Thận trọng khi “nới” bội chi ngân sách

Huyền Trang

(Tài chính) Đó là nhận định của ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khi trao đổi với phóng viên về một số đề xuất trong giải pháp chính sách tài khóa năm 2013.

PV: Thưa ông, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm nay được dự báo là khó nhất trong nhiều năm trở lại đây, bởi vậy, việc thắt chặt chi tiêu ngân sách là điều tất yếu trong các chính sách mà Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc quá thắt chặt chi tiêu, nhất là chi đầu tư phát triển vô hình chung cũng gây khó cho nhiều công trình dở dang, thậm chí về lâu dài gây lãng phí vô cùng lớn. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Thận trọng khi “nới” bội chi ngân sách - Ảnh 1
Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Ông Vũ Nhữ Thăng: Khó khăn về thu ngân sách đã xuất hiện từ năm 2012 và kéo dài sang 2013. Qua theo dõi tình hình thu ngân sách trong những tháng đầu năm 2013 cho thấy thu NSNN đạt thấp so với yêu cầu tiến độ dự toán. Do đó, Chính phủ đã chủ động có những giải pháp về điều hành tài chính-ngân sách linh hoạt năm 2013; trong đó, việc rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện tiết kiệm chi được chú trọng. Chính vì vậy, việc rà soát cắt giảm một số khoản chi là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả chi NSNN.

Đối với các khoản chi đầu tư phát triển năm 2013, mặc dù dự toán chi đầu tư thuộc NSNN năm 2013 giảm so với năm 2012, nhưng số vốn trái phiếu Chính phủ và vốn tín dụng đầu tư nhà nước kế hoạch năm 2013 tăng hơn so với năm 2012. Do đó, xét về tổng thể thì kế hoạch vốn đầu tư phát triển khu vực nhà nước năm 2013 vẫn tăng 1,3% so kế hoạch vốn 2012.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nên việc điều chỉnh chính sách và điều chỉnh cơ cấu sản xuất kinh doanh là một quá trình đòi hỏi cần phải có thời gian để chính sách đi vào cuộc sống. Hơn thế, là một nước đang phát triển nên nhu cầu về vốn đầu tư cho các công trình, dự án là rất lớn. Nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, các công trình đầu tư không hoàn thành đúng tiến độ sẽ gây lãng phí và khó khăn về vốn.

Do đó yêu cầu quan trọng của tái cấu trúc đầu tư công là định vị lại vai trò đầu tư nhà nước, tăng cường vai trò đầu tư xã hội. Đối với các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP, thực hiện rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung đầu tư vào các công trình, dự án quan trọng, thực sự cần thiết, cấp bách, các công trình có khả năng hoàn thành sớm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các công trình, dự án còn lại, xem xét và tính toán phương án tối ưu để lựa chọn và xác định đầu tư các công trình, dự án trên cơ sở đảm bảo khả năng cân đối được nguồn vốn hoàn trả và khả năng cân đối NSNN hoặc thực hiện chuyển đổi dự án theo các hình thức phù hợp với đặc điểm từng dự án.

Như vậy, việc thắt chặt chi đầu tư phát triển từ NSNN, TPCP đối với các công trình dang dở và thực hiện chuyển đổi dự án... sẽ có tính hiệu quả cao hơn so với việc tiếp tục đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện dự án đầu tư. Đây là công việc khó trước mắt nhưng nếu làm tốt, về dài hạn nền kinh tế có sự phát triển bền vững cùng với gia tăng vai trò và hiệu quả đầu tư tư nhân.

Tại Quốc hội, một số ý kiến đại biểu đề xuất giải pháp về chính sách tài khóa, cụ thể: kiềm chế lạm phát là mục tiêu chung, song nới bội chi ngân sách là cần thiết, góp phần tăng tổng cầu và giảm bớt khó khăn cho không ít doanh nghiệp… Theo ông, đề xuất này có hợp lý?

Hiện nay, thu NSNN đang gặp khó khăn, dư địa để điều chỉnh chính sách thu hạn chế. Nếu tiếp tục giữ nguyên chính sách chi mà lại cần tăng tổng cầu thì không gian chính sách tài khóa là hết sức hạn hẹp.

Tính đến 31/12/2012, so với GDP, nợ công của Việt Nam là 55,4%; nợ Chính phủ là 43,1% và nợ nước ngoài của quốc gia là 42%; bội chi NSNN là 4,8%. Điều này cho thấy, nợ Chính phủ, nợ công đã ở mức tương đối cao, dư địa so với ngưỡng an toàn không còn nhiều. Vì vậy, việc nới bội chi NSNN cần được cân nhắc thận trọng.

Căn cứ nào ông cho là cần thận trọng, thưa ông?

Thứ nhất, bội chi NSNN của Việt Nam đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tình trạng bội chi kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến nợ công. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng GDP hiện chưa đạt như kỳ vọng, thu NSNN có xu hướng giảm thì nợ công và bội chi NSNN sẽ tăng cao (khi thực hiện chi NSNN theo dự toán được duyệt) cả về số tuyệt đối và tương đối khi so với GDP. Nếu tiếp tục nới bội chi NSNN sẽ ảnh hưởng ngay đến tính bền vững của các cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.

Thứ hai, sử dụng bội chi NSNN như thế nào cho hiệu quả cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu việc sử dụng hiệu quả (như đầu tư vào các dự án có hiệu quả, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, tăng sức mua, giải quyết được những khó khăn cho doanh nghiệp... đem lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế) thì sẽ tạo động lực cho phát triển còn nếu sử dụng kém hiệu quả, quản lý thiếu chặt chẽ, kỷ luật tài khóa không được coi trọng sẽ gây ra rủi ro không những không thúc đẩy tăng trưởng mà còn có thể kích thích lạm phát.

Thứ ba, bội chi được bù đắp bằng vay trong nước và vay nước ngoài, nếu tăng vay trong nước thì có thể hạn chế nguồn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, còn nếu vay ngoài nước thì phải cân nhắc yếu tố tỷ giá, lãi suất để giảm thiểu rủi ro làm gia tăng nợ công cũng như cần củng cố hệ số tín nhiệm.

Thứ tư, đặt trong bối cảnh dài hạn thì Chính phủ và Quốc hội đang xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế (thông qua việc sửa Luật thuế TNDN và thuế TNCN) và cải thiện môi trường đầu tư qua tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, những giải pháp này cũng sẽ có tác dụng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng tổng cầu và lưu thông hàng hóa.

Thứ năm, mặc dù không liên quan trực tiếp đến mức bội chi NSNN nhưng vấn đề phát hành TPCP (ngoài mức huy động 225.000 tỷ đồng) để đầu tư mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (do không thể kêu gọi tư nhân đầu tư) hiện đang được xem xét, thảo luận. Nếu được thông qua và thực hiện cũng sẽ gây áp lực lên trần nợ công, ảnh hưởng tới hoạt động huy động trên thị trường vốn. Do đó việc gia tăng bội chi cần phải có các phương án, tính toán các kịch bản để hạn chế dư nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Xin cảm ơn ông!