Thanh toán bằng tiền mặt: Ẩn chứa nhiều rủi ro

Theo Đại đoàn kết

Dù dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là có tác dụng ngăn ngừa tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả… nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt rất khó cho phần lớn người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo đang "đánh đố” người dân. Trao đổi về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Nghị định cần phải tính toán đến các đối tượng, các khu vực cụ thể.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, có ý kiến cho là dự thảo đang "đánh đố” người dân. Tuy nhiên, vấn đề không hẳn là như vậy. Người dân vẫn có quyền mua bán tài sản kể cả lớn hay nhỏ, tất nhiên hình thức thanh toán như thế nào thì vẫn còn là một vấn đề mà Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt cần phải quan tâm hơn.

Chủ trương chính của Chính phủ và NHNN là: muốn giảm lượng tiền mặt trong lưu thông (hiện nay đang chiếm khoảng 13%). Lượng chi tiêu bằng tiền mặt của nước ta vẫn ở mức độ cao hơn các nước trong khu vực. Chính vì vậy, Chính phủ và Nhà nước đang hướng tới giảm tỷ lệ này trong thời gian tới. Tất nhiên chúng ta cần phải tính toán kỹ đến các đối tượng, các khu vực cụ thể. Những vấn đề này vẫn đang được đưa ra để lấy ý kiến người dân, các chuyên gia và các nhà  kinh tế…để khi Nghị định được ban hành thì sẽ hoàn thiện hơn, đặc biệt đảm bảo lợi ích và quyền lợi của người dân.

PV: Vậy với người dân mà không có những phương tiện như dùng internet và điện thoại để thanh toán thì sao, thưa ông?

 Thanh toán bằng tiền mặt: Ẩn chứa nhiều rủi ro - Ảnh 1

- TS. Cấn Văn Lực: Chúng ta đang có 4 phương tiện thanh toán khác nhau. Thứ nhất, theo hình thức truyền thống là chuyển khoản (chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác trong ngân hàng). Thứ hai, tự mỗi cá nhân giao dịch theo hình thức bắt đầu phổ biến là internet banking (hệ thống ngân hàng điện tử) hoặc qua điện thoại di động. Thứ ba là thanh toán bằng séc. Thứ tư, ủy nhiệm chi. Như vậy, người dân có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán.

Vẫn cần phải nói rằng, dù thanh toán bằng cách nào thì cả người mua và người bán đều phải có tài khoản ở ngân hàng. Ở vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa nếu có phát sinh giao dịch bằng internet banking, người dân sẽ phải mua thêm một bộ máy tính, sau đó phải mở một tài khoản ở ngân hàng thì mới mua được một chiếc xe máy?

- NHNN vẫn đang lấy ý kiến người dân, không nhất thiết phải áp dụng đối với những tài sản có giá trị không quá lớn như xe máy. Còn về lâu dài, khi tiến tới một xã hội văn minh, dịch vụ tài chính ngân hàng bao phủ rộng hơn thì sẽ làm được việc này. Hiện nay mới chỉ có 21% lực lượng trẻ của Việt Nam có tài khoản tại ngân hàng, trong khi ở Trung Quốc là 64%. Rõ ràng, chúng ta còn một con đường rất dài để "phấn đấu” làm sao người dân quen với việc có tài khoản tại ngân hàng.

Trước đây chúng ta cũng đã có quy định về hạn mức, khoảng 30 triệu đồng trở lên thì phải qua ngân hàng, còn dưới thì được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu rất kỹ hạn mức này, giống như áp thuế với thu nhập cá nhân. Theo quan điểm của tôi, đồng tiền hiện đang có xu hướng bị mất giá, cho nên rất cần phải cân nhắc có thể hạn mức cao hơn 30 triệu đồng như hiện nay hoặc giữ ở mức này nhưng cần tính đến địa lý, khu vực và các loại giao dịch khác nhau.

Còn với quy định mua bán bất động sản phải giao dịch qua ngân hàng, khá nhiều ý kiến cho rằng, người mua sẽ bị thiệt thòi vì phải mất thêm khoản phí, như vậy chỉ có ngân hàng được lợi?

- Không phải chỉ mỗi ngân hàng được lợi, mà còn có lợi cho cả nền kinh tế. Đối với người dân cũng có nhiều lợi ích. Chẳng hạn, người dân vẫn có thói quen quản lý tiền mặt nhưng ẩn chứa rất nhiều rủi ro, vì liên quan đến an ninh, tiền cũ, tiền rách. Chưa kể, chúng ta phải mất nhiều  công sức để quản lý tiền mặt, kể cả cất dưới… gầm giường. Theo tôi, đối với những giao dịch lớn như bất động sản, mua bán chứng khoán hoặc những tài sản có giá trị lớn cũng cần phải thông qua kênh thanh toán chính thống, ví dụ như qua ngân hàng. Vì đây là những giao dịch rất lớn nên cần phải được đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.

Vẫn biết rằng, đã dùng dịch vụ thì phải trả phí, nhưng vì người dân vẫn đang quen dùng tiền mặt, không phải mất phí khi giao dịch, nay thanh toán với ngân hàng thì lại trả phí. Theo ông, mức phí thế nào là hợp lý để khuyến khích người dân làm quen dần với hình thức thanh toán qua thẻ?

- NHNN cũng đang đưa ra các mức khác nhau từ 0 - 0,05% số lượng tiền giao dịch. Điều này có nghĩa, ngân hàng nào muốn khuyến khích cũng có thể không nhất thiết phải áp dụng mức phí trong thời gian đầu. Đây là mức rất linh hoạt cho các ngân hàng. Còn không thu phí thì cũng không nên, bởi vì lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng "của chùa”, khi đó sẽ dẫn đến dịch vụ sẽ không được tốt.

Xin cảm ơn ông!