Thách thức từ TPP

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP) thực sự có sức hấp dẫn lớn đối với các quốc gia, trong đó có những quốc gia phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản và đây cũng là hai thị trường nhập khẩu chủ lực nhiều mặt hàng của Việt Nam. Tuy nhiên để có thể được hưởng những ưu đãi mới từ TPP để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là về xuất xứ nguyên liệu.

Thách thức từ TPP
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, với vai trò là đại diện cho các doanh nghiệp có lợi ích liên quan, tham gia tư vấn của Đoàn đàm phán trong lĩnh vực dệt may, TPP nếu được ký kết sẽ là cú hích mới cho phát triển, cả số lượng và chất lượng do những điều kiện ưu đãi tốt hơn. Chẳng hạn, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây, trung bình Việt Nam chỉ cam kết loại bỏ hoàn toàn với khoảng 60 - 70% số dòng thuế, còn riêng TPP, theo dự kiến, 100% các dòng thuế sẽ được loại bỏ.

Dệt may là một trong những ngành hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực vào Mỹ, hiện chịu thuế xuất khẩu 17 - 20% tùy loại sản phẩm. Nếu TPP được ký kết và thuế xuất khẩu có thể giảm về 0 khi TPP được ký kết, đây là cơ hội xuất khẩu rất lớn cho ngành. Tuy nhiên, để có thể hưởng mức thuế ưu đãi này, phía Mỹ đang đề xuất những quy tắc xuất xứ hết sức khắt khe.

Theo đó, hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này chỉ được miễn thuế nếu nguyên liệu có xuất xứ từ các nước thành viên TPP. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu đầu vào của dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Đặng Phương Dung, xu hướng ký Hiệp định thương mại tự do khu vực là theo hướng tạo thuận lợi cho nhau vì vậy các nước đều đưa ra vấn đề tăng cường nội địa hóa. Song, ngành dệt may đang có điểm yếu là chưa tự cung ứng được nguyên liệu do đó, việc đàm phán để giảm yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu cũng đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu không phải là điểm yếu riêng của ngành dệt may, mà còn của nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu khác như da giày, nhựa, bao bì, đồ gỗ… Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam Diệp Thành Kiệt, ước tính ngành da giày cũng mới chủ động được khoảng 55% nguyên liệu ở trong nước, mà chủ yếu để sản xuất ra các dòng sản phẩm trung bình, chưa có nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cao cấp. Sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động của ngành.

Đáng chú ý hơn, đối với ngành gỗ, không phải chờ tới lúc TPP được ký kết, doanh nghiệp mới phải đối mặt với yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu, mà hiện tại theo Luật LACEY của Mỹ và FLEGT của EU, để xuất khẩu sản phẩm sang hai thị trường này, doanh nghiệp đã và đang phải chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ.

Ngoài ra, theo những nội dung khác mà TPP đang đàm phán về tiêu chuẩn lao động, quyền sở hữu trí tuệ, hay các quy định về bảo vệ môi trường thì thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt sẽ còn gay gắt hơn. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền cho biết, thách thức đối với chúng ta hiện nay là phải thay đổi chính sách trong nước, cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp của gỗ trồng trong nước. Thách thức nữa là vấn đề sử dụng lao động, môi trường, đa dạng sinh học, cũng như là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu trước mắt có thể là thách thức nhưng về lâu dài cần nhìn nhận đây là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ và nhiều ngành hàng khác vươn lên, đầu tư, sản xuất được nguyên liệu ở trong nước.

Đồng thời việc thực hiện những chính sách trong nước kêu gọi đầu tư vào các ngành này, với cả đối tác trong nước và nước ngoài, cần quan tâm đến trình độ công nghệ, môi trường cho dự án đầu tư mới. Bảo đảm dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ tốt, bền vững, lâu dài… Đây là con đường mà doanh nghiệp phải nỗ lực đi qua trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu ngày càng sâu rộng. Sự đòi hỏi minh bạch về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, hay công bằng trong sử dụng lao động… là tất yếu.