Thách thức của thật và ảo

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Việc sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại VN – được điều hành bởi Công ty TNHH VBTC (Việt Nam) và Bit2C - một Công ty Bitcoin có trụ sở tại Israel vừa chính thức ra mắt với tên gọi VBTC tại địa chỉ https://www.vbtc.vn/, bất chấp sự khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước đang khuấy động dư luận.

Thách thức của thật và ảo
Bitcoin có được đối xử như với những loại hàng hóa hay đồ chơi nào đó không cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nguồn: internet
Có phải là một loại hàng cấm ?

LS. Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, Trọng tài viên VIAC

Có thể nói, về mặt tiền tệ, Bitcoin đã hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống thanh toán của các ngân hàng và tổ chức tín dụng của Việt Nam. Nhưng liệu Bitcoin có được đối xử như với những loại hàng hóa hay đồ chơi nào đó không cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cũng lên tiếng do tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Do đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc cho rằng Bitcoin chưa có quy định nào gọi nó là hàng hóa có phần chưa vững chắc. Rõ ràng rất nhiều người có thể chứng minh được Bitcoin là hàng hóa. Đây là một sản phẩm của trí tuệ sáng tạo con người tạo ra và có giao dịch trên thị trường thế giới. Nói như Cục thì cứ sản phẩm nào trên thế giới có cái tên mới lạ được đưa vào Việt Nam sẽ có nguy cơ... không được gọi là hàng hóa.

Mặc khác, pháp luật Việt Nam lại quy định mọi người được kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Bitcoin mới chỉ bị Ngân hàng nhà nước cấm làm phương tiện thanh toán trên hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng như là một loại tiền tệ. Còn nó có phải là một loại hàng cấm không thì các cơ quan quản lý nhà nước cần chứng minh tính nguy hiểm, độc hại của nó.

Khi đã có văn bản của một cơ quan có thẩm quyền xác định rõ đây là mặt hàng cấm thì người kinh doanh, giao dịch Bitcoin sẽ bị coi là kinh doanh trái phép nếu tiếp tục. Nhưng với Bitcoin hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, nó nguy hại tới hệ thống tài chính tiền tệ. Người khác lại nói đây là một sản phẩm của tương lai. Chỉ có điều nó chưa phù hợp với nhiều nền kinh tế vì chưa được nghiên cứu và quản lí phù hợp… Chúng ta vẫn phải chờ đợi một quyết định rõ ràng và chính thức từ một cơ quan có chức năng như Bộ Công thương, hoặc quyết định liên ngành của nhiều cơ quan về vấn đề Bitcoin.

Vẫn có chỗ đứng nhất định tại Việt Nam

Nguyễn Hải Thanh - Du học sinh Phần Lan - Cộng đồng Bitcoin

Mặc dù, phía ngân hàng Nhà nước (NHNN) rồi Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương cho rằng, tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và  không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử.

Dù các cơ quan chức năng cấm song một số website về Bitcoin tại Việt Nam vẫn hoạt động, kéo theo một số doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, đến ngày 9/7/2014 sàn này chính thức ra mắt: www.vbtc.vn. Như vậy, dù  NHNN đã chính thức công bố không chấp nhận Bitcoin, đồng tiền ảo này, theo tôi có vẻ như vẫn có chỗ đứng nhất định tại Việt Nam.

Sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến www.vbtc.vn được thành lập bởi Công ty TNHH VBTC (Việt Nam) và Công ty Bit2C (có trụ sở tại Israel), theo tôi việc chính thức ra mắt và giao dịch đã tác động cho các sàn giao dịch ngầm hoạt động lâu nay bước dần ra công khai. Quan điểm của tôi là thay vì cấm, dẫn đến các sàn đi vào hoạt động ngầm thì Nhà nước nên hoàn thiện cơ chế pháp lý quản lý Bitcoin.

 Từ thực tế cho thấy, việc cấp phép hay không cấp phép sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam không hề ảnh hưởng tới các nhà đầu tư. Cộng đồng Bitcoin ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng họ cũng đã lường trước được kịch bản từ cơ quan quản lý. Tôi nghĩ, cơ quan quản lý cần thêm thời gian nữa để tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về loại tiền này. Ở phía cộng đồng Bitcoin giờ chúng tôi chỉ muốn đồng tiền ảo này được biết đến rộng rãi tại thị trường Việt Nam.

Ngay cả tại quán cà phê đầu tiên tại Hà Nội chấp nhận giao dịch bằng Bitcoin, “trưng” biển “chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin – bitcoin accepted here” chủ quán cũng cho hay, sẽ không dỡ tấm biển này xuống, bởi đây chỉ là hình thức để quảng bá quán cũng như loại giao dịch mới mẻ này.

Dù giao dịch bằng đồng Bitcoin tại quán không đáng kể nhưng khách tới quán nhiều hơn trước do tò mò một phần, một phần nữa là muốn tìm hiểu và được chia sẻ về loại đồng tiền này. Đấy là điều mà cộng đồng Bitcoin chúng tôi hướng đến.

Giao dịch bằng đồng tiền ảo làm giảm giá trị của đồng tiền thật

Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Tôi cho rằng, khi luật không cho phép mà sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên vẫn hoạt động, các cơ quan chức năng sẽ khó kiểm soát, đặc biệt trong trường hợp xảy ra các vụ kiện tụng sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Hiện nay NHNN đã không cấp phép cho bất kỳ sàn giao dịch Bitcoin nào, cũng như không công nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp tại Việt Nam, cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cũng nói rõ là tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Do đó, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin không chấp nhận việc thông báo, đăng ký các website mua bán Bitcoin như website thương mại điện tử bán hàng hay sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, chỉ trong trường hợp sàn giao dịch hoạt động mang tính chất tham khảo, nghiên cứu khoa học, đào tạo và xem phản hồi của người dân… không liên quan trực tiếp tới giao dịch tiền mặt thì còn có thể chấp nhận được, còn trường hợp liên quan tới kinh tế, giao dịch tiền mặt…thì cần phải ngăn chặn.

Hơn nữa, xét ở một khía cạnh khác, việc giao dịch bằng đồng tiền ảo cũng làm giảm giá trị của đồng tiền thật, điều này cũng giống như việc lưu thông tiền giả sẽ làm giá trị tiền thật giảm đi rất nhiều, giao  dịch ảo cũng làm cho các giao dịch thật khác bị giảm đi. Do vậy, việc cấm hoặc không công nhận đồng tiền này là hoàn toàn hợp lý. Ngay cả ở nhiều nước trong khu vực như: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… người ta cũng có những những chính sách quản lý rất chặt chẽ với loại hình giao dịch này cũng như với bất kỳ loại tiền ảo nào.

Vì vậy, theo tôi, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp cũng như đưa ra cảnh báo đối với những người dân, nhà đầu tư khi tham gia vào những giao dịch này. Bởi rõ ràng, khi đầu tư hoặc tham gia vào một giao dịch kinh tế mà không được pháp luật thừa nhận thì tỉ lệ rủi ro cao, nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

NHNN không cấp phép hoạt động cho sàn giao dịch Bitcoin nào. Ngay từ cuối tháng 2/2014, NHNN đã có văn bản cảnh báo về việc giao dịch tiền ảo Bitcoin tại Việt Nam và khẳng định Bitcoin không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc sử dụng Bitcoin để thanh toán không được pháp luật thừa nhận.

Do vậy, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.  Chúng tôi, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Qua tìm hiểu bước đầu, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Trong đó, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

Ngoài ra, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng bitcoin như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nauy... đều không thừa nhận Bitcoin là một đồng tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường.