nội dung để tăng doanh số phát hành. Tuy nhiên, cạnh tranh sinh tồn đã khiến các công ty báo chí - truyền thông tự nguyện liên kết nhằm tăng nguồn lực, tạo ra sức mạnh lớn hơn.

Xem thêm

Video nổi bật