Thanh toán điện tử: Phải đi trước và nhanh hơn
“Với nền tảng internet và điện thoại di động rộng khắp, chúng ta hãy làm cho thanh toán di động nói riêng và thanh toán điện tử nói chung phổ cập đến mọi người dân Việt Nam trong thời gian ngắn nhất có thể” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017. Ông khẳng định Chính phủ muốn truyền tới các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông điệp: Chúng ta phải đi trước và đi nhanh hơn.
Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 diễn ra sáng 6/11 tại Hà Nội. Đây là diễn đàn thường niên, quy mô lớn nhất nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
Theo thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam đã có 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng của năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị 423.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016.
Một số ngân hàng thương mại bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán di động, đưa vào các ứng dụng công nghệ mới, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QRR Code, Tokenization, thanh toán không tiếp xúc, công nghệ mPOS… mang lại sự tiện lợi và an toàn.
Ngoài ra, NHNN cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ Ví điện tử thông qua internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, người tiêu dùng vẫn chưa hiểu biết nhiều về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Phần lớn dân số Việt Nam ở nông thôn, số người không có tài khoản tại ngân hàng còn rất lớn và chưa được tiếp cận nhiều với các công nghệ thanh toán.
Việc đẩy nhanh thay đổi thói quen thanh toán cần đến chiến lược và sự phối hợp của nhiều bên như cơ quan nhà nước, các định chế tài chính, các công ty công nghệ tài chính (Fintech)… với trọng tâm là khách hàng.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường hiện có khá nhiều giải pháp kỹ thuật và nền tảng trung gian thanh toán cho điện thoại. Do đó, việc này dẫn đến quy trình cung cấp dịch vụ thanh toán di động chưa nhanh, chưa tối ưu hóa chi phí và chưa linh hoạt. Chỉ riêng mã QR (mã phản hồi nhanh) đã có nhiều đơn vị cung cấp với giải pháp và nguyên lý hoạt động khác nhau. Do đó, khách hàng thuộc hệ thống mã QR nào thì chỉ thanh toán được trong hệ thống đó, khiến thị trường bị chia cắt và người dùng thấy bất tiện.
Dù thị trường Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn nhưng chưa có giải pháp thanh toán di động được xem là nổi bật và tạo ra xu thế. Các đơn vị có tiềm năng công nghệ để cung cấp dịch vụ thanh toán di động là công ty viễn thông. Tuy nhiên, họ lại không có chức năng cung cấp dịch vụ thanh toán. Ngược lại, các ngân hàng có giấy phép cung cấp dịch vụ lại gặp khó khăn về nền tảng công nghệ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho hay, thanh toán di động là xu thế tất yếu nên việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Thời gian tới, cơ quan này sẽ nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng, tiến bộ của sản phẩm công nghiệp 4.0, hướng đến xây dựng một hệ thống ngân hàng kỹ thuật số trong tương lai.
Trong đó, NHNN sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các công ty công nghệ tài chính hoạt động...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, thanh toán điện tử sẽ tạo ra những thách thức nhất định liên quan đến khuôn khổ pháp lý, tính an toàn trong giao dịch, bảo mật thông tin, giao dịch xuyên biên giới, tội phạm công nghệ cao và chủ quyền số quốc gia. Những thách thức này cần được giải quyết bằng các giải pháp sáng tạo, thông qua học hỏi kinh nghiệm quốc tế, và cần có sự chung tay, hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn vào những lợi ích to lớn mà các dịch vụ mới có thể mang lại cho đại bộ phận người dân, Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia, mà thanh toán di động sẽ là một phần để thực hiện chiến lược này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động thông qua việc thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm hiểu những rào cản và cùng đề ra giải pháp.
“Chính phủ muốn truyền đi một thông điệp tới các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người dân rằng: Chúng ta phải đi trước, phải đi nhanh hơn. Với nền tảng internet và điện thoại di động rộng khắp, chúng ta hãy làm cho thanh toán di động nói riêng và thanh toán điện tử nói chung trở nên phổ cập đến mọi người dân Việt Nam trong thời gian ngắn nhất có thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.