Thách thức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực ngày 1/7 tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là tác động lớn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, việc tháo gỡ những rào cản, vướng mắc gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong cơ chế chính sách, thủ tục hành chính... là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Thách thức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua đã tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta trong thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng và được coi là điều kiện kinh doanh phù hợp khi Luật Đầu tư (sửa đổi) chính thức có hiệu lực chính là các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các ngành, nghề thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 1, Điều 14, Hiến pháp 2013). Và điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với mục tiêu quy định tại khoản 1, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Khẳng định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhận định thời gian qua hoạt động này đã có nhiều nỗ lực, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, nhất là hiện nay trong thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân… Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Ts Nguyễn Đình Cung, tập hợp chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành đã lên đến 900 trang, với khoảng 6.000 điều kiện cụ thể, mà chưa tính đến các quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn cho cơ quan thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh đạt giấy phép, giấy chứng nhận thì phải gấp 5 - 6 lần số điều kiện kinh doanh này. Và nhân sự trở lại của nhiều loại giấy phép đã được bỏ từ năm 2000 thì nay đã xuất hiện. Điều này tạo ra rào cản khi doanh nghiệp muốn gia nhập thị trường bởi chi phí cao, thời gian kéo dài. Thêm vào đó, gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp cực nhỏ, nhỏ và vừa, cho doanh nghiệp tư nhân trong nước. Thậm chí làm thui chột sự sáng tạo, khác và mới sẽ bị coi là không phù hợp với pháp luật là vi phạm pháp luật.

Rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh là một thách thức lớn trong thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7. Nghị quyết 19 của Chính phủ đã nêu rõ là phải minh bạch điều kiện kinh doanh theo tiêu chuẩn ASEAN 4, đây sẽ là động lực thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta. Đồng ý quan điểm trên, theo chuyên gia chính sách phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Gs Michaels Woods cho rằng doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều văn bản pháp lý và các văn bản tương tự như văn bản pháp lý, đó là các quy tắc, tiêu chuẩn, các hướng dẫn... Các văn bản này do rất nhiều các bộ, cơ quan ban hành. Nếu các văn bản không được minh bạch hoặc không được tham vấn ý kiến thì có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Các văn bản sẽ tạo ra gánh nặng không cần thiết đối với doanh nghiệp với các chi phí quản lý hành chính, chi phí tuân thủ và làm giảm các động tự sáng tạo và tăng tưởng. Các gánh nặng này về quy định cũng có thể làm sai lệch giá cả thị trường và hiệu quả phân bổ trong nền kinh tế.

Dựa vào kinh nghiệm quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp cũng như bãi bỏ những điều kiện kinh doanh còn chưa phù hợp, Gs Michaels Woods nhận định, môi trường kinh doanh thuận lợi là một nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Quá trình minh bạch hóa và tham vấn việc phân tích và dự thảo quy định, phải làm rõ các quyền và nghĩa vụ, xem xét việc quản lý rủi ro, sự gắn kết của quy định giữa các bộ, giữa Trung ương với địa phương. Cần xây dựng các cơ chế và thể chế để giám sát một cách chủ động; cũng như tiến hành sớm việc đánh giá tác động pháp luật (RIA) trong quá trình xác định các mục tiêu và sự lựa chọn về chính sách. Do đó, trong thời gian tới, cần phải liên tục rà soát, loại bỏ những khó khăn, thách thức, những chi phí không cần thiết; các lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường của một quy định cần phải được minh chứng về chi phí, các hiệu quả phân phối, các lợi ích ròng được tối đa hóa nhằm tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao nặng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội bền vững.